Đó là chia sẻ của Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty TNHH Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC về một số vụ việc trên thị trường chứng khoán gần đây tại Toạ đàm Góp phần lành mạnh hoá thị trường chứng khoán Việt Nam do Hội truyền thông số Việt Nam và Báo Giao thông tổ chức vừa mới đây.
Theo Luật sư Trương Thanh Đức, mọi người thường hay nói "nước trong thì không có cá" nhưng với thị trường chứng khoán, việc làm xanh sạch thị trường chính là ưu tiên hàng đầu.
"Trong sạch không làm mất con cá nào mà còn có cá sạch, cá an toàn và ngon hơn", tuy nhiên vị luật sư cho rằng để làm sạch hoàn toàn thị trường chứng khoán là điều không dễ làm.
TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Uỷ ban Giám sát Tài chính quốc gia cho rằng Việt Nam có tiềm năng phát triển mạnh thị trường chứng khoán. Có thể thấy, xung quanh các nước Đông Nam Á có tới 40 - 50% dân số đầu tư chứng khoán. Cá biệt như Đài Loan (Trung Quốc) có tới hơn 70% dân số đầu tư chứng khoán. Việt Nam hiện chỉ có khoảng 5% dân số nên dư địa tăng trưởng vẫn còn rất lớn. Yếu tố thứ 2 là kinh tế Việt Nam phục hồi khá nhanh và mạnh, đây là một trong những điểm vô cùng quan trọng với thị trường chứng khoán.
Ông Nghĩa cho biết, thị trường chứng khoán Việt Nam đã phát triển "nóng" giai đoạn vừa rồi. Tuy nhiên, đây không phải diễn biến mới mà chứng khoán thế giới và Việt Nam cũng đều có những giai đoạn phát triển nóng như vậy bất chấp rủi ro.
TS Lê Xuân Nghĩa và Luật sư Trương Thanh Đức
Về các vụ việc xử lý vi phạm nóng trong thời gian gần đây như vụ bắt ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Tập đoàn FLC và Chủ tịch Đỗ Anh Dũng của Tập đoàn Tân Hoàng Minh, ông Nghĩa đánh giá "chưa có gì ghê gớm".
Về vấn đề các tin đồn xuất hiện trên thị trường tài chính trong thời gian gần đây, vị chuyên gia cho rằng, những tin đồn thường tác động rất mạnh đến thị trường chứng khoán, nhưng hiện nay tác động về tin đồn không mạnh như trước. Điều đó cho thấy quy mô thị trường chứng khoán lớn hơn, sức chịu đựng cũng lớn hơn và nhà đầu tư đã quen dần với tin đồn.
TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng, nhà đầu tư phải có sự thấu hiểu về thông tin nhất định. Tuy nhiên, không phải nhà đầu tư nào cũng có khả năng tiếp nhận và xử lý thông tin tốt. Đây chính là sự bất cân xứng. Vấn đề trước mắt chúng ta cần làm là giải quyết vấn đề bất cân xứng này.
"Thị trường đang bức xúc khi các nhóm thổi giá, các nhóm thường được gọi là "tái cấu trúc tài chính doanh nghiệp" đang hoạt động mạnh mẽ mà chúng ta không có động thái giám sát, cảnh báo. Phải luôn giám sát, có biện pháp xử lý để tạo niềm tin thị trường. Yếu kém nhất của thị trường Việt Nam là minh bạch. Nếu minh bạch ngay được từ báo cáo tài chính khi phát hành thì trong tương lai số người tham gia thị trường sẽ còn nhiều hơn", ông Nghĩa nói.
TS. Lê Xuân Nghĩa có 3 kiến nghị phát triển thị trường chứng khoán.
Thứ nhất, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trở thành cơ quan độc lập trực thuộc Chính phủ và không nằm trong Bộ Tài chính. Theo ông Nghĩa, thị trường chứng khoán có tính rủi ro cao không thể để cùng sự quản lý với một bên là ngân sách vốn có rủi ro thấp nhất, an toàn nhất. Điều này giúp Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có khả năng thanh tra, giám sát, điều tra và xử phạt. Trong tương lai, nếu Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước được độc lập, có đủ tài lực, nhân lực, cơ sở vật chất mới có thể tạo được nền tảng thị trường chứng khoán minh bạch.
Thứ hai, để bình ổn thị trường chứng khoán, ông Nghĩa cho biết, các thị trường chứng khoán như Mỹ có 11 doanh nghiệp, Nhật có 4 doanh nghiệp đóng vai trò bình ổn thị trường chứng khoán, để đảm bảo tình trạng lên không có ai bán xuống không có ai mua.
Thứ ba, đến nay có khoảng 5% dân số đầu tư chứng khoán. Trong khi con số này ở các nước khu vực tỷ lệ gấp hàng chục lần… Do đó cần có cơ chế để hỗ trợ đào tạo nhà đầu tư.
Về dài hạn, ông Nghĩa tin tưởng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tiến lên cùng với đà tăng trưởng của thị trường thế giới.
Cơ sở của niềm tin này được TS. Lê Xuân Nghĩa đưa ra là kinh tế Việt Nam phục hồi nhanh, kinh tế vĩ mô khá ổn định. Đây là điểm tựa vô cùng quan trọng với thị trường chứng khoán. Thị trường vẫn sẽ rất tiềm năng nếu kinh tế phục hồi với tốc độ nhanh và mạnh, nhất là ở các ngành dịch công nghiệp chế biến, chế tạo.