Chứng khoán

Một cổ phiếu bất động sản tăng bốc 6 phiên kịch trần, bị yêu cầu buộc phải giải trình, soi kết quả kinh doanh càng thêm bất ngờ

Cổ phiếu VRC của Công ty Cổ phần Bất động sản và Đầu tư VRC đóng cửa phiên 13/3 tăng hết biên độ 6,7% lên 12.000 đồng/cp. Đây đã là phiên tăng trần thứ 6 liên tiếp tại mã chứng khoán này, thị giá tăng 50% chỉ sau hơn một tuần giao dịch.

Với 50 triệu cổ phiếu đang lưu hành, vốn hóa VRC theo đó tăng thêm 197 tỷ, hiện đạt 600 tỷ đồng. Dù vậy nếu so với đỉnh giá lịch sử 38.800 đồng/cp thiết lập hồi cuối tháng 2/2022, thị giá VRC vẫn còn cách hơn 69%.

Thanh khoản tại cổ phiếu này cũng sôi động hơn rõ rệt, từ vài chục nghìn đơn vị được giao dịch mỗi phiên lên hàng trăm nghìn đơn vị, giá trị giao dịch hàng tỷ đồng.

Untitled.png

Giữa diễn biến thăng hoa của cổ phiếu, Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE) đã có văn bản yêu cầu Bất động sản và Đầu tư VRC giải trình về việc cổ phiếu tăng trần 5 phiên liên tiếp từ ngày 6/3 đến 12/3.

Yêu cầu này căn cứ theo quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán: "Công ty đại chúng phải công bố thông tin bất thường trong 24 giờ, kể từ khi xảy ra một trong các sự kiện sau đây: Trường hợp công ty nhận biết được sự kiện, thông tin làm ảnh hưởng đến giá chứng khoán của chính công ty, công ty phải xác nhận hoặc đính chính về sự kiện, thông tin đó".

Đồng thời, căn cứ vào công văn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về việc HoSE yêu cầu tổ chức niêm yết trong thời hạn 24 giờ kể từ khi giá cổ phiếu tăng trần hoặc giảm sàn từ 5 phiên liên tiếp trở lên phải báo cáo, công bố các thông tin liên quan đến công ty có ảnh hưởng đến biến động giá cổ phiếu.

Tình hình kinh doanh lẹt đẹt, lãi vỏn vẹn vài trăm triệu/năm

Theo tìm hiểu, Bất động sản và Đầu tư VRC tiền thân là Xí nghiệp Xây lắp Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo, được thành lập tháng 8/1980, là một trong những công ty xây dựng ra đời sớm nhất ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Tháng 6/2018, công ty đã chuyển trụ sở chính về TPHCM.

Doanh nghiệp niêm yết vào tháng 7/2010 và tái cấu trúc toàn diện vào năm 2017, qua đó chính thức đổi tên thành CTCP Bất động sản và Đầu tư VRC và tăng vốn điều lệ lên 500 tỷ đồng như hiện tại.

Mặc dù cổ phiếu bật tăng mạnh mẽ song kết quả kinh doanh của VRC trong vài năm trở lại đây không mấy khả quan. Bốn năm liên tiếp giai đoạn 2020 – 2024 doanh thu vỏn vẹn không tới 10 tỷ đồng.

Cũng 3/4 năm trong giai đoạn trên VRC báo lãi mỏng như tờ giấy, dưới 500 triệu đồng/năm. Riêng năm 2022 LNST của doanh nghiệp xấp xỉ 17 tỷ đồng song chủ yếu nhờ khoản thu nhập khác hơn 20 tỷ là tiền đền bù để thu hồi đất của UBND TP. Vũng Tàu. Chi phí quản lý doanh nghiệp lớn là nguyên nhân "ăn mòn" lợi nhuận.

Untitled.png

Tại ngày 31/12/2023, quy mô tài sản của VRC là 1.719 tỷ đồng, chủ yếu là hàng tồn kho với 1.175 tỷ đồng (tương ứng 68%). Doanh nghiệp phân bổ vào dự án Khu dân cư Nhơn Đức, Phước Lộc - Nhà Bè (784 tỷ), dự án Khu dân cư ADC Phú Mỹ (358 tỷ) và dự án Khu dân cư Long An (33 tỷ).

Quỹ đất triển khai dự án của VRC chủ yếu đến từ việc thâu tóm CTCP ADEC - công ty có nguồn gốc là doanh nghiệp nhà nước. VRC đã đầu tư vào doanh nghiệp này vào năm 2017 và sở hữu 60,06% vốn với giá trị đầu tư gần 320 tỷ đồng.

Ngoài ra VRC còn 483 tỷ đầu tư vào CTCP Đóng tàu và Dịch vụ Cảng Mỹ Xuân.

Vốn chủ sở hữu xấp xỉ 1.260 tỷ đồng và hơn 459 tỷ đồng nợ phải trả. Chiếm phần lớn là nợ vay với 416 tỷ đồng.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm