Mới đây tại Hương Khê, Hà Tĩnh xảy ra vụ việc người phụ nữ tử vong vì điện giật, do diện rò rỉ từ sạc điện thoại. Từ vụ việc này, có thể thấy sạc điện thoại là vật dụng vô cùng quen thuộc nhưng đa số chúng ta còn chủ quan với những rủi ro tiềm ẩn trong nó.
Sạc kém chất lượng
Nhu cầu sử dụng sạc pin luôn cao nhưng không phải ai cũng chọn mua những loại sạc chính hãng từ nhà cung cấp uy tín. Thay vào đó, người dùng đặc biệt là những bạn học sinh, sinh viên, người lao động có xu hướng mua các loại sạc trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ vì chúng có giá thành rẻ hơn, mà hiệu quả sạc cũng được đánh giá tương tự.
Các loại sạc điện thoại kém chất lượng dễ dàng được tìm thấy ở khắp các cửa hàng phụ kiện, với giá thành rẻ chỉ bằng ¼ hàng chính hãng. (Ảnh minh họa)
Bạn L.M.Hiếu (20 tuổi) cho biết: “Sạc chính hãng của Apple mua trong hãng giá khoảng 700.000 - 800.000 đồng, nhưng mình mua sạc ở các cửa hàng bình thường hay đặt trên mạng thì chỉ 100.000 - 200.000 đồng thôi. Mua rẻ dùng hỏng cho đỡ tiếc. Hỏng lại mua mới.”
Những bộ sạc giả có chất lượng thấp thường có logo hoặc câu chữ bị in sai hoặc không rõ ràng, trọng lượng bộ sạc quá nhẹ, màu bị phai, chất lượng gia công kém, không có dấu chứng nhận…
Thêm vào đó, sạc chính hãng đều được thiết kế sao phù hợp với từng loại thiết bị, thông số của dòng điện được ghi rõ trên củ sạc, có chế độ tự ngắt an toàn, chống cháy nổ… Còn ở những phiên bản “nhái” lại thì thường không có.
Sử dụng sạc kém chất lượng không chỉ ảnh hưởng đến thiết bị mà còn dễ gây tai nạn cho người dùng. (Ảnh minh họa)
Chính vì thế, việc sử dụng các loại sạc kém chất lượng sẽ gây ảnh hưởng tới tuổi thọ của thiết bị, nghiêm trọng hơn là "mở đường" cho hàng loạt tai nạn thương tâm cho người dùng.
Vừa sạc vừa dùng
Vừa sạc vừa dùng điện thoại là thói cực kỳ phổ biến với những người dùng thiết bị điện tử hiện nay.
Theo lời tiến sĩ Đỗ Chí Phi trả lời trên Báo Thanh Niên, khi đang sạc pin, nếu bạn sử dụng, điện thoại sẽ phải tiêu thụ một nguồn năng lượng lớn, nếu không có hệ thống ngắt tự động thì pin sẽ nóng lên và đến một mức nào đó sẽ phát nổ. Trường hợp này dễ xảy ra với các dòng điện thoại không có chế độ tự ngắt nguồn điện khi pin nóng.
“Tốt nhất, các bạn tuyệt đối không sử dụng điện thoại khi đang sạc pin, dù là điện thoại nào vì chúng đều có nguy cơ phát nổ”, tiến sĩ Phi lưu ý.
Cháy nổ sạc điện thoại do vừa dùng vừa sạc là trường hợp phổ biến và vô cùng nguy hiểm. (Ảnh minh họa)
Việc vừa sạc vừa dùng cũng khiến cho nguồn điện vào thiết bị không ổn định, từ đó cả máy cả sạc cũng sẽ chóng hỏng.
Một số lưu ý thêm khi dùng sạc điện thoại:
- Kể cả không dùng trong lúc sạc, cũng nên xóa các chương trình đã chạy trước đó để tránh các phần mềm này vẫn đang chạy ngầm khiến máy nóng lên
- Tránh sạc điện thoại ở những nơi có nhiệt độ cao gây nóng hay ẩm ướt dễ gây chập cháy.
- Khi dùng xong nên tháo ngay sạc ra khỏi ổ điện.
- Bảo quản sạc đúng cách để tránh sự cố hư hỏng, đứt, hở dây sạc gây ra giật điện.
- Nếu phát hiện sạc có vấn đề như sạc không vào, nguồn điện không ổn định, chập chờn hãy thay ngay.