Sáng 30/11, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về việc thành lập Thành phố (TP) Huế trực thuộc trung ương với 458/461 đại biểu tham gia tán thành (chiếm 95,62% đại biểu tham gia).
Nghị quyết thông qua việc thành lập TP Huế là thành phố trực thuộc trung ương trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên là hơn 4.900 km2 và quy mô dân số là 1,2 triệu người của tỉnh Thừa Thiên Huế.
TP Huế giáp TP Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam, tỉnh Quảng Trị; nước Lào và Biển Đông. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.
Tại phiên họp, trước khi tiến hành biểu quyết, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về việc thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương.
Theo đó, về ý kiến chung, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tán thành với ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và cho rằng, việc trình Quốc hội xem xét, quyết định thành lập TP Huế trực thuộc trung ương có ý nghĩa hết sức quan trọng, ghi nhận và đánh dấu thành tựu nổi bật trong việc thực hiện chủ trương đẩy mạnh đô thị hóa gắn với phát triển kinh tế đô thị của cả nước.
Đối với ý kiến còn băn khoăn về tỷ lệ số đơn vị hành chính (ĐVHC) đô thị trực thuộc thành phố Huế và chỉ tiêu thu nhập bình quân đầu người/tháng so với trung bình cả nước còn thấp, UBTVQH cho rằng, TP Huế được thành lập với nhiệm vụ trọng tâm là để bảo tồn, phát huy giá trị đặc sắc cố đô và di sản văn hóa vật thể đã được UNESCO công nhận nên về nguyên tắc sẽ không nhấn mạnh yêu cầu về tỷ lệ đô thị hóa mà chú trọng nhiều hơn cho việc bảo đảm chất lượng và tính bền vững trong phát triển đô thị.
Việc thành lập TP Huế sẽ là động lực để Chính phủ, cấp ủy và chính quyền địa phương triển khai thực hiện các quy hoạch, chương trình phát triển đô thị đã được phê duyệt, có phương hướng và kế hoạch đầu tư, phát triển cụ thể nhằm tăng cường chất lượng đô thị, phát triển nhanh, mạnh và bền vững kinh tế đô thị, từ đó từng bước nâng cao thu nhập bình quân đầu người và các chỉ tiêu phát triển khác trên địa bàn TP Huế.
Về các kiến nghị, đề xuất khi thành lập TP Huế trực thuộc trung ương, UBTVQH cho rằng, trong thời gian qua, thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 38/2021/QH15 của Quốc hội, cùng với sự đồng thuận và quyết tâm của cấp ủy, chính quyền và các tầng lớp nhân dân địa phương, diện mạo đô thị Thừa Thiên Huế đã có sự tiến bộ vượt bậc cả về chất và lượng, tạo nhiều dấu ấn quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần cải thiện chất lượng đời sống của Nhân dân.
Do đó, sau khi TP Huế trực thuộc trung ương được thành lập, Chính phủ, cấp ủy và chính quyền địa phương được đề nghị tiếp tục có biện pháp cải thiện và nâng cao trình độ phát triển kinh tế - xã hội, thu hút các nguồn vốn đầu tư đa dạng trên địa bàn, thúc đẩy quá trình phát triển ổn định, bảo đảm cân đối, hài hoà dựa trên nguyên tắc vừa bảo tồn, phát huy giá trị di sản, vừa tạo động lực, đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại TP Huế.
Đồng thời, các cấp cần nghiên cứu, đề xuất việc điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp với yêu cầu phát triển của TP Huế trực thuộc trung ương để trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội, UBTVQH đã chỉ đạo các cơ quan rà soát, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết theo hướng: Khẳng định thành lập TP Huế là thành phố trực thuộc trung ương để làm rõ tên gọi, loại hình và tính chất của ĐVHC.
Tên gọi “Thành phố Huế” đã hội tụ đủ các yếu tố lịch sử, văn hóa, truyền thống của địa phương, đã trở nên thân thương, quen thuộc đối với du khách trong và ngoài nước và được đông đảo cử tri và Nhân dân địa phương đồng thuận với tỷ lệ tán thành rất cao (98,67%).
Đồng thời, các cấp cần bổ sung quy định về việc các cơ quan, tổ chức, đơn vị có tên gọi gắn với địa danh tỉnh Thừa Thiên Huế được đổi tên để hoạt động với tên gọi thành phố Huế kể từ ngày Nghị quyết của Quốc hội có hiệu lực thi hành.