Cổng thông tin Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH) cảnh báo tình trạng một số kẻ mạo danh cơ quan này trên mạng xã hội, lấy lý do hỗ trợ cấp mật khẩu ứng dụng VssID để dụ người lao động chuyển tiền. Một trong những nạn nhân là chị Đào Thị N, công nhân đang làm việc tại Hà Nội, đã chuyển cho kẻ mạo danh 5,9 triệu đồng.
VssID là ứng dụng của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, giúp truy cập các thông tin bảo hiểm qua điện thoại. Do ít sử dụng, nhiều người quên thông tin đăng nhập. Khi chị N lên Facebook hỏi cách lấy lại mật khẩu, tài khoản tên Giang, tự giới thiệu là nhân viên tiếp nhận hồ sơ của BHXH Việt Nam, đã liên hệ với chị qua Messenger.
Lấy lý do phòng tránh hồ sơ giả mạo hoặc hồ sơ đi mượn, tài khoản Giang yêu cầu chị N phải nộp tiền cọc 900.000 đồng, đồng thời gửi ảnh CCCD, mã số sổ BHXH, địa chỉ tạm trú, số điện thoại và và số tài khoản để nhận lại tiền cọc sau này.
"Sau khi xác minh hồ sơ chính chủ, sẽ cấp mật khẩu về máy sau 5 phút và hoàn tiền cọc theo quy định", tin nhắn của tài khoản Giang đến chị N có đoạn.
Sau khi thực hiện theo yêu cầu, chị N được phản hồi là nội dung chuyển tiền sai, cần thực hiện lại, đồng thời thông báo chị sẽ bị phạt 10 triệu đồng. Do không đủ tiền trong tài khoản, chị chuyển vào số tài khoản này 5 triệu đồng và sửa lại nội dung chuyển tiền đúng theo yêu cầu.
Tuy nhiên, tài khoản Giang vẫn yêu cầu chị chuyển đủ số tiền lập tài khoản điện tử nếu muốn nhận lại tiền đặt cọc. Người này thậm chí gọi điện thông báo chị "trốn thuế" và có thể phải bồi thường hàng trăm triệu đồng. Do không còn tiền, chị N nói chuyện với người quen và biết mình mắc bẫy.
BHXH Việt Nam cho biết đã nhận được nhiều phản ánh của người dân về tình trạng tương tự, hầu hết diễn ra trên mạng xã hội. Theo cơ quan này, mọi dịch vụ hỗ trợ giải quyết thủ tục về BHXH, BHYT mà Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang triển khai đều không thu phí. Do đó, bất kỳ trường hợp nào yêu cầu người dân trả phí như trên đều là lừa đảo.
Để lấy lại mật khẩu VssID, người dùng có thể sử dụng tính năng "Quên mật khẩu" ngay trên ứng dụng. Mật khẩu mới sẽ được gửi vào địa chỉ email mà họ điền khi đăng ký tài khoản. Trong trường hợp chưa có thông tin về email, người dùng có thể tạo tờ khai thông tin và nộp trực tiếp tại cơ quan BHXH gần nhất, hoặc liên hệ Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ, theo khuyến cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Trước đó, cơ quan này cũng cảnh báo tình trạng fanpage, tài khoản Facebook giả mạo để dụ người dùng làm hồ sơ. Kẻ gian đánh vào tâm lý mong muốn được giải quyết hồ sơ nhanh qua mạng, không phải trực tiếp đến làm các thủ tục của người dân. Trong quá trình dẫn dụ, chúng thực hiện nhiều bước, mỗi bước lại yêu cầu nộp một khoản phí ngày càng tăng lên. Có nạn nhân đã sập bẫy và chuyển cho kẻ mạo danh hơn 100 triệu đồng.