Bất động sản

Mặt tối của nhà đất Hong Kong nhìn từ vụ người mẫu Thái Thiên Phượng bị sát hại

Người mẫu Thái Thiên Phượng bị sát hại - vụ án khủng khiếp gây chấn động khắp Hong Kong, Trung Quốc về sự an toàn và tỷ lệ tội phạm thấp. Đây là một trong những vụ án chấn động nhất Hong Kong của thế kỷ 21, Bloomberg bình luận.

Thái Thiên Phượng 28 tuổi, người mẫu thuộc giới siêu giàu, gặp phải kết cục thảm hại sau khi mâu thuẫn với bố chồng. Căn hộ cô mua nhưng do bố chồng cũ đứng tên. Khi cô định bán căn hộ rộng 170 m2 (được mua với giá hơn 70 triệu HKD - khoảng 8,9 triệu USD - vào cuối năm 2019), gia đình chồng cũ phản đối, lên kế hoạch giết người, chiếm tài sản, thủ đoạn tàn nhẫn.

Theo cảnh sát Hong Kong, kẻ sát nhân gồm 4 người (cùng 3 nghi phạm liên quan) sử dụng công thức nấu món súp nấu chậm truyền thống Quảng Đông để phi tang chứng cứ. Thông tin trên gây sốc dư luận xã hội.

Mặt tối của nhà đất Hong Kong nhìn từ vụ người mẫu Thái Thiên Phượng bị sát hại - Ảnh 1.

Dư luận Hong Kong chấn động với thông tin người mẫu Thái Thiên Phượng bị sát hại, phân xác.

Khi niềm tin đặt sai chỗ

Dù buồn và sốc, cái chết của Thái Thiên Phượng làm sáng tỏ chính sách nhà ở gây tranh cãi. Nghịch lý của thị trường bất động sản Hong Kong là dân có tiền sẽ mua được nhà ở giá cả phải chăng nhất thế giới. Nhưng nếu là người nước ngoài, hoặc là dân Hong Kong mua căn nhà thứ hai, thứ ba, đó lại là giao dịch đắt đỏ nhất thế giới.

Vấn đề là nhiều mức thuế khác nhau mà chính phủ Hong Kong áp vào. Năm 2016, trong nỗ lực kiềm chế giá nhà tăng vọt, đặc khu tăng thuế trước bạ đối với người mua căn nhà thứ hai lên 15%, trong khi mức thuế người mới mua chỉ 4,25%.

Nếu mua căn hộ rộng 170 m2, Thái Thiên Phượng phải trả hóa đơn thuế trị giá hơn 7 triệu HKD. Vì vậy, nữ người mẫu để bố chồng cũ (ông Quảng Cầu, chủ mưu sát hại con dâu, người chưa sở hữu, đứng tên bất kỳ bất động sản nào) đứng tên chính thức căn hộ và chỉ đóng mức thuế thấp nhất là 4,25%, tương đương 3 triệu HKD.

Cuối cùng, niềm tin đã đặt nhầm chỗ.

Do từng phục vụ trong lực lượng cảnh sát Hong Kong, Quảng Cầu biết dù đứng tên, ông hoàn toàn có khả năng mất trắng nếu Thái Thiên Phượng có bằng chứng dùng tiền mua căn hộ, Quảng Cầu là người được ủy thác đứng tên.

Bất động sản rộng 170 m2 là một trong những khu phố siêu giàu, nơi ở yêu thích của nhiều sao Hong Kong, trong đó có cố diễn viên Trương Quốc Vinh, ca sĩ Lưu Đức Hoa, cựu Chủ tịch Học viện Olympic Hong Kong Arnaldo de Oliveira Sales...

Niềm tin đặt nhầm chỗ khiến Thái Thiên Phượng bị nhà chồng cũ sát hại.

Tạ Thiên Lương, luật sư nổi tiếng về quyền thừa kế tại Hong Kong, Trung Quốc, không loại trừ khả năng ông Quảng Cầu chứng minh được bất động sản ông đang đứng tên là quà tặng của con dâu, không phải tài sản ủy thác, quyền sở hữu căn hộ triệu USD vẫn thuộc về nghi phạm dù bị kết án giết người.

Trong trường hợp Thái Thiên Phượng không để lại di chúc (nhiều khả năng nữ người mẫu chưa lập di chúc vì đột ngột qua đời ở tuổi 28), tòa án căn cứ luật pháp hiện hành của Hong Kong để phân chia gia sản.

Để phòng tài sản của con gái vào tay kẻ sát nhân, mẹ của Thái Thiên Phượng đệ đơn lên Tòa án Tối cao Hong Kong yêu cầu bảo vệ tài sản của người mẫu qua đời vì bị nhà chồng cũ sát hại, phân xác.

