Bất động sản

Mở cửa du lịch, nhiều khách sạn trăm tỷ ở phố cổ Hà Nội vẫn cửa đóng then cài, thậm chí rao bán thanh lý “giá Covid”

Ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 đã khiến lượng khách du lịch, đặc biệt là khách nước ngoài - nguồn thu chủ yếu của các khách sạn tại phố cổ Hà Nội - giảm mạnh.

Cũng vì vậy, mà giá thuê phòng bình quân trong năm 2021 tại khách sạn 4-5 sao ở Hà Nội tiếp tục giảm xuống còn 95,5 USD/phòng/đêm (xấp xỉ 2,2 triệu/phòng/đêm), giảm 5,7% so với năm 2020 và 19,7% so với năm 2019, thời điểm trước khi có đại dịch, theo báo cáo của CBRE.

Mặc dù, khách sạn tại Hà Nội được phép tiếp tục chào đón du khách mới vào tháng 10/2021, sau khi các quy định hạn chế về giãn cách xã hội được nới lỏng vào tháng 9. Cùng với đó, ngày 15/3 vừa qua, Việt Nam đã chính thức mở cửa trở lại hoạt động du lịch, đây là tin vui cho ngành du lịch, cũng như thị trường khách sạn, bất động sản nghỉ dưỡng.

Một số khách sạn ở phố cổ Hà Nội đã bắt đầu rục rịch kinh doanh và thực hiện giảm giá phòng để tìm kiếm các khách du lịch. Tuy nhiên, nhiều khách sạn ở khu vực này vẫn tiếp tục cửa đóng then cài.

Mở cửa du lịch, nhiều khách sạn trăm tỷ ở phố cổ Hà Nội vẫn cửa đóng then cài, thậm chí rao bán thanh lý “giá Covid” - Ảnh 1.
Mở cửa du lịch, nhiều khách sạn trăm tỷ ở phố cổ Hà Nội vẫn cửa đóng then cài, thậm chí rao bán thanh lý “giá Covid” - Ảnh 2.

Theo ghi nhận của PV tại một số tuyến đường thuộc quận lõi trung tâm Thành phố như: Hàng Bông, Hàng Đào, Hàng Bè, Mã Mây… nhiều khách sạn vẫn chưa sẵn sàng quay trở lại, một số khác tuy mở cửa nhưng lượng khách tới check-in, đặt phòng chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Để kích cầu trở lại các khách sạn, khách sạn khu vực phố cổ đã triển khai loạt chương trình ưu đãi, khuyến mại, giảm giá phòng… Theo đó, giá phòng hiện tại đã giảm mạnh từ hơn 1.000.000 đồng/đêm xuống còn 400.000 đồng/đêm, có phòng giá trong khoảng 200.000-300.000 đồng/đêm. Dù giảm mạnh như vậy nhưng vẫn vắng bóng khách thuê.

Mở cửa du lịch, nhiều khách sạn trăm tỷ ở phố cổ Hà Nội vẫn cửa đóng then cài, thậm chí rao bán thanh lý “giá Covid” - Ảnh 3.

Một khách sạn mở cửa với giá 250.000 đồng/đêm.

Những khách sạn này nằm ở vị trí đắc địa, từng được coi là những “con gà đẻ trứng vàng” trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ và được định giá từ vài chục tỷ đến hàng trăm tỷ đồng. Nhưng ngay cả khi du lịch đã được mở cửa trở lại vẫn không thể trụ được. Một số khách sạn trên đầu phố Hàng Đào, Hàng Bè, Mã Mây... đã treo biển in số điện thoại liên hệ cho thuê hoặc bán. Thế nhưng, việc này cũng không hề dễ dàng khi có nhiều khách sạn rao bán thời gian dài mà vẫn chưa tìm được chủ mới.

Theo tìm hiểu, nhiều khách sạn từ mini đến 3-4 sao trên phố cổ Hà Nội đang đăng rao bán “thanh lý giá Covid”. Anh Đ.T.V - chủ một khách sạn ở Mã Mây cho biết đang rao bán khách sạn 9 tầng, rộng 240 m2, mặt tiền 12 m và có 45 phòng khách sạn thiết kế cao cấp.

“Nếu như trước dịch, căn nhà này phải bán được hơn 200 tỷ, nhưng do dịch bệnh ảnh hưởng đến thị trường khách sạn, tôi rao bán 180 tỷ - thanh lý giá Covid đấy mà chưa ai hỏi han gì, không biết có bán nổi không”, ông V nói.

Mở cửa du lịch, nhiều khách sạn trăm tỷ ở phố cổ Hà Nội vẫn cửa đóng then cài, thậm chí rao bán thanh lý “giá Covid” - Ảnh 4.

Cách đó không xa, chủ khách sạn 5 tầng cho biết, do chi phí thuê mặt bằng quá cao, thị trường khách sạn lại bị "đóng băng" lâu do dịch bệnh, không có khách du lịch nên đã phải trả lại mặt bằng vì không có vốn duy trì tiếp.

Một khách sạn nằm trên phố Bát Sứ đã thay đổi mục đích sử dụng, cho thuê lại nhà. Trước đây, những khách sạn luôn đông khách ra vào thuê phòng, nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều người đã bỏ nghề chuyển sang lĩnh vực khác làm. Còn mặt tiền của các khách sạn trăm tỷ đang đóng cửa im lìm kia trở thành nơi bán nước, đồ ăn hay chỗ để xe…

Mở cửa du lịch, nhiều khách sạn trăm tỷ ở phố cổ Hà Nội vẫn cửa đóng then cài, thậm chí rao bán thanh lý “giá Covid” - Ảnh 5.

Mặt tiền khách sạn được tận dụng để bán trà đá, để xe...

Hiện tại, các dự án khách sạn, nghỉ dưỡng thuộc phân khúc 4-5 sao vẫn đang cố gắng cầm cự. Theo báo cáo của CBRE, trong năm 2021, một số khách sạn 4-5 sao được chuyển thành cơ sở cách ly nhưng những biện pháp này cũng chỉ góp phần nhỏ trong việc phục hồi tình hình hoạt động. Năm 2021, tỉ lệ lấp đầy của thị trường khách sạn Hà Nội đạt 30,6%, tiếp tục giảm 4,5% so với năm 2020 và 50,6% so với năm 2019. Trong khi đó, các khách sạn 2-3 sao hoặc khách sạn gia đình, khách sạn mini đang gặp nhiều áp lực hơn phân khúc cao cấp.

Trao đổi với PV, đại diện Sở Du lịch Hà Nội cho biết, hiện nay chính sách và chiến lược phục hồi kinh tế đã thống nhất, tuy nhiên sẽ cần thời gian để các doanh nghiệp từ từ phục hồi và lấy lại vị thế sau 2 năm chịu thiệt hại nặng nề.

Dự báo về khả năng hồi phục của ngành khách sạn tại Việt Nam trong năm 2022, các chuyên gia cho rằng, Năm 2022 sẽ mở ra nhiều cơ hội cho thị trường khách sạn, theo đó, thị trường sẽ có nhiều tín hiệu khởi sắc trong nửa đầu 2022 và tốc độ phục hồi sẽ mạnh mẽ hơn trong nửa cuối năm. Bên cạnh đó, thị trường khách sạn Việt Nam đang sự tham gia của các thương hiệu vận hành quốc tế nổi tiếng.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm