Có câu nói: "Giáo viên nghiêm khắc mới tạo ra học sinh chất lượng cao". Từ xa xưa, các bậc cha mẹ và giáo viên Trung Quốc đã tin chắc rằng chỉ có giáo dục nghiêm khắc mới có thể nuôi dạy những đứa trẻ xuất sắc.
Đầu năm 2011, một bà mẹ người Mỹ gốc Hoa đã xuất bản một tác phẩm mang tên "Battle Hymn of the Tiger Mother", một cuốn tự truyện kể về cách người mẹ giáo dục con gái mình. Chỉ qua một đêm, "mẹ Hổ" cùng cuốn sách và phương pháp giáo dục của bà đã trở nên phổ biến trên toàn nước Mỹ.
Đó là bà Amy Chua, người Mỹ gốc Hoa và là giáo sư Đại học Yale. Trong cuốn sách của mình, Amy Chua tự xưng là “mẹ Hổ” vì có thể là bà sinh năm Dần (1962) hoặc là bà muốn ví mình như một người mẹ Hổ theo nghĩa đen thật sự. Bà được đánh giá là người mẹ dạy con nghiêm khắc đến tàn nhẫn với một mong ước duy nhất để con cái có thể sinh tồn trong xã hội cạnh tranh quyết liệt như thế này.
Sau khi cuốn sách được xuất bản, phương pháp dạy con của bà Amy được rất nhiều người quan tâm. Đa số mọi người đều ủng hộ nhưng có không ít người cảm thấy sửng sốt và sợ hãi với cách dạy con kinh khủng này.
Họ không ngần ngại bình luận, tranh cãi với nhiều ý kiến trái chiều, gọi bà là “yêu quái”, kết tội bà “ngược đãi” con cái, người mẹ nguy hiểm cho xã hội. Tuy nhiên, trả lời với truyền thông, bà Amy thanh minh rằng: “Tôi không phải chuyên gia giáo dục. Cuốn sách của tôi chỉ là cuốn hồi ký chuyện gia đình. Mỗi gia đình đều có cách dạy con riêng, tôi không định dạy ai một hình mẫu dạy con nào cả…”.
10 điều các con không được làm trái ý
Amy Chua có hai người con gái là Sophia và Lousia (hay còn gọi là Lulu). Từ nhỏ bà đã hình thành việc giáo dục nghiêm khắc với hai con, và buộc chúng phải răm rắp tuân theo nội quy gia đình do bà đặt ra. Trong đó có 10 điều mà bà bắt buộc các con không được làm trái ý:
- Cấm con qua đêm ở nơi không phải nhà mình.
- Cấm xem phim.
- Cấm tham gia các hoạt động ngoại khóa ở trường.
- Cấm chơi game, chơi máy tính.
- Không được oán trách hay tức giận những điều bị cấm.
- Không được tự chọn những hoạt động ngoại khóa trong trường (mà phải do mẹ chọn).
- Tất cả các điểm sát hạch, điểm thi phải được mức A (mức cao nhất).
- Trừ môn thể dục và sân khấu, thành tích các môn khác phải đứng nhất lớp.
- Trừ piano và violon, không được chơi nhạc cụ khác.
- Phải học pianio và violon.
Bà giải thích rằng: "Truyền thống người Hoa chúng tôi cho rằng, muốn yêu thích công việc gì thì phải tập làm công việc ấy thật nhiều, khi làm giỏi thì sẽ thấy thích công việc đó. Chính vì vậy mà khi các bà mẹ phương Tây chỉ bắt con tập đàn 30 phút đến 1 tiếng thì tôi bắt con tập đàn từ 3 - 6 tiếng đồng hồ một ngày".
Khi con gái lớn Sophia học lớp năm, cô bé đứng thứ hai trong một bài kiểm tra. Amy Chua không những không khen ngợi mà ngược lại còn yêu cầu cô làm 20 đề thi mỗi tối, mỗi đề có 100 câu Toán nhanh. Sau một tuần luyện tập ráo riết, cuối cùng Sophia cũng đạt kết quả tốt và giành vị trí quán quân trong các bài kiểm tra tiếp theo.
Không chỉ để ý đến điểm số, "mẹ Hổ" còn xây dựng nội quy bắt con gái phải học năng khiếu nhưng cô chỉ được học piano và violin theo sự sắp đặt của bà, còn bà thì kiên quyết không cho tập các loại nhạc cụ khác.
Khi con gái út Lulu của tôi 7 tuổi đã từng tập một bản nhạc nhưng vẫn không thể chơi được trong một tuần. Lúc này, bà mẹ bắt đầu gây áp lực với con gái, cảnh báo Lulu rằng: "Nếu ngày mai không thể tập tốt, mẹ sẽ phá bỏ ngôi nhà búp bê của con và quyên góp cho tổ chức từ thiện, con cũng sẽ không được phép ăn trưa và ăn tối nếu không thể chơi tốt vào ngày tiếp theo".
