CNBC cho biết, trong phiên điều trần phá sản kéo dài 5 tiếng của công ty tiền số Voyager Digital tại tòa án New York đầu tháng 8, Magnolia là khách hàng đầu tên lên tiếng về trải nghiệm tồi tệ của mình.
Bà từ chối cung cấp họ tên đầy đủ nhưng khẳng định có hơn một triệu USD bị mắc kẹt trong nền tảng. "Đây là số tiền tôi tiết kiệm suốt 24 năm, trong đó có 350.000 USD để dành đóng học phí đại học cho con", bà nói. "Voyager Digital đã nhận được lòng tin và tiền của mọi người nhưng họ lại không vận hành công ty một cách tử tế. Những gì chúng tôi phải nhận là hệ quả của sự vô trách nhiệm của công ty về khoản tiền gửi của mọi người".
Magnolia muốn biết tại sao Voyager lại đi vay thêm tiền thay vì cắt lỗ khi biết thị trường đang ngày một xấu đi, và liệu CEO Stephen Ehrlich có đang tiếp tục nhận lương và các khoản tiền thưởng khi khách hàng của họ trắng tay.
Những nạn nhân khốn cùng
Người phụ nữ này chỉ là một trong 3,5 triệu khách hàng của Voyager. Đây từng là nền tảng cho vay tiền số phổ biến, thu hút nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ với lời hứa lợi nhuận hàng năm lên đến hai chữ số. Những người như Magnolia gửi tiền thật vào Voyager rồi nhận lại các token. Đến khi công ty tuyên bố phá sản, giá token giảm mạnh, tài sản của họ bị đóng băng.
Hồ sơ tòa án cho thấy Voyager đang còn khoảng 1,3 tỷ USD tài sản tiền mã hóa trên nền tảng, 104 triệu USD tiền mặt và 650 triệu USD cho 3AC vay. Trong khi số tiền khách hàng cá nhân gửi vào nền tảng này lên đến 1,8 tỷ USD.
Một khách hàng giấu tên 32 tuổi nói đang chứng kiến "10 năm cuộc đời mình bị đóng băng trên Voyager". Còn Donald A, có khoảng 31.000 USD mắc kẹt trên nền tảng, cho biết ông không dám đối mặt với gia đình để giải thích cho họ về khoản tiền bị mất. "Tôi thức dậy mỗi đêm chỉ để đi lên xuống cầu thang để suy ngẫm về những sai lầm của chính mình, tự hỏi liệu bao giờ chuỗi ngày tăm tối này sẽ kết thúc".
Trong thư gửi CEO Voyager, một người tên Redburn kể: "Tôi đã lấy hết số tiền tiết kiệm để gửi vào công ty với ước mơ một ngày nào đó có thể trang trải việc học cho con và sinh hoạt gia đình. Nhưng giờ đây toàn bộ tương lai của con gái tôi bị đóng lại, tôi phải vay mượn hàng ngày để gia đình sống qua ngày".
Christine Marcy, một phụ nữ về hưu sống ở Florida, nói: "Cầu xin công ty hãy trả lại khoản tiền tôi đã gửi vào chứ không phải những token vô giá trị. Những hành động bất thiện của Voyager đang gây ra nhiều khó khăn về cả vật chất lẫn tinh thần cho hàng triệu khách hàng".
Lời hứa mập mờ
Voyager phủ nhận những cáo buộc liên quan đến việc công ty lừa đảo, chiếm dụng trái phép tiền của nhà đầu tư. Họ đổ lỗi cho sự sụp đổ của thị trường tiền mã hóa. Nhiều quỹ đầu cơ và công ty bị vỡ nợ khiến những công ty cho vay như Voyager bị thiệt hại. Trong đó, quỹ Three Arrows Capital (3AC) thông báo phá sản và không thể trả Voyager khoản nợ 650 triệu USD. Tuy nhiên, một số nạn nhân cho rằng đây có thể là thủ đoạn để Voyager thoát khỏi rắc rối về tài chính, để khách hàng ở lại gánh các thiệt hại.
Nhiều người cho biết khi gửi tiền vào Voyager, họ được giải thích rằng mình là chủ sở hữu của những token trên nền tảng. Nhưng khi công ty phá sản, họ lại trở thành chủ nợ. "Tôi gửi tiền vào nền tảng chứ không phải đầu tư. Vì sao họ lấy tiền của tôi đi làm những việc khác rồi giờ đây toàn bộ tiền tôi gửi lại bị đóng băng", một người đặt câu hỏi.
Một nạn nhân khác với biệt danh Ginger Little chia sẻ tại phiên điều trần rằng khi gửi tiền vào Voyager, cô được hướng dẫn đổi từ USD sang USDC. "Họ mập mờ, đánh lận con đen, không nói làm như vậy mới được nhận lợi nhuận hứa hẹn hay không. Họ cũng không nói với tôi rằng stablecoin USDC không giống tiền mặt. Tôi cứ đinh ninh Voyager thừa nhận USDC cũng được hưởng bảo hiểm FDIC (Công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ)", Little nói.
CNBC dẫn lời công ty FDIC và Hội đồng Thống đốc Hệ thống Dự trữ Liên bang Mỹ cho biết họ đã gửi thư cho Voyager hồi tháng 7 để cảnh cáo nền tảng này về những tuyên bố sai lệch và gây hiểu nhầm cho người dùng về các khoản tiền gửi.
Bước đi chưa từng có trong tiền lệ
Ủy ban của các chủ nợ không có bảo đảm đang làm việc với Voyager để yêu cầu công ty gửi biểu mẫu cho khách hàng, cung cấp bằng chứng về việc họ đã gửi tiền vào nền tảng và chưa thể rút ra. Mục tiêu dự kiến là cuối tháng 10 và việc hoàn tiền có thể diễn ra vào tháng 11.
Ủy ban cho biết đang thực hiện bước đi "chưa từng có trong tiền lệ" là ủng hộ việc trả tiền tạm thời cho các chủ nợ bằng khoản hỗ trợ trong quá trình công ty tuyên bố phá sản. Một số khách hàng đầu tiên được cho là đã lấy lại được tiền từ nền tảng nhưng phải tuân thủ nhiều điều kiện nghiêm ngặt.
Thẩm phán Michael Wiles cho phép những người đủ điều kiện có quyền tiếp cận 270 triệu USD tiền mặt của Voyager tại ngân hàng Metropolitan. Những người có USD trong tài khoản sẽ được rút tối đa 100.000 USD trong vòng 24 giờ thông qua ứng dụng Voyager.
Còn những người dùng Voyager đang nắm giữ token vẫn chưa thể lấy lại tiền. Một thành viên của tòa thị chính cho biết: "Chúng tôi phát hiện ra nhiều người đang nghĩ tiền số họ có trên nền tảng Voyager là tài sản của mình. Thật không may, nó không nằm trong khuôn khổ pháp lý để xác định xem khoản tiền này là tài sản của người dùng hay của nền tảng đang nộp đơn phá sản".
(theo CNBC)