Theo SCMP, cơ sở Foxconn ở Thành Đô, Tứ Xuyên sẽ ngừng hoạt động từ 15/8 đến 20/8. Trong thời gian này, nhà máy chỉ duy trì 20% phụ tải điện cho mục đích an ninh. Cơ sở này chủ yếu sản xuất iPad và Apple Watch.
Đại diện Foxconn xác nhận thông tin trên và cho biết đã tìm cách để hạn chế tối đa tác động từ việc phải đóng cửa. Một số nhà máy khác của họ ở Trung Quốc vẫn đang hoạt động bình thường.
Việc cắt điện ở Thành Đô diễn ra trong bối cảnh nắng nóng kéo dài, các đơn vị dùng điện công nghiệp buộc phải "nhường" điện cho người dân sinh hoạt hàng ngày. Các chuyên gia đánh giá đây là sự cố kép với các đối tác của Apple vì họ cũng đang chịu nhiều tác động từ việc phong tỏa để chống Covid-19.
Nhà phân tích Ming-Chi Kuo của TF International Securities cho rằng việc cắt điện có thể ảnh hưởng trực tiếp đến dây chuyền lắp ráp iPad của Foxconn và cả công ty Compal Electronics ở thành phố Trùng Khánh gần đó. "Rất khó đánh giá chính xác tác động của sự cố với hoạt động sản xuất. Nhưng nếu tình trạng này kết thúc vào ngày 20/8 như dự tính, mọi thứ vẫn có thể nằm trong tầm kiểm soát", Kuo viết trên Twitter.
Tuy nhiên, các chuyên gia lo ngại việc cắt điện sẽ diễn ra thường xuyên hơn khi nắng nóng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. "Nếu sự cố kéo dài trong vài tháng tới, các lô hàng của Apple có khả năng bị ảnh hưởng vào mùa cao điểm cuối năm", Kuo nói.
Theo Nikkei Aisa, ngoài Foxconn, danh sách bị đóng cửa do thiếu điện ở Tứ Xuyên còn có công ty BOE Technology Group - nhà cung cấp tấm nền lớn nhất ở Trung Quốc. Công ty chuyên sản xuất tấm nền LCD và OLED, là đối tác lớn của Apple và nhiều công ty công nghệ trong và ngoài nước. Nếu các nhà máy của họ đóng cửa thường xuyên, việc lắp ráp smartphone và laptop có thể bị tác động không nhỏ.
Các nhà sản xuất chất bán dẫn lớn, như Intel của Mỹ, và công ty pin ôtô lớn nhất thế giới CATL cũng đặt nhà máy ở Thành Đô. Truyền thông Trung Quốc cho biết cả hai đều nằm trong danh sách buộc phải đóng cửa trong đợt thiếu điện này.
Nikkei Asia dẫn lời một quan chức ở Tứ Xuyên cho biết nhiệt độ tỉnh này đang ở mức cao nhất trong vòng 60 năm qua, khiến nhu cầu dùng điện của người dân tăng vọt.
Tỉnh Tứ Xuyên chủ yếu dựa vào thủy điện nên việc lượng mưa trong tháng 7 giảm còn một nửa so với trung bình hàng tháng đã làm cho sản lượng điện giảm. Ngoài Tứ Xuyên, kế hoạch cắt điện công nghiệp do nắng nóng kéo dài đang lan rộng khắp Trung Quốc. Một số khu vực của Trùng Khánh cũng yêu cầu nhiều nhà máy đóng cửa. Tỉnh Giang Tô, Chiết Giang, An Huy - nơi tập hợp nhiều nhà máy - cũng bắt đầu áp dụng chế độ cắt điện.
(theo Nikkei Asia, SCMP)