Không có cú hồi ngoạn mục nào với thị trường chứng khoán Mỹ. Kết thúc phiên giao dịch, Dow Jones giảm 1.063 điểm, tương đương 3,12% xuống còn 32.997,97 điểm. S&P 500 và Nasdaq lần lượt giảm 3,56 và 4,99%.
Trước đó, vào lúc 21h13 theo giờ Hà Nội, Dow Jones giảm 640 điểm, tương đương 1,88% xuống còn 33.420,67 điểm. S&P 500 cũng giảm 100 điểm, tương đương 2,33% xuống còn 4.199,82%. Nasdaq rơi mạnh nhất khi mất 434,72 điểm, tương đương 3,35%.
Tuy nhiên, chỉ tới 21h40, Nasdaq tiếp tục giảm mạnh với 552,82 điểm bị thổi bay, tương đương 4,26%. Dow Jones cũng giảm 690,35 điểm, tương đương 2,03% trong khi S&P 500 giảm 120,27 điểm, tương đương 2,8%. Đà giảm này chưa có dấu hiệu dừng lại ở thời điểm bài được cập nhật.
Tính đến 22h14 theo giờ Hà Nội, Dow Jones đã mất tới 980 điểm, tương đương khoảng 2,88%. Nasdaq tiếp tục giảm 630,93 điểm, tương đương 4,66% còn S&P 500 mất 146,27 điểm, tương đương 3,4%.
Cú rơi của thị trường chứng khoán Mỹ diễn ra sau cú phục hồi mạn hôm 4/5. Trong phiên trước, Dow Jones tăng 832 điểm, tương đương 2,81%. S&P 500 tăng 2,99%, mức tăng lớn nhất kể từ năm 2020. Riêng Nasdaq tăng 3,19%. Tuy nhiên, cú giảm của ngày hôm nay đã thổi bay mọi thành tựu của Nasdaq và đang đe dọa cuốn trôi tất cả trên Dow Jones và S&P 500.
Sau cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày, FED đã tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản như thị trường kỳ vọng. Cơ quan này cũng bắt đầu giảm bảng cân đối kế toán vào tháng 6. Tuy nhiên, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết trong cuộc họp báo rằng cơ quan này "không tích cực xem xét" một đợt tăng lãi suất với 75 điểm cơ bản.
Zachary Hill, chuyên gia đầu tư tại Horizon Investments, nhấn mạnh FED vẫn để ngỏ triển vọng đưa lãi suất lên mức trung lập để kiềm chế lạm phát. "Rõ ràng, FED muốn thắt chặt hơn nữa", ông Hill chia sẻ.
Thị trường trái phiếu kho bạc đã chứng kiến sự đảo ngược đáng kinh ngạc kể từ sau cú tăng hôm 4/5. Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm đã tăng trở lại trên 3% vào sáng 5/5. Lợi suất đi ngược với giá.
David Rubenstein, đồng sáng lập của Carlyle Group, cho rằng các nhà đầu tư cần "quay lại với thực tế" về những khó khăn mà thị trường và nền kinh tế đang phải đối mặt. Chúng bao gồm cả cuộc xung đột Nga – Ukraine và lạm phát tăng cao.
"Chúng tôi đang tính tới khả năng FED tiếp tục tăng 50 điểm cơ bản trong cuộc họp chính sách tiếp theo. Vì vậy, chúng tôi nghĩ rằng sẽ có sự thắt chặt hơn nữa. Tôi không nghĩ FED sẽ thắt chặt tới mức chúng ta đang kéo tụt đà tăng trưởng của nền kinh tế nhưng cũng phải thừa nhận rằng có những thách thức thực sự với nền kinh tế Mỹ", Rubenstein nói với CNBC.
Trước đó, trong cuộc họp báo công bố chính sách lãi suất, Chủ tịch Jerome Powell cho biết: "Lạm phát đang ở mức rất cao và chúng tôi hiểu những khó khăn mà tình thế này gây ra. Chúng tôi đang khẩn trương khắc phục điều đó." Ông lưu ý về gánh nặng lạm phát đối với những người thu nhập thấp và "cam kết sẽ mạnh tay ổn định lại tình hình giá cả".
Dựa vào nhận xét của ông Powell, các nhà phân tích cho rằng nhiều khả năng Fed sẽ thực hiện nhiều đợt tăng lãi suất 50 điểm cơ bản trong thời gian tới và không có bước đi nào căng thẳng hơn. Cùng với việc nâng lãi suất, NHTW cũng bắt đầu thu hẹp quy mô của bảng cân đối kế toán 9 nghìn tỷ USD.
Tham khảo: CNBC