Ngày 22-6, UBND tỉnh Kon Tum cho biết ông Nguyễn Ngọc Sâm, Phó chủ tịch UBND tỉnh này, vừa ký quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với tài sản vùi lấp được tìm thấy.
Theo đó, căn cứ các quy định của pháp luật, UBND tỉnh Kon Tum xác lập sở hữu toàn dân đối với 4 tấm gỗ tổng cộng hơn 4,2m3 và 6 tấm bìa đã mục nát. Tất cả đều là gỗ phay, thuộc nhóm 6.
UBND tỉnh Kon Tum chỉ đạo UBND huyện Sa Thầy có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị trực thuộc lập phương án xử lý tài sản bị vùi lấp được tìm thấy theo quy định và trình Chủ tịch UBND huyện Sa Thầy phê duyệt.
Số gỗ do ông Lê Quang Nam tìm thấy trong quá trình cải tạo ruộng đã được xác lập sở hữu toàn dân
UBND huyện Sa Thầy phải chỉ đạo Phòng Tài chính - Kế hoạch phối hợp với Công an huyện Sa Thầy và các đơn vị có liên quan thực hiện bảo quản tài sản trong thời gian chờ cấp có thẩm quyền quyết định phê duyệt phương án xử lý tài sản theo quy định.
Riêng Sở Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn các đơn vị thực hiện theo đúng quy định.
Trước đó, như Báo Người Lao Động đã thông tin, cuối tháng 3-2022, khi cải tạo ruộng cho người dân ở xã Sa Sơn, huyện Sa Thầy, ông Lê Quang Nam (trú huyện Sa Thầy) đào được gốc cây lớn trong lòng đất.
Công an huyện Sa Thầy phát hiện nên đã kiểm tra, yêu cầu giữ nguyên hiện trạng nhưng ông Nam không chấp hành. Sau đó, ông Nam được UBND xã Sa Sơn cho phép tiếp tục đào gốc cây lên nhưng không cho phép mua bán, trao đổi.
Hơn 1 tháng sau khi đưa được khúc gỗ lên, không thấy cơ quan nào hướng dẫn xử lý nên ông Nam đưa đi gia công thì bị công an huyện lập biên bản, tạm giữ gỗ. Sau đó, Công an huyện Sa Thầy ra quyết định xử phạt hành chính ông Nam về hành vi "Chiếm giữ tài sản trái phép".
Việc xử phạt của Công an huyện Sa Thầy đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều khi số gỗ được tìm thấy chưa được xác lập quyền sở hữu toàn dân.
Sau đó, UBND tỉnh Kon Tum đã chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát, hoàn thiện toàn bộ hồ sơ, tham mưu để UBND tỉnh Kon Tum xem xét việc xác lập "quyền sở hữu toàn dân" về tài sản đối với số gỗ trên.