Theo Tiến sĩ, bác sĩ Tăng Hà Nam Anh, Giám đốc Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, BVĐK Tâm Anh TP HCM, du lịch là cách giải tỏa căng thẳng, giúp tái tạo lại năng lượng hiệu quả sau thời gian dài làm việc, học hành. Tuy nhiên, một số yếu tố khi đi du lịch có thể tác động xấu đến khớp, đặc biệt với các bệnh nhân có bệnh lý khớp viêm sẵn có.
Cụ thể, khi ngồi lâu một tư thế khi đi máy bay, tàu, xe, quá trình lưu thông máu trong cơ thể sẽ bị ảnh hưởng, gây tê mỏi, cứng khớp, đặc biệt là vùng chậu và chi dưới. Trong khi đó, đi lại tham quan nhiều địa điểm, mang hành lý nặng, trekking dài ngày, leo núi mạo hiểm nhưng không nghỉ ngơi đủ cũng khiến các khớp hoạt động quá mức, tăng nguy cơ chấn thương và gây đau nhức.
Việc thay đổi môi trường, nhiệt độ, áp suất, độ ẩm không khí khi du lịch cũng tác động đến hệ thống cảm nhận của hệ cơ xương khớp. Ví dụ, di chuyển đến môi trường lạnh sẽ làm thay đổi áp lực trong dòng máu và độ quánh của máu, thay đổi dung môi trong cơ thể, khiến bệnh nhân xương khớp dễ tái phát cơn đau, bác sĩ Nam Anh cho biết thêm.
Ngoài ra, việc thử các món ăn độc lạ của các địa phương, thực phẩm chế biến sẵn, uống nhiều rượu bia... khi đi du lịch có thể gây phản ứng viêm ở một số cơ địa, làm tăng nguy cơ đau nhức khớp, cản trở chuyến du lịch.
Theo bác sĩ Nam Anh, để cơ thể "bắt nhịp" với chuyến đi mới, trước chuyến du lịch vài tuần, mỗi người nên có sự chuẩn bị về thể lực, sức khỏe bằng việc tập luyện thể dục thể thao thường xuyên, kiểm tra lại tình trạng bệnh lý (nếu có). Nếu xương khớp không đạt thể trạng tốt, nên chọn địa điểm du lịch ít mạo hiểm như đồng bằng, bãi biển, khu nghỉ dưỡng...
Tìm hiểu kỹ về thời tiết điểm đến. Với người lớn tuổi, nên hạn chế du lịch tới khu vực quá lạnh hoặc quá nóng, ví dụ đi Sapa ngắm tuyết rơi hay tới miền Trung lúc nắng nóng cực điểm.
Chọn chỗ ngồi thoải mái trên các phương tiện giao thông cũng góp phần giảm bớt áp lực cho các khớp. Ví dụ ở trên máy bay, dãy ghế đầu hoặc ghế gần lối đi, gần cửa thoát hiểm thường có chỗ ngồi rộng rãi và thuận tiện di chuyển hơn các vị trí còn lại. Với tàu hoặc xe khách, nếu quãng đường di chuyển dài (đi trên 6 tiếng), nên ưu tiên chọn giường nằm thay vì ghế ngồi để phần cột sống, xương chậu và khớp gối được nâng đỡ tốt hơn. Có thể tập một số bài tập giãn cơ nhẹ nhàng trước khi lên máy bay, tàu xe.
Ưu tiên sử dụng vali, xe đẩy hành lý để giảm áp lực cho khớp. Về trang phục, nên lựa chọn áo quần có độ co giãn tốt (như đồ cotton, thể thao), giày thoải mái như sandal, sneaker thay vì giày cao gót để di chuyển. Có thể chuẩn bị thêm túi chườm nóng/ chườm lạnh để hỗ trợ giảm đau cơ, đau khớp cấp tính.
Trong thời gian du lịch, cần sắp xếp lịch trình di chuyển, tham quan vừa phải, không cố gắng quá sức vì sẽ khiến cơ thể mệt mỏi, tăng nguy cơ gặp chấn thương không đáng có. Trường hợp tham gia các hoạt động mạo hiểm như leo núi, trekking, khám phá hang động, đạp xe địa hình, thả dù, trượt patin... hãy đảm bảo rằng bạn có các thiết bị trợ lực, bảo hộ an toàn như mũ bảo hiểm, dây đai bảo vệ, đệm đầu gối, đệm khuỷu tay, gậy... Riêng với bệnh nhân xương khớp, nên hạn chế tham gia các bộ môn mạo hiểm này.
Nếu có tiền sử viêm khớp, nên chọn các món quen thuộc thay vì "thử các món ăn quá lạ và các món dễ kích hoạt cơn đau như đồ ngọt, đồ chiên rán, gạo nếp, đồ uống chứa cồn. Chuẩn bị các loại thuốc điều trị cần thiết (nếu có) và bổ sung các dưỡng chất chuyên biệt để bảo vệ khớp chắc khỏe trong chuyến đi.
Tiến sĩ Nam Anh cho biết thêm, một số tinh chất có nguồn gốc từ thiên nhiên như Eggshell Membrane (chiết xuất từ màng vỏ trứng), Turmeric Root (chiết xuất nghệ), Collagen Type 2 không biến tính & Collagen Peptide, Chondroitin Sulfate... có khả năng hỗ trợ điều hòa miễn dịch, giảm sản sinh các yếu tố gây viêm, nhờ đó giảm đau hiệu quả. Tăng cường các tinh chất này cũng giúp tăng cường tái tạo các sụn khớp bị mất đi do quá trình thoái hóa, kéo dài tuổi thọ cho sụn khớp, giúp khớp vận động dễ dàng, linh hoạt trong suốt chuyến đi.