Amy Chua giống như một "nhà độc tài" kiểm soát cuộc sống của những đứa con gái của mình, sử dụng đủ mọi cách cực đoan để buộc chúng phải đi theo con đường mà bà đã chọn. Ngay cả khi bị chồng bày tỏ ý kiến, bà cũng hoàn toàn phớt lờ.
Chỉ có điều, "mẹ Hổ" không hoàn toàn tước đoạt thời gian nghỉ ngơi của các con, bà sẽ thường xuyên đưa các con đi chơi và dành thời gian chăm con tốt cho các con, chỉ mong các con vững vàng khi học tập. "Mẹ Hổ" xuất hiện trên các phương tiện truyền thông chính thống như tạp chí Time và The Wall Street Journal vì phương pháp giáo dục của bà, và cũng là được chọn là "100 người có ảnh hưởng nhất" của tạp chí Time.
Các cô gái bây giờ thế nào?
Những đứa trẻ lớn lên trong môi trường áp lực cao như vậy thường "bóp méo" tâm lý và phát triển không lành mạnh, nhưng 9 năm sau, thành quả bà mẹ này nhận về khiến ai nấy sửng sốt. Con gái lớn của Amy Chua, Sophia đã được nhận vào Đại học Harvard và vào Đại học Yale để học sau đại học. Trong quá trình học, Sophia cũng thành lập công ty của riêng mình. Sau đó, được sự đồng ý của mẹ, cô chọn gia nhập quân đội và mang quân hàm thiếu úy.
Mặc dù lúc đó cô con gái út Lulu có vẻ phản đối sự giáo dục của mẹ Hổ, nhưng sau khi Amy Chua tiếp tục cải tiến phương pháp giáo dục để phù hợp hơn với con, Lulu cuối cùng đã sống theo kỳ vọng của mẹ và được nhận vào Đại học Harvard.
Một số người còn cho rằng kiểu giáo dục "độc tài" này gây bất hòa giữa mẹ và con gái. Nhưng ngược lại, hai cô con gái không những không ghét mẹ mà còn rất hiểu và biết ơn mẹ.
Cô con gái lớn từng công khai cảm ơn mẹ trên tờ "New York Post" và thổ lộ rằng "Tôi rất hạnh phúc khi được làm con của một mẹ Hổ". Sau đó, cô con gái nhỏ có hành động tương tự. Hai cô con gái đã tuyên bố với cả thế giới rằng chúng yêu mẹ và cảm ơn những nỗ lực của mẹ mình. Dưới sự giáo dục của Amy Chua, hai cô con gái có tương lai tươi sáng, tính tình vui vẻ, tình cảm mẹ con lành mạnh, hòa thuận.
Cách giáo dục của các bà "mẹ Hổ" phản ánh kỳ vọng của các phụ huynh đương thời là "mong con mình thành rồng", đồng thời nó cũng phản ánh sự lo lắng của các bậc cha mẹ. Họ sợ rằng con mình sẽ bị tụt hậu so với các bạn trong quá trình lớn lên, không có khả năng tồn tại trong tương lai.
Đặc biệt có hai kiểu cha mẹ, một là cha mẹ có hoàn cảnh tương đối kém, lo lắng rằng con cái sẽ đi theo con đường của mình nên họ cố gắng hết sức để làm cho con mình trở nên nổi bật trong học tập. Cũng có kiểu phụ huynh có hoàn cảnh xuất sắc, được hưởng lợi từ việc học nên không muốn để con mình học hành làng nhàng. Một khi điểm của con không được như ý muốn, họ sẽ dùng nhiều biện pháp khác nhau để giám sát, thậm chí ép buộc con cái. Điều này khiến kiểu nuôi dạy con "mẹ Hổ" vẫn còn tồn tại và được nhiều gia đình áp dụng.
Nhưng điều cần lưu ý là giáo dục kiểu "mẹ Hổ" thực sự không nên mù quáng để trẻ "chết vì học" mà phải học khi nào thì học, lúc cần thư giãn thì nghỉ. Chỉ bằng cách để con thư giãn đủ, trẻ mới có thể có năng lượng trong quá trình học tập, nếu không, đây là một phương pháp đánh cược với sức khỏe và cả tính mạng của con mình.
Hơn nữa, cách giáo dục kiểu này không phải phù hợp với tất cả trẻ em. Là người có thời gian tiếp xúc với con cái lâu nhất nên người hiểu con nhất chính là cha mẹ. Cha mẹ cần biết, cách dạy con tốt nhất chính là cách phù hợp với con mình chứ không phải áp dụng một cách máy móc và so sánh con với những hình mẫu khác.