Ngoài 50 tuổi, vợ chồng bà Âu Kim Thương và ông Nguyễn Văn Hận, cùng là công nhân Công ty TNHH Việt Giai Thành, quận 8, TP HCM chỉ mới đóng BHXH bắt buộc được gần 5 năm. Nguyên nhân là do trước đó, ông bà làm nông ở Cà Mau, mãi đến 5 năm trước, cả gia đình mới chuyển đến TP HCM làm việc và tham gia BHXH, BHYT, BHTN.
Theo bà Thương, năm nay bà đã 53 tuổi, còn khoảng 4 năm nữa, bà đến tuổi nghỉ hưu, trong khi chồng bà còn 9 năm. Như vậy dù Luật BHXH có sửa đổi theo hướng giảm số năm đóng tối thiểu xuống còn 15 năm thì vợ chồng bà vẫn chưa đủ điều kiện về thời gian đóng để hưởng lương hưu.
Tuy nhiên, điều khiến bà hy vọng sẽ có cơ hội nhận lương hưu khi về già là hiện công ty bà vẫn tạo điều kiện để những lao động lớn tuổi được làm việc nếu đảm bảo sức khỏe. Vì vậy, trong nhà máy vẫn có những công nhân đã ngoài 60 tuổi. "Vợ chồng tôi chỉ mong có đủ sức khỏe làm việc đến lúc đủ điều kiện nhận lương hưu, ở mức tối thiểu cũng được. Chúng tôi có một cậu con trai 19 tuổi còn chưa lập gia đình, mẹ chồng thì đã lớn tuổi cần phụng dưỡng nên cả tôi và chồng đều muốn làm việc càng lâu càng tốt để lo cho mẹ và tích cóp một số vốn để con trai khi lập gia đình sẽ bớt khổ"-bà bày tỏ.
Tương tự, vợ chồng bà Nguyễn Thị Bích (quê Kiên Giang) hiện đang làm công nhân tại một doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng nhựa gia dụng ở quận 8 cũng mới tham gia BHXH được 4 năm khi đã 50 tuổi. Bà Bích nhẩm tính nếu chồng bà làm việc đến năm 62 tuổi sẽ đóng BHXH bắt buộc được khoảng gần 17 năm, nếu Luật BHXH (sửa đổi) giảm số năm đóng tối thiểu xuống 15 năm thì ông sẽ đủ điều kiện hưởng hưu. Còn bà làm việc cho đến tuổi nghỉ hưu cũng chưa đủ 15 năm. Bản thân bà sức khỏe yếu do mắc phải căn bệnh viêm khớp nên rất mong muốn được duy trì BHYT và có lương hưu hàng tháng.
Bà Bích tâm sự: "Vợ chồng tôi không có con nên tuổi già chỉ biết nương tựa vào nhau, sức khỏe của tôi lại không tốt nên có lương hưu, tuổi già sẽ đỡ lo hơn. Vì vậy, đến lúc nghỉ hưu mà còn thiếu ít thời gian thì tôi sẽ ráng đóng BHXH tự nguyện cho đủ điều kiện hưởng hưu. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất với chúng tôi lúc này là được đảm bảo công việc. Dạo gần đây, công ty khó khăn, giảm giờ làm, nhiều công nhân không trụ được đã xin nghỉ nhưng chúng tôi đã lớn tuổi nên cố bám trụ, phải giữ được việc làm lâu dài thì mới dám mơ tới lương hưu"
Để tạo điều kiện cho những người cao tuổi, người tham gia BHXH muộn được hưởng lương hưu, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết một trong những nội dung mà Nghị quyết 28-NQ/TW năm 2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về cải cách chính sách BHXH đề ra là sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí, theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu từ 20 còn 15 năm, hướng tới còn 10 năm. Thực hiện nghị quyết này, Chính phủ đã trình Quốc hội dự án Luật BHXH (sửa đổi), trong đó đề xuất giảm điều kiện về số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 xuống 15 năm.
Trường hợp người lao động khi đến tuổi hưu mà chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu, cũng chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội thì được lựa chọn hưởng trợ cấp hằng tháng cho thời gian trước khi đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội. Trong thời gian này, họ được hưởng BHYT do ngân sách nhà nước bảo đảm.