Bất động sản

Mở rộng cao tốc TP HCM - Long Thành lên 8-10 làn xe

Mở rộng cao tốc TP HCM - Long Thành lên 8-10 làn xe- Ảnh 1.

Cao tốc TPHCM - Long Thành sắp được đầu tư mở rộng. Ảnh: Ngọc Hân

Bộ GTVT vừa gửi báo cáo Thường trực Chính phủ về phương án đầu tư dự án mở rộng đoạn cao tốc TPHCM - Long Thành.

Theo báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, phạm vi đầu tư từ nút giao Vành đai 2 TP HCM đến nút giao đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (Km4+000 - Km25+920), chiều dài 21,92 km.

Về quy mô đầu tư: Đoạn từ nút giao Vành đai 2 TP HCM (Km4+000) đến nút giao Vành đai 3 TP HCM (Km8+770): 8 làn xe theo quy hoạch. Đoạn từ nút giao Vành đai 3 TP HCM (Km8+770) đến nút giao đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (Km25+920): 10 làn xe theo quy hoạch.

Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) huy động 100% vốn để thực hiện đầu tư Dự án và tổ chức khai thác, thu phí hoàn vốn. Sử dụng ngân sách trung ương/ngân sách địa phương (TP HCM, Đồng Nai) để thực hiện giải phóng mặt bằng và tách thành dự án độc lập theo hình thức đầu tư công.

Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 14.955 tỉ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu 5.555 tỉ đồng (37%), vốn vay thương mại 9.400 tỉ đồng (63%).

Nếu được cấp có thẩm quyền phê duyệt, dự án sẽ được chuẩn bị đầu tư từ năm 2024 - 2025, thực hiện đầu tư từ năm 2025 đến năm 2027.

Bộ GTVT thống nhất với ý kiến của Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp về việc VEC đủ năng lực làm chủ đầu tư và quản lý, khai thác vận hành tuyến cao tốc TP HCM - Long Thành, và cho rằng so với đầu tư công và đầu tư theo phương thức PPP, VEC được giao thực hiện đầu tư dự án sẽ có 5 ưu điểm.

Thứ nhất là phát huy được vai trò và nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước, phù hợp với mục tiêu hình thành VEC, đồng bộ trong vận hành, khai thác tuyến cao tốc, là tiền đề cho VEC đầu tư mở rộng các tuyến cao tốc do VEC quản lý.

Thứ hai, phù hợp với tình hình sở hữu tài sản tuyến đường này của VEC trong thời gian tới (đang thực hiện thủ tục giao tài sản này cho VEC thông qua hình thức tăng vốn điều lệ). Thứ ba là không phải sử dụng vốn đầu tư công, giảm áp lực đối với ngân sách nhà nước.

Thứ tư là thời gian thực hiện ngắn hơn. Cuối cùng, phương án giao VEC thực hiện sẽ không phải xử lý xung đột lợi ích giữa VEC và chủ thể mới (trường hợp đầu tư theo phương thức PPP).

Bảo đảm nguồn lực thực hiện khi giao VEC thực hiện dự án mở rộng cao tốc TP HCM - Long Thành, Ủy ban Quản lý vốn đã đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, cho phép khoanh và lùi trả gốc (gần 4.000 tỉ đồng được Bộ Tài chính đã ứng trả trái phiếu cho VEC) và lãi liên quan đến khoản trái phiếu công trình do Bộ Tài chính đã ứng trả từ giai đoạn 2022 - 2026 sang giai đoạn 2031 - 2034.

Cho ý kiến về vấn đề này, theo Bộ GTVT, hiện nay VEC dành tất cả nguồn lực hiện có (hơn 9.400 tỉ đồng) để hoàn thành dự án Bến Lức - Long Thành. Do đó, để VEC có vốn chủ sở hữu thực hiện dự án mở rộng cao tốc TP HCM - Long Thành chỉ còn giải pháp như Uỷ ban Quản lý vốn đề xuất.

Theo quy định tại Nghị định số 92/2018/NĐ-CP; Nghị định số 91/2018/NĐ-CP thì Thủ tướng Chính phủ có thẩm quyền xem xét khoanh nợ trên cơ sở báo cáo của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Bộ GTVT ủng hộ đề xuất của VEC. Tuy nhiên, VEC cần nghiên cứu thêm phương án trả nợ phần gốc, lùi phần trả lãi. Trong đó, làm rõ các khoản lãi trong từng giai đoạn để đề xuất phương án trình cấp có thẩm quyền quyết định.

Về năng lực huy động vốn vay thương mại, ngày 17-10-2024, Ủy ban Quản lý vốn đã trình Chính phủ phương án bổ sung vốn điều lệ cho VEC giai đoạn 2024-2026 là 38.251 tỉ đồng. Văn phòng Chính phủ đang lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan.

Đảm bảo điều kiện để VEC vay vốn thương mại, Bộ GTVT đề nghị các cơ quan liên quan đẩy nhanh thủ tục báo cáo Chính phủ xem xét trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho VEC. Đây là một trong các điều kiện để Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm