Trả đũa vụ tấn công của Houthis hôm 25/3 và nhiều vụ việc trước đó, liên quân do Ả rập Xê út dẫn đầu đã không kích một loạt các địa điểm ở Yemen, trong đó có cảng Ras Eissa, trạm điện và các trạm cung nhiên liệu ở tình Hodiedah của Yemen. Bên cạnh đó, nhiều mục tiêu quân sự ở thủ đô Sana’a cũng đã bị tấn công.
Theo hãng thông tấn nhà nước của Ả rập Xê út, liên quân đã nhắm mục tiêu vào các máy bay không người lái, vốn được chuẩn bị để thực hiện các vụ tấn công nhằm vào ngành công nghiệp dầu mỏ của Ả rập Xê út. Ngoài ra, 4 tàu ở cảng Saleef của Yemen cũng trở thành mục tiêu không kích khi chúng được cho đang có âm mưu tấn công các tàu chở dầu.
Ả rập Xê út cho cho biết 3 nhân sự của Houthis, vốn được giao nhiệm vụ tạo bẫy và biến các con tàu trở thành khối thuốc nổ di động để tấn công các tàu chở dầu, đã thiệt mạng. Liên minh này cho Houthis 3 giờ để chuyển tất cả vũ khí khỏi các cảng Hodiedah và Saleef, cũng như sân bay Sana’a.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, người dự kiến sẽ gặp lãnh đạo các nước giàu dầu mỏ này vào cuối tuần, đã lên án các cuộc tấn công của lực lượng Houthis, vốn được Iran hậu thuẫn. Tuy nhiên, điều này không làm hài lòng Ả rập Xê út và Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất, những bước chỉ trích Washington hành động quá chậm trước các động thái gây hấn của Houthis trong khi đang theo đuổi cuộc đàm phán hạt nhân với Iran.
Ông Blinken cũng dự kiến gặp Thái tử Mohammed bin Zayed của Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất tại Marocco. Tuy nhiên, không thông tin nào cho thấy ông Blinken có cuộc gặp với Thái tử Ả rập Xê út Mohammed bin Salman, người được cho đã từ chối cuộc điện thoại của Tổng thống Mỹ Joe Biden khi xung đột ở Ukraine khiến giá dầu tăng phi mã.
Những vụ tấn công nhằm vào Ả rập Xê út trong một tuần qua cũng như các sự việc tương tự nhằm vào Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất trong tháng 1 và tháng 2 tiếp tục kéo căng áp lực đối với thị trường dầu toàn cầu, vốn đã rất "nóng" sau xung đột giữa Nga với Ukraine cùng các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào Moscow.
Các đồng minh của Mỹ ở vùng Vịnh đã từ chối lời kêu gọi bơm thêm dầu và cũng không ủng hộ các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga. Một phần lý do tới từ việc Mỹ và Iran có thể đạt thỏa thuận với chương trình hạt nhân của nước này để có thêm nguồn cung dầu. Tuy nhiên, Iran lại là kẻ thù của nhiều nước trong khu vực.
Vụ tấn công nhằm vào kho dầu ở tỉnh Jaddah gây thiệt hại lớn nhưng có vẻ sẽ không ảnh hưởng tới khả năng xuất khẩu dầu mở của Ả rập Xê út bởi nó không phải trung tâm sản xuất dầu mỏ chính của nước này. Tuy nhiên, vụ việc cũng gợi nhớ lại những ký ức kinh hoàng của năm 2019, khi lực lượng Houthis tấn công vào các trung tâm dầu mỏ, khiến sản lượng dầu của Ả rập Xê út giảm đi một nửa.
Tuy nhiên, dầu ở Jaddah chủ yếu đáp ứng các nhu cầu trong nước. Nó sẽ không gây ra tác động lớn ngay lập tức tới thị trường dầu thô toàn cầu. Dẫu vậy, nỗi lo là điều không thể tránh khỏi trên thị trường, nhất là khi Ả rập Xê út cũng cảnh báo nguồn cung dầu đang gặp rủi ro và kêu gọi Mỹ làm nhiều hơn để chống lại các cuộc tấn công từ Houthis.
Ngày 25/3/2015, Liên quân do Ả rập Xê út dẫn đầu đã tiến hành vụ không kích đầu tiên nhằm vào quốc gia láng giềng Yemen. Tuy nhiên, việc chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden không ủng hộ đồng minh Ả rập Xê út trong việc không kích đã khiến mối quan hệ giữa những đồng minh trở nên sứt mẻ.
Năm 2020, một lệnh ngừng bắn được đưa ra vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, các vụ không kích và xung đột lẻ tẻ vẫn diễn ra nhưng nó không thu hút được nhiều sự quan tâm của thế giới.
Phải đến khi giá dầu lên đỉnh nhiều năm, những vụ tấn công của Houthis nhằm vào các kho dầu của Ả rập Xê út mới lại khiến thế giới hốt hoảng. Cùng với đó, chiến dịch không kích đáp trả cũng đã nhận được sự chú ý. Tuy nhiên, xung đột này có lẽ sẽ không sớm kết thúc.
Tham khảo: Bloomberg