Tài chính

USD và euro tăng giá, vàng giảm tiếp, nhân dân tệ xuống thấp nhất 3 tháng

Chỉ số đồng USD tăng do nhà đầu tư kỳ vọng kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng mạnh mẽ hơn so với các cường quốc khác và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục tăng lãi suất.

Tuy nhiên, so với euro, USD giảm sau khi dữ liệu cho thấy tâm lý nhà đầu tư ở Đức giảm nhẹ trong tháng 7 do lo ngại chi phí sinh hoạt tăng sẽ ảnh hưởng đến tiêu dùng tư nhân.

Châu Âu đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng năng lượng sau khi áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga. Công ty khí đốt nhà nước Nga Gazprom hôm thứ Ba (16/8) cho biết giá khí đốt ở châu Âu có thể tăng đột biến 60% lên hơn 4.000 USD/1.000 m3 trong mùa đông này do sản lượng và xuất khẩu của công ty tiếp tục giảm bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Adam Button, nhà phân tích tiền tệ trưởng của công ty ForexLive ở Toronto, cho biết: "Thị trường đang ngày càng tin vào một kết quả rất tồi tệ sẽ xảy ra với châu Âu trong mùa đông năm nay, và đó là lý do chính khiến đồng đô la duy trì được sức mạnh như hiện nay". "Mặc dù triển vọng kinh tế Mỹ đang xấu đi, song vẫn có vẻ tốt hơn so với châu Âu và phần lớn các nước châu Á."

Chỉ số Dollar index (DXY) – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt – lúc kết thúc ngày 16/8 theo giờ Việt Nam tăng 0,09% lên 106,55. Đồng euro cũng tăng 0,08% so với đồng đô la, lên 1,0167 USD, mặc dù trước đó có lúc giảm xuống 1,0121 USD, mức thấp nhất kể từ ngày 3 tháng 8.

Trong nước, tỷ giá trung tâm hôm thứ Ba (16/8) được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 23.173 USD, so với 23.160 VND/USD ở phiên trước đó. Tên thị trường chợ đen, giá USD ngày 16/8 ở mức 23.920 - 23.980 đồng (mua vào - bán ra).

Đồng bạc xanh tăng 0,93% so với yen Nhật, lên 134,57 JPY.

Đồng tiền Nhật Bản, vốn thường bị ảnh hưởng bởi sự khác biệt về lãi suất giữa Mỹ và Nhật Bản, đã tăng giá trong tuần vừa qua do hy vọng lạm phát của Mỹ hạ nhiệt đồng nghĩa với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giảm tốc độ thắt chặt tiền tệ và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm.

Tuy nhiên, trong những ngày gần đây, một số nhà hoạch định chính sách của Fed đã nói về sự cần thiết phải tiếp tục tăng lãi suất.

"Các quan chức Fed không có lựa chọn nào khác ngoài việc tỏ ra cứng rắn khi đối mặt với thị trường lao động rất rất chặt chẽ và lạm phát quá cao", Kit Juckes, người phụ trách mảng chiến lược tiền tệ của Societe Generale, cho biết, và thêm rằng: "Thật khó để thấy các nhà đầu tư bán USD trong bối cảnh đó".

Đồng bạc xanh tăng trong phiên vừa qua bất chấp dữ liệu cho thấy xây dựng nhà ở của Mỹ tháng 7 giảm xuống mức thấp nhất trong gần 1-1/2 năm do lãi suất thế chấp và giá vật liệu xây dựng đều tăng.

Các dữ liệu khác cho thấy sản xuất công nghiệp của Mỹ tháng 7 đã tăng nhiều hơn dự kiến.

Đồng USD cũng được hưởng lợi từ các dòng tiền chảy tới nơi trú ẩn an toàn sau khi dữ liệu kinh tế của Trung Quốc cho thấy sự sa sút và ngân hàng trung ương nước này bất ngờ cắt giảm lãi suất vào thứ Hai (15/8), làm dấy lên lo ngại về tăng trưởng toàn cầu.

Ông Button nói: "Đồng đô la đã thay thế đồng yên trở thành nơi trú ẩn an toàn ưa thích trên thị trường tiền tệ lúc này".

