Chẳng bao giờ có một ngày, người đàn ông tên Nguyên (Hải Dương) lại nghĩ rằng, đất quê – nơi anh sinh ra và lớn lên lại bất ngờ có giá trị đến vậy. Nơi mà anh sinh ra và lớn lên suốt 18 năm, trước khi bắt đầu lên Hà Nội theo học.
Trong mắt anh khi đó, mảnh đất quê hàng chục năm qua vẫn như vậy, chỉ có con đường ngoằn nghoè trong xóm bằng đất, đá dần được thay bằng bê tông. Một số căn nhà xưa cũ lụp xụp được thay đổi bằng căn nhà 2,3 tầng khang trang. Xung quanh vẫn là cánh đồng chạy dài miên man.
Anh chỉ nhớ năm 2012-2013, con đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng chạy xuyên qua. Nhưng sự thay đổi đó trong trí nhớ của anh, đó là việc đi lại trở nên thuận tiện hơn. Giá đất quê vẫn như vậy. Thậm chí, anh còn nhớ, người quê anh còn cắt đất để “khấu nợ” hàng xóm. Lô đất hàng trăm m2, có sổ đỏ chỉ được bán với giá gần 200 triệu đồng.
Ấy thế mà, năm 2019, về quê, anh nghe từ người thân, hàng xóm kháo nhau về lô đất tăng giá chóng mặt. Những buổi đấu giá đất ở quê, nhà đầu tư từ đâu kéo tới nườm nượp. Người dân trong thôn, trong xã cũng khó đấu giá thành công nếu mức tài chính trả không lớn.
Chỉ vào lô đất dọc trục xã, bố anh còn bảo rằng: giờ khoảng 5 tỷ mới mua được một lô đất. Ở khu đất đấu giá, trung bình 1,3-1,8 tỷ đồng/lô.
Còn đất ở trong xóm, giá đất trung bình 7, 8 triệu đồng/m2 đối với đất có sổ đỏ. Thậm chí, đất ruộng, chưa sổ đỏ, ở giữa cánh đồng, dân cư lác đác, kế cận bờ đê, người ta cũng chào bán với giá 4 triệu đồng/m2. Diện tích 600m2, lô đất ruộng có giá tới 2,4 tỷ đồng. Anh Nguyên còn nhớ lại, năm 2016, nhà hàng xóm cũ của gia đình anh chuyển đi. Họ rao bán căn nhà ống rộng 80m2 cùng diện tích toàn bộ khu đất lên tới 332m2 chỉ có giá 130 triệu đồng.
Thời gian đầu về quê, nghe giá đất tăng, anh Nguyên còn lắc đầu bảo: “Giá tăng ảo quá”. Nhưng đến năm 2021, giá đất quê anh vẫn tăng. Cầm 400 triệu đồng cũng không mua được căn nhà có sổ đỏ.
Giữa năm 2021, thấy giá đất vẫn tăng, anh Nguyên bàn với vợ vay mượn tiền để mua lô đất quê. Tổng tiền tiết kiệm 200 triệu đồng, anh Nguyên nhờ bố mẹ ở quê thế chấp sổ đỏ vay ngân hàng 350 triệu đồng. Anh Nguyên vay mượn bạn bè thêm 150 triệu đồng để mua lô đất thổ cư 700 triệu đồng.
Anh chờ đất tăng giá, và mong có thêm khỏan tiền tích trữ, dự phòng. Bởi anh nghĩ, với công việc làm công ăn lương, khó theo được giá đất tăng. Nhưng đến năm 2022, và… đến năm 2023, đất quê anh vẫn chững lại, có khu vực còn giảm mạnh. Lô đất mà anh Nguyên mua không một ai hỏi thăm để mua lại. Còn khoản nợ, anh và vợ vẫn còng lưng mỗi tháng trả gốc lãi. Giấc mộng làm giàu của anh Nguyên tan vỡ.
Câu chuyện của anh Nguyên chẳng phải là một ví dụ hiếm thấy. Bởi thực tế, có rất nhiều người trẻ rời quê lên Hà Nội lập nghiệp và quay trở lại chính quê hương mình để đầu tư đất. Song, người may mắn “đúng thời” lãi vài trăm triệu đến tiền tỷ. Nhưng người xuống tiền sau, đúng thời điểm cơn sốt đất chuẩn bị qua, tiền lãi chưa thấy nhưng khoản tiền nợ gốc lãi ngân hàng vẫn đang “đè nặng” lên vai.
Anh Trần Minh, CEO doanh nghiệp địa ốc cho rằng: “Đợi đất quê ấm trở lại có lẽ rất khó. Bởi ở nhiều vùng quê, hạ tầng không thay đổi. Dân cư thưa thớt. Nhu cầu mua đất để ở thấp. Trong khi đó, nhiều năm qua, đất quê đã tăng quá mức so với giá trị hiện có. Ở Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình, đất trong xóm, làng tăng quá mạnh. Thậm chí, có lô đất quê bán với giá tiền tỷ, tương đương giá căn hộ ở Hà Nội trước”.