Bà yêu cầu tòa án cấm các thành viên gồm 4 người của gia đình Quảng Cảng Trí (con rể cũ), Quảng Cầu, Quảng Cảng Kiệt và Lý Thụy Hương không được bán hay chuyển nhượng tài sản mà con gái bà mua cho, đồng thời yêu cầu trả lại toàn bộ quyền sở hữu tài sản cho bà.

Trong đơn kiện gửi đến tòa án, mẹ Thái Thiên Phượng yêu cầu chánh án xác nhận nữ người mẫu là chủ sở hữu duy nhất, thực hưởng bất động sản tại 17 Kadoorie Road, Kowloon. Nghĩa là chỉ có nữ người mẫu có quyền sang, bán hay quyết định số phận của căn hộ. Ông Quảng Cầu chỉ là người sở hữu bất động sản dưới dạng ủy thác.

Câu chuyện "mất bò mới lo làm chuồng"

Từ vụ việc Thái Thiên Phượng, có thể nhận thấy thuế trước bạ 15% hoàn toàn không phải là vấn đề chỉ ảnh hưởng đến những người cực kỳ giàu có. Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, những người muốn tiết kiệm để nghỉ hưu nhận ra họ có rất ít lựa chọn.

Lãi suất huy động ngân hàng quá thấp, trong khi thị trường chứng khoán không có xu hướng tăng lành mạnh như ở Mỹ. Trong khi đó, những chủ nhà muốn đầu tư vào bất động sản chùn bước trước mức thuế cắt cổ 15%, theo Bloomberg.

Từ đó, họ mới nảy sinh ý tưởng lách luật là nhờ anh em họ, bạn thân hoặc một ai đó xa lạ mà họ tin tưởng để đứng tên cho bất động sản thứ hai. Điều đó làm xảy ra vấn đề xung đột lợi ích trong tương lai, nhiều trường hợp đau lòng xảy đến, vụ Thái Thiên Phượng chỉ là bề nổi.

Kết cục bi thảm của người mẫu 28 tuổi đặt ra câu hỏi rằng: Liệu đây có phải là thời điểm để xem xét lại khoản thuế trước bạ 15%? Giới nhà đất Hong Kong và thế giới nhận định chính sách được áp dụng từ 6 năm trước là quá cao và khiến nhiều người đau đầu.

Mặt tối của nhà đất Hong Kong nhìn từ vụ người mẫu Thái Thiên Phượng bị sát hại - Ảnh 3.

Truyền thông cảnh báo bong bóng bất động sản Hong Kong có nguy cơ nổ tung bất cứ lúc nào.

Theo Bloomberg, sự điên cuồng đầu cơ bất động sản ở Hong Kong dần biến mất. Sau 13 năm tăng vốn, giá nhà ở đặc khu giảm 15,6% năm 2022. Trong khi đó, với tác động kép của việc tăng lãi suất và làn sóng di cư của người dân, triển vọng cho năm nay còn là ẩn số.

Điều này giải thích lý do Thái Thiên Phượng muốn bán căn hộ sang trọng. Bất động sản được mua cuối năm 2019 và dùng làm khoản đầu tư. Tại Hong Kong, chi phí bán căn hộ giảm dần sau thời gian nắm giữ 3 năm, nữ người mẫu chỉ đơn thuần là cắt lỗ.

Bloomberg nhận định thị trường bất động sản đắt đỏ ở Hong Kong là vấn đề lớn. Hiện tại, ông Lý Gia Siêu - trưởng đặc khu Hong Kong - dần tìm ra giải pháp.

Ông đẩy mạnh chính sách phát triển nhà ở công cộng, cam kết cắt giảm thời gian chờ đợi cho gia đình có nhu cầu mua nhà từ sáu năm xuống còn 4,5 năm vào năm 2027.

Sau khi xảy ra vụ Thái Thiên Phượng, chính quyền tuyên bố cắt giảm thuế trước bạ đối với những ngôi nhà rẻ hơn. Đây được xem là chính sách kịp lúc, đúng thời điểm. Bởi, các nhà phát triển của thành phố đang bán nhiều căn hộ mới trong năm nay. Một số người dùng chính sách giảm giá để tăng doanh số bán tháo nhà ở.

Câu hỏi Bloomberg đặt ra là nếu chính quyền có thể giữ cho tầng lớp trung lưu, những người có thu nhập thấp, tại sao họ lại không cắt giảm chi phí giao dịch cho chủ sở hữu ngôi nhà thứ hai?

"Chính quyền không cần tiếp tục áp dụng chính sách 'trừng phạt' những người giàu có để tránh xảy ra bi kịch", Bloomberg bình luận.

Khi chính sách "không Covid-19" dần bị đẩy lùi, Hong Kong muốn xây dựng lại danh tiếng là trung tâm tài chính nổi bật nhất châu Á. Theo đó, giảm phí bất động sản là sự khởi đầu.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm