Ợ chua xảy ra khi cơ vòng giãn ra khiến axit dạ dày trào ngược vào thực quản. Theo Medicine, thay đổi thói quen sinh hoạt và một số thực phẩm giúp một người hạn chế tình trạng ợ chua, nhất là vào ban đêm.
Thực phẩm
Một trong những mẹo giảm ợ chua ban đêm là tránh các loại thực phẩm có thể tác động đến việc bùng phát các triệu chứng.
Hạn chế cà phê: cà phê và caffeine có thể giảm áp lực của cơ vòng, gây axit trào ngược. Bạn nên hạn chế uống ít cà phê hơn, nhất là vào buổi tối hoặc cuối ngày.
Ăn ít thức ăn có tính axit: tránh thực phẩm có tính axit như cà chua, trái cây họ cam quýt và chocolate. Nếu đây là những món khoái khẩu, bạn nên ăn uống điều độ và tránh ăn vào ban đêm.
Tránh thức ăn chiên, nhiều mỡ: thực phẩm chiên rán các bữa nướng hoặc quay ở nhà vào buổi tối là tác nhân gây trào ngược dẫn đến ợ chua. Bạn nên hạn chế tối đa những món này không chỉ buổi tối mà cả ngày.
Hạn chế rượu bia: rượu có thể kích thích thêm axit trong dạ dày và làm giãn cơ vòng thực quản, góp phần gây trào ngược axit. Nếu bạn thấy bị ợ chua sau khi uống rượu thì nên thử uống ít hơn.
Tránh thức ăn cay, bạc hà: đồ cay cũng là nguyên nhân gây ợ chua phổ biến vì chúng có thể gây kích ứng thực quản và cơ vòng. Cả bạc hà và các thực phẩm từ bạc hà đều có thể làm giãn van thực quản, làm chứng ợ chua trầm trọng hơn.
Tránh đồ uống có gas: nước ngọt và đồ uống có gas gây ợ hơi, có thể dẫn đến trào ngược axit cũng như các triệu chứng ợ chua.
Ngoài những thực phẩm nên tránh, người bị ợ chua nên dùng các loại thực phẩm sau trước khi đi ngủ để giảm các triệu chứng ợ chua.
Uống trà gừng: gừng là một phương thuốc cổ xưa được sử dụng cho hệ tiêu hóa. Gừng giúp giảm kích ứng và viêm trong thực quản và đường tiêu hóa.
Ăn rau thì là: thì là là một phương thuốc làm dịu tiêu hóa khác. Thì là có thể ăn kèm với canh hoặc ăn riêng bằng cách nướng, có thể chế biến như món trà.
Ăn rau nhẹ: các loại rau nhẹ như rau diếp, cần tây, dưa chuột và ớt ngọt nhẹ nhàng cho dạ dày và không gây đầy hơi. Giảm được các triệu chứng đầy hơi chính là giảm tình trạng ợ chua.
Bột yến mạch: ngũ cốc nguyên hạt như bột yến mạch có nhiều chất xơ, giúp người bị ợ chua cảm thấy no lâu hơn. Ăn nhiều bột yến mạch có thể làm dịu chứng ợ nóng.
Thử dùng baking soda và nước: baking soda có thể giúp trung hòa axit. Bạn có thể thử uống một nửa thìa cà phê muối nở hòa tan với ít nước ấm để xem các triệu chứng ợ chua ban đêm có xuất hiện hay đã biến mất.
Thay đổi thói quen
Thay đổi thói quen ăn uống cũng là cách làm có thể làm dịu chứng ợ nóng, ợ chua. Một trong những thói quen cần thay đổi như sau:
Đứng thẳng: nằm xuống sau khi ăn có thể gây áp lực lên cơ vòng, khiến cơ vòng bị giãn ra. Do vậy, buổi tối đi ngủ, người bị ợ chua nên nằm thẳng, sau khi ăn nên đứng thẳng, đi lại nhẹ nhàng.
Đừng ăn quá nhiều: ăn quá nhiều và quá thường xuyên khiến dạ dày luôn no và tạo áp lực lên van. Bạn ăn từng bữa nhỏ trong ngày, nhất là vào buổi tối. Ăn một lượng nhỏ thường xuyên hơn để giảm áp lực lên cơ vòng.
Ăn chậm: bên cạnh ăn từng bữa nhỏ, bạn nên điều chỉnh cách ăn uống. Thay vì ăn nhanh hãy ăn chậm, nhai kỹ.
Tập thể dục: cúi người, nhảy xung quanh và bật lên có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng ợ chua đối với một số người, nhất là sau khi ăn. Người bị ợ chua nên để cho hệ thống có thời gian tiêu hóa thức ăn khoảng 1-2 giờ trước khi tập thể dục. Thường xuyên tập thể dục giúp cải thiện sức khỏe tổng thể nói chung và hệ tiêu hóa nói riêng.
Tránh ăn vặt muộn: ăn vặt vào đêm khuya có thể dẫn đến cảm giác đầy bụng, no lâu khiến các đợt ợ chua xuất hiện nhiều hơn.
Giảm cân: ngoài những thói quen và thực phẩm nên, không nên ăn được liệt kê ở trên. Người bị trào ngược axit, ợ chua được khuyên giảm cân nếu thừa cân, béo phì, ngừng hút thuốc là và tránh xa môi trường khói thuốc.
Anh Chi(Theo Medicine)