Với tác động nặng nề từ cuộc xung đột tại Ukraine và áp lực lạm phát đang lan rộng khắp thế giới, mới đây Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuống mức 3,6% trong năm 2022 và trong năm 2023.
Theo báo cáo, mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 và năm 2023 mà IMF đưa ra thấp hơn lần lượt 0,8% và 0,2% so với mức dự báo hồi tháng 1 vừa qua, trong bối cảnh giá cả cùng nợ công tăng cao. Báo cáo cũng chỉ rõ tăng trưởng toàn cầu trung hạn cũng sẽ giảm xuống mức 3,3%.
Về lạm phát, việc tăng giá hàng hóa do căng thẳng địa chính trị và áp lực giá ngày càng lớn cũng khiến cho dự báo lạm phát năm 2022 được điều chỉnh lên 5,7% ở các nền kinh tế tiên tiến và 8,7% ở thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển. Mức điều chỉnh này cao hơn 1,8 và 2,8 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 1.
Đối với Việt Nam, trong năm 2021, IMF dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể đạt hơn 7%. Tuy nhiên, trong báo cáo lần này, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam xuống còn 6,047%. Đặc biệt, đến năm 2023, tăng trưởng GDP Việt Nam có thể đạt 7,25%.
So với các nước trong khối ASEAN-6 cũng như các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam chỉ thấp hơn Phillipines với mức tăng trưởng được IMF dự báo đạt 6,45%.
Ngoài ra, theo dự báo tăng trưởng GDP của IMF, tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2022 cao hơn Singapore và Thái Lan gấp gần hai lần, lần lượt với mức dự báo là 4% và 3,3%. Trong khi đó, bước vào năm 2023, dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ dẫn đầu so với các quốc gia trong khối ASEAN-6.