Theo tài liệu Đại hội đồng cổ đông thường niên của CTCP Tập đoàn Masan (Mã: MSN), năm nay tập đoàn lên kế hoạch doanh thu 84.000 - 90.000 tỷ đồng, tăng 7% - 15% so với năm ngoái. Mục tiêu lợi nhuận sau thuế 2.250 - 4.020 tỷ đồng, tăng 20% - 115% so với cùng kỳ.
Về phương án chia cổ tức năm 2023 và 2024, tập đoàn đều đề xuất không chia cổ tức.
Tại buổi họp tới, tập đoàn sẽ trình phương án chào bán cổ phần là cổ phần phổ thông và/hoặc cổ phần ưu đãi cổ tức với tổng số lượng phát hành dự kiến tối đa 10% tổng số cổ phần đang lưu hành tại thời điểm chào bán.
Hiện Masan đang có 1,43 tỷ cổ phiếu, tức tập đoàn sẽ chào bán tối đa khoảng 143 triệu cổ phiếu.
Với phương án chào bán cổ phần phổ thông, Masan sẽ phát hành riêng lẻ một hoặc nhiều