Trong báo cáo vĩ mô mới nhất, Chứng khoán MB (MBS) đánh giá trong các tháng cuối năm 2022 áp lực lạm phát sẽ giảm so với các tháng đầu năm mặc dù vẫn duy trì ở mức cao so với mọi năm.
Theo các chuyên gia tại đây, về mặt chi phí đẩy, giá các hàng hóa cơ bản trên thị trường thế giới sau khi tạo đỉnh đã có xu hường điều chỉnh giảm trở lại sẽ làm giảm sức ép lạm phát.
Các mặt hàng dịch vụ công như giáo dục và y tế đã được điều chỉnh theo lộ trình. Giá điện và giá xăng dầu sẽ có sự hỗ trợ của Chính phủ để giữ ổn định.
Về mặt cầu kéo, sức cầu bị nén sau dịch COVID-19 sẽ giảm trở lại mức bình thường đặc biệt là các lĩnh vực dich vụ vui chơi giải trí và du lịch.
Sức cầu hàng hóa và dịch vụ Việt Nam từ thị trường thế giới có thể giảm khi các nền kinh tế lớn chịu áp lực suy giảm do mặt bằng lãi suất tăng.
Về nguyên nhân tiền tệ, chính sách kìm chế tăng trưởng tín dụng của NHNN trong quý II và quý III sẽ làm giảm áp lực lên CPI trong các tháng cuối năm 2022.
Mặc dù có nhiều ý kiến trái chiều song NHNN đã kiên định điều hành thận trọng và sẽ kiểm soát mức tăng trưởng tín dụng 14% trong năm 2022.
Các năm gần đây mức tăng tín dụng và cung tiền vẫn có độ chênh nhất định so với GDP danh nghĩa song mức chênh lệch không quá nhiều làm giảm áp lực lạm phát trong dài hạn.
Ngoài ra, khối phân tích cho rằng nguyên nhân chính tạo ra lạm phát tại Việt Nam vẫn xuất phát chủ yếu từ nguyên nhân tiền tệ.
"Trong các năm lạm phát mất kiểm soát trong quá khứ như năm 2008, 2010 và 2011, tỷ lệ tăng cung tiền và tín dụng của các năm liền trước đều rất cao. Hiện nay, độ chênh lệch giữa tăng trưởng GDP danh nghĩa và tăng trưởng cung tiền trong năm 2021 là khá cao khoảng 5% và sẽ thu hẹp lại trong năm 2022 nên không gây rủi ro lạm phát cao trong dài hạn. Về cơ bản lạm phát tại Việt Nam đã được kiểm soát chặt chẽ. Chúng tôi kỳ vọng NHNN sẽ tiếp tục duy trì quan điểm điều hành như hiện nay trong tương lai", MBS cho hay.