Hãng taxi của tỷ phú Phạm Nhật Vượng mở rộng sang Indonesia
Sau Việt Nam và Lào, ngày 18/12 vừa qua hãng taxi của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã chính thức ra mắt dịch vụ taxi điện Xanh SM tại Indonesia. 100% phương tiện được đưa vào sử dụng là ô tô điện VinFast Limogreen, với nhiều ưu điểm như không phát thải, không tiếng ồn động cơ, không mùi xăng dầu, đảm bảo chất lượng dịch vụ di chuyển an toàn, thoải mái, và thân thiện với môi trường.
Với việc mang đến những giải pháp di chuyển thông minh và thân thiện môi trường, Xanh SM khẳng định quyết tâm chinh phục một trong những thị trường gọi xe tiềm năng bậc nhất Đông Nam Á.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng chính thức ra mắt dịch vụ taxi điện Xanh SM tại Indonesia
Việc mở rộng dịch vụ tại Indonesia tiếp tục đánh dấu hành trình vươn tầm quốc tế “Go Green Global” của thương hiệu Việt, với mục tiêu trở thành biểu tượng cho sự đổi mới và bền vững trong ngành vận tải toàn cầu. Theo kế hoạch, công ty cũng tham vọng mở rộng quy mô ra toàn cầu với 9 thị trường mục tiêu đến năm 2025.
Cùng với quyết định mở rộng thị trường sang Indonesia, tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng đã công bố dừng hoàn toàn dịch vụ taxi Xanh SM Luxury bằng xe VinFast VF 8. Quyết định được đưa ra nhằm đảm bảo chuẩn định vị VF 8 là dòng xe cao cấp, sang trọng dành cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp.
Theo đó, từ nay đến tháng 2/2025, tất cả xe VF 8 của công ty GSM sẽ được chuyển nhượng cho công ty FGF để cung cấp dịch vụ cho thuê xe dành cho cá nhân, doanh nghiệp hoặc bán lẻ ra thị trường cho khách hàng có nhu cầu. Các tài xế Xanh SM Luxury đang sử dụng xe VF 8 sẽ được tạm thời bố trí xe VF 5 hoặc VF e34 để tiếp tục làm việc.
Về phía Xanh SM, công ty sẽ chuẩn hóa và cung cấp 3 dịch vụ vận chuyển chính bằng ô tô điện, bao gồm: Economy - Tiết kiệm với dòng xe Mini Green; Standard - Tiêu chuẩn với dòng xe 4 chỗ Hero Green; Premium - Cao cấp với dòng xe Neo Green và xe 7 chỗ LimoGreen.
Hãng taxi của tỷ phú Phạm Nhật Vượng có quy mô thế nào?
Không chỉ liên tục mở rộng thị trường ra quốc tế, chỉ sau hơn 1 năm được thành lập, hãng taxi của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng liên tục mở rộng về quy mô vốn điều lệ cũng như đội xe và thị trường.
Vào tháng 3/2023, Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng thành lập CTCP Di chuyển Xanh và Thông minh (GSM) với vốn ban đầu 3.000 tỷ đồng. Trong đó, ông Vượng góp 95% vốn thông qua việc chuyển quyền sở hữu hơn 50,7 triệu cổ phiếu VIC thuộc tài sản cá nhân, bà Phạm Thu Hương (vợ ông Vượng) góp 3% còn CTCP Tập đoàn Đầu tư Việt Nam góp 2%.
Chỉ 1 tháng sau, doanh nghiệp này ra mắt Xanh SM, thương hiệu taxi điện đầu tiên trên thị trường Việt Nam. Bên cạnh lĩnh vực gọi xe điện, GSM còn cung cấp dịch vụ cho thuê ôtô, xe máy điện phục vụ khách hàng cá nhân lẫn doanh nghiệp.
Sau nhiều đợt nâng vốn, tính tới ngày 5/6/2024, vốn điều lệ của GSM đã tăng gấp hơn 4 lần, lên 12.732 tỷ đồng. Trong khi đó, với việc sử dụng 100% phương tiện của VinFast, GSM đã và đang trở thành đầu ra lớn nhất cho nhà sản xuất xe điện Việt Nam.
Quy mô hãng taxi của tỷ phú Phạm Nhật Vượng vượt xa các đối thủ truyền thống trong nước
Theo báo cáo tài chính hợp nhất soát xét năm 2023 của Vingroup, GSM đã chi gần 19.000 tỷ đồng để mua phương tiện xe điện từ VinFast, đóng góp gần 70% vào doanh thu mảng sản xuất của tập đoàn. Báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên 2024 của Vingroup cũng ghi nhận 5.746 tỷ đồng doanh thu bán hàng cho GSM. Trong quý 3/2024, khoản phải thu của Vingroup từ GSM ghi nhận hơn 2.500 tỷ đồng. Như vậy, kể từ khi thành lập, GSM đã trả cho Vingroup hơn 27.000 tỷ đồng để mua sắm xe điện để mở rộng quy mô của Xanh SM.
Số liệu thống kê cho thấy tính tới tháng 9/2024, Xanh SM có hơn 80.000 xe đang lưu hành hàng ngày trên đường bao gồm cả xe máy điện, ô tô điện và xe của đối tác. So với các đối thủ gọi xe công nghệ như Grab hay Be, tương quan lực lượng của Xanh SM vẫn còn hạn chế. Tuy nhiên, quy mô hãng xe của tỷ phú Phạm Nhật Vượng lại áp đảo hoàn toàn so với các thương hiệu taxi truyền thống dẫn đầu thị trường trong nước hiện nay như Mai Linh (11.000 xe) hay Vinasun (3.140 xe). Từ thị trường đầu tiên là Hà Nội, hãng đã đặt chân tới 54/63 tỉnh, thành phố cùng mạng lưới hơn 35 doanh nghiệp đối tác.