Khoa học

"Mắt Rồng" 20.000 năm tuổi ở Na Uy

'Mắt Rồng' 20.000 năm tuổi ở Na Uy- Ảnh 1.

"Mắt Rồng" vào mùa đông - Ảnh: Jetson Nguyen

"Mắt Rồng" là một hốc đá tự nhiên nằm trên tảng đá dọc bờ biển phía tây bắc của Na Uy, trông giống con mắt của loài bò sát. Một tảng đá nằm dưới đáy hốc, nổi bật trên nền cát trắng và tảo, hình thành con ngươi của "Mắt Rồng".

Hốc đá này được hình thành khi toàn bộ bán đảo Scandinavia nằm dưới một khối băng khổng lồ gọi là dải băng Fennoscandia.

Theo trang LiveScience, Fennoscandia thực chất là một sông băng khổng lồ, bao trùm bán đảo Scandinavia cũng như một phần Bắc Âu và tây bắc Nga.

"Mắt Rồng rất có thể được hình thành bên dưới Fennoscandia vào thời kỳ băng hà cuối cùng. Loại địa hình băng đặc biệt này được gọi là hốc rỗng", ông Francis Chantel Nixon, nhà địa vật lý tại ĐH Khoa học và Công nghệ Na Uy, cho biết.

Sự đóng băng có thể dẫn đến mọi loại hình thành địa chất, trong đó có dạng p - là kết quả của sự xói mòn nền đá chứa đầy trầm tích bên dưới dải băng. Các hốc rỗng như "Mắt Rồng" thuộc dạng p, với các dòng nước gây xói mòn chảy theo dạng vòng tròn.

Khi quá trình xói mòn biến mất, lớp trầm tích gồm nhiều loại đá với những kích thước khác nhau bắt đầu lắng xuống, trở thành "con ngươi" bên trong hốc rỗng.

Theo các nhà khoa học, "Mắt Rồng" có thể lộ ra từ bên dưới dải băng vào khoảng 16.000 năm trước, khi quá trình tan băng diễn ra ở khu vực xung quanh.

Con mắt rộng 1,5m này trông khác nhau tùy vào thời điểm trong ngày và mực triều dâng. Có khi con mắt như ngấn nước nhưng có lúc lại khô cạn nằm trơ trên nền đá. Màu sắc của tảo trong "Mắt Rồng" cũng sẽ khác nhau tùy vào ánh sáng và thời điểm trong năm.

'Mắt Rồng' 20.000 năm tuổi ở Na Uy- Ảnh 2.

"Mắt Rồng" có đường kính khoảng 1,5m - Ảnh: Alamy Stock Photo

Khi cạn nước

Khi cạn nước "Mắt Rồng" mang một vẻ đẹp khác - Ảnh: Shutterstock

Cùng chuyên mục

Đọc thêm