Tỷ giá đồng bảng Anh trong phiên vừa qua liên tục biến động, có lúc giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 1 tuần sau khi những dữ liệu trái chiều cho thấy thị trường việc làm của nước này vẫn còn "nóng", mặc dù một số dấu hiệu ban đầu bắt đầu cho thấy dấu hiệu của quá trình "nguội" dần.

Tỷ lệ thất nghiệp của Anh đã giữ ở mức thấp nhất trong nửa thế kỷ, nhưng số lượng người có việc làm tăng ít hơn dự kiến, theo thông tin từ Văn phòng Thống kê Quốc gia (ONS).

Lúc kết thúc ngày 16/8 theo giờ Việt Nam, bảng Anh giữ vững ở 1,2051 USD.

Các loại tiền tệ nhạy cảm với hàng hóa, bao gồm đô la Australia, cũng bị ảnh hưởng bởi những lo lắng về nhu cầu quặng sắt và các tài sản khác của Trung Quốc.

Đồng AUD phiên vừa qua đã giảm 0,11%, sau khi biên bản cuộc họp chính sách của nước này cho thấy Hội đồng RBA dự kiến sẽ tăng lãi suất hơn nữa do lạm phát cao hơn nhiều so với mục tiêu và thị trường lao động ở mức thắt chặt nhất trong nhiều thập kỷ.

Đô la New Zealand phiên này giảm 0,41% do lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Ngân hàng trung ương New Zealand dự kiến sẽ thực hiện đợt tăng lãi suất nửa điểm phần trăm vào thứ Tư (17/8).

Trái lại, đồng bạc xanh giảm 0,2% so với đồng đô la Canada sau khi dữ liệu của Canada cho thấy áp lực lạm phát cơ bản vẫn ở mức cao và giới đầu tư đặt cược về một đợt tăng lãi suất khổng lồ của Ngân hàng Trung ương Canada vào tháng tới.

USD và euro tăng giá, vàng giảm tiếp, nhân dân tệ xuống thấp nhất 3 tháng - Ảnh 1.

Cập nhật tỷ giá các tiền tệ chủ chốt.

Đồng nhân dân tệ suy yếu xuống mức thấp nhất trong 3 tháng so với đồng đô la Mỹ khi Trung Quốc bất ngờ cắt giảm lãi suất trong bối cảnh dữ liệu yếu kém làm gia tăng lo ngại về triển vọng tăng trưởng kinh tế của nước này.

Đồng nhân dân tệ trên thị trường nội địa Trung Quốc lúc kết thúc ngày 16/8 giảm 0,47% xuống 6,7950 CNY/USD, mức thấp nhất kể từ ngày 16 tháng 5. Trên thị trường nước ngoài, đồng nhân dân tệ tương đối ổn định trong phiên vừa qua, sau khi chạm mức 6,80 CNH/USD lần đầu tiên trong ba tháng vào phiên trước đó.

Trên thị trường tiền điện tử, Bitcoin giảm xuống dưới mức 24.000 USD, lúc kết thúc ngày 16/8 theo giờ Việt Nam ở mức 23.849 USD.

USD và euro tăng giá, vàng giảm tiếp, nhân dân tệ xuống thấp nhất 3 tháng - Ảnh 2.

Giá Bitcoin trong ngày 16/8.

Giá vàng giảm phiên thứ 2 liên tiếp do USD mạnh lên, trong khi các nhà đầu tư chờ đợi các tín hiệu chính sách từ Fed.

Giá vàng giao ngay lúc kết thúc ngày 16/8 theo giờ Việt Nam giảm 0,2% xuống 1.774,81 USD/ounce, sau khi giảm hơn 1% trong phiên thứ Hai (15/8). Giá vàng giao tháng 12 giảm 0,3% xuống 1.791,90 USD.

Trên thị trường trong nước, giá vàng SJC ở mức 66 - 67 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Edward Moya, nhà phân tích cấp cao của OANDA cho biết: "Vàng đang đối mặt với tình trạng cạn kiệt do đồng USD tiếp tục tăng giá trước khi biên bản cuộc họp của Fed được công bố... Thị trường vàng sẽ rất biến động cho đến khi chúng ta tiến tới cuộc họp của Fed vào tháng 9".

Tham khảo: Refinitiv, Coindesk


Cùng chuyên mục

Đọc thêm