Trong báo cáo triển vọng kinh tế nửa cuối 2023, Công ty TNHH Chứng khoán Maybank (MBKE) cho rằng lượng khách du lịch đang phục hồi, nhưng không thể bù đắp hoàn toàn lượng tiêu dùng nội địa yếu.
Các dịch vụ tại chỗ như dịch vụ bán lẻ, chỗ ở và thực phẩm đã được hỗ trợ bởi sự phục hồi lượng khách du lịch. Doanh số bán lẻ hàng hóa và dịch vụ vẫn ổn định ở mức tăng 12,6% so với cùng kỳ trong 5 tháng đầu năm mặc dù nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại. Lượng du khách nước ngoài đang trên đà vượt mục tiêu 8 triệu của Chính phủ trong năm nay, đạt gần 60% (4,6 triệu) mục tiêu hàng năm trong vòng 5 tháng đầu năm.
Du khách từ Trung Quốc đã tăng hơn 8 lần từ tháng 12/2022 lên 147.000 vào tháng 5/2023 khi Trung Quốc nới lỏng kiểm soát biên giới vào đầu tháng 1 và cho phép nối lại các tour du lịch theo nhóm đến Việt Nam vào đầu tháng 3.
Khách Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn nhất trong du khách đến Việt Nam, bằng 1/3 lượng khách quốc tế trước đại dịch.
Tính đến tháng 5, du khách Trung Quốc chỉ ở mức 22,8% so với lượng khách trước đại dịch (tức là tháng 1/2020, ngay trước khi đại dịch xảy ra) và có khả năng tăng cao hơn nữa trong nửa cuối năm, đặc biệt là trong mùa hè của Trung Quốc (tháng 7-8) và Tết Trung thu (đầu tháng 10).
Dù vậy, MBKE cho rằng việc phục hồi hoàn toàn lượng du khách Trung Quốc về mức trước đại dịch có thể khó đạt được trong năm nay. Việt Nam không nằm trong top 10 điểm đến nước ngoài ưa thích của khách du lịch Trung Quốc theo khảo sát khách du lịch Trung Quốc của Dragon Trail (trước khi xảy ra đại dịch, Việt Nam đã nằm trong top 10).
Ngoài ra, công suất chuyến bay vẫn bị hạn chế ở mức 38% so với mức trước đại dịch (tháng 5/ 2019) vào tháng 5/2023, mmặc dù các chuyến bay đang được tăng cường dần.
MBKE cho rằng lượng khách du lịch phục hồi khó có thể bù đắp cho lượng tiêu thụ nội địa yếu. Doanh thu du lịch (từ du khách quốc tế và trong nước) chiếm 9,8% GDP vào thời điểm cao nhất trước đại dịch vào năm 2019, thấp hơn so với tổng mức tiêu dùng hộ gia đình trên GDP là 57%.
Chính phủ đang đặt mục tiêu đạt 650.000 tỷ đồng doanh thu từ du lịch trong năm nay (so với 495.000 tỷ đồng vào năm 2022), tương đương 6,8% GDP của năm ngoái.
"Chúng tôi dự kiến tiêu dùng cá nhân sẽ yếu đi trong nửa cuối năm do bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế trên diện rộng, nhưng chi tiêu của người tiêu dùng có thể tăng trong năm tới khi nền kinh tế phục hồi.
Việc cắt giảm 2% thuế GTGT theo kế hoạch (kéo dài từ tháng 7 đến tháng 12/2023) sẽ làm tăng sức mua của các hộ gia đình, nhưng khó có thể là "viên đạn bạc" trong việc kích thích tiêu dùng do tâm lý thận trọng của người tiêu dùng", MBKE cho hay.
Các chuyên gia tại đây dẫn kết quả từ cuộc khảo sát với 1.600 độc giả của VnExpress từ ngày 11 đến 13/3 cho thấy 82% số người được hỏi đã thắt chặt chi tiêu trong ba tháng qua. Các mặt hàng đắt tiền như ô tô đã chứng kiến sự sụt giảm khi các hộ gia đình "thắt lưng buộc bụng", với doanh số bán xe cơ giới giảm 19% so với cùng kỳ trong tháng 3.
Báo cáo cũng nhấn mạnh thất nghiệp gia tăng và mất đi thu nhập sẽ làm suy yếu niềm tin và chi tiêu của các hộ gia đình trong năm nay. Nhiều doanh nghiệp buộc phải cắt giảm nhân sự do đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh.
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết tại kỳ họp Quốc hội ngày 4/6 rằng gần 280.000 lao động bị mất việc làm trong 5 tháng đầu năm.
Mất việc làm tập trung ở dệt may (70.000), điện tử (45.000) và giày dép (31.600) do đơn hàng xuất khẩu sụt giảm.
Theo Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 1/5, số lượng lao động tại các doanh nghiệp công nghiệp đã giảm 4,8% so với một năm trước. Theo cuộc khảo sát được thực hiện vào tháng 4 bởi VnExpress và Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), 71,5% doanh nghiệp trong số các doanh nghiệp được hỏi (5.200), chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng và sản xuất, có kế hoạch sa thải hơn 5% nhân viên trong thời gian còn lại của năm.