Thời sự

Mặt hàng xuất khẩu 55 tỷ USD bất ngờ tăng 32% trong tháng 7, chấm dứt chuỗi 8 tháng âm liên tiếp

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong tháng 7, xuất khẩu mặt hàng điện tử, máy tính và linh kiện ghi nhận mức tăng 32% so với cùng kỳ, chấm dứt chuỗi 8 tháng tăng trưởng âm liên tiếp (từ tháng 11/2022).

Do xuất khẩu từ đầu năm của mặt hàng này đều tăng trưởng âm, dẫn đến 7 tháng đầu năm vẫn bị sụt giảm 3% so với 7 tháng 2022.

 

Điện tử, máy tính và linh kiện là một trong 5 mặt hàng chủ lực có kim ngạch xuất khẩu lớn. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, năm 2022, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đạt 55,53 tỷ USD, đứng thứ hai sau "Điện thoại các loại và linh kiện" (đạt gần 58 tỷ USD).

 

Trong nhóm 5 mặt hàng chủ lực này, ngoại trừ "Điện tử, máy tính và linh kiện", 4 mặt hàng còn lại đều tăng trưởng âm và mức sụt giảm lớn hơn so với tháng 6, riêng "Dệt, may" cải thiện nhẹ (giảm 13,5% so với cùng kỳ trong tháng 7 so với mức giảm 14% trong tháng 6).

 

Ở chiều nhập khẩu, nhập khẩu "Điện tử, máy tính và linh kiện" thoát tăng trưởng âm trong tháng 7 (tăng 1,6% so với cùng kỳ, cải thiện so với mức giảm 0,5% trong tháng 6).

Trong khi đó, nhập khẩu "Điện thoại và linh kiện" giảm khá sâu, 71,8% so với cùng kỳ, tháng 6 nhập khẩu mặt hàng này giảm 68,5%.

Triển vọng thương mại ngắn hạn của Việt Nam sẽ ổn định hơn 

Bức tranh nhập khẩu nhìn chung vẫn chưa có nhiều điểm sáng, khi nhập khẩu tiếp tục giảm ở nhiều nhóm mặt hàng là nguyên vật liệu như vải, máy móc thiết bị, hóa chất, chất dẻo. Nhìn từ số liệu nhập khẩu có thể thấy trong ngắn hạn, hoạt động sản xuất trong nước vẫn còn khó khăn do nhập khẩu của Việt Nam chủ yếu là nhập khẩu nguyên vật liệu cho sản xuất hàng xuất khẩu.   

Dự báo thời điểm phục hồi, đa số các tổ chức nhận định quý IV là thời điểm xuất khẩu sẽ có rõ hơn những tín hiệu khả quan. 

Trong báo cáo mới đây, nhóm phân tích của Chứng khoán VNDirect cho biết tổng tồn kho của các doanh nghiệp Mỹ tăng mạnh giai đoạn cuối năm 2022 là một trong những nguyên nhân chính khiến số lượng đơn đặt hàng mới đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sụt giảm mạnh trong giai đoạn quý IV/2022 đến quý II/2023.

Tuy nhiên, tồn kho tại Mỹ đã có dấu hiệu đạt đỉnh vào cuối quý I/2023 và dự kiến sẽ giảm trong những quý tiếp theo. Do đó, VNDirect kỳ vọng xuất khẩu của Việt Nam sẽ phục hồi từ quý IV nhờ tồn kho tại các nước phát triển giảm sẽ kích thích nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Ngoài ra, chu kỳ thay thế smartphone cũ bằng mẫu mới là 25,3 tháng, tức khoảng 2 năm (theo nghiên cứu của China Mobile Terminal Lab), điều này có thể thúc đẩy xuất khẩu smartphone của Việt Nam kể từ quý IV (điện thoại và linh kiện chiếm gần 16% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2022). Xuất khẩu cũng kỳ vọng sẽ phục hồi nhờ nhu cầu từ Trung Quốc phục hồi mạnh mẽ hơn sau khi nền kinh tế mở cửa trở lại. 

Trong tháng 7, xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục giảm so với cùng kỳ, nhưng mức giảm chỉ ở mức thấp 3,5%. Trong báo cáo vừa công bố, khối phân tích của ngân hàng HSBC gọi đó là "sự ổn định quý giá".

Mặc dù số liệu xuất khẩu giảm ở mức thấp hơn so với tháng 6 một phần do hiệu ứng cơ sở thuận lợi, nhưng xuất khẩu trong tháng 7 đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 9 tháng.

Theo HSBC, trong khi các mặt hàng xuất khẩu chính, bao gồm dệt may/giày dép và điện thoại, tiếp tục chịu sự sụt giảm ở mức hai con số, thì các lô hàng máy tính và linh kiện điện tử lại bất ngờ bù đắp phần nào những khó khăn này, tăng vọt 32% so với cùng kỳ.

"Các hiệu ứng cơ sở đã phần nào hỗ trợ, nhưng các dấu hiệu đang cho thấy một sự ổn định quý giá – đặc biệt là từ các hoạt động nhập khẩu liên quan đến máy tính", HSBC đánh giá.

"Tuy vậy, điện thoại thông minh đang tiếp tục đối mặt với những thách thức ngày càng gia tăng. Mặc dù còn sớm để nói, nhưng các chỉ số PMI tương lai đang cho thấy triển vọng thương mại ngắn hạn của Việt Nam sẽ ổn định hơn – đầu tiên là dừng đà suy giảm, sau đó thương mại sẽ phục hồi rõ ràng hơn", khối phân tích dự báo.

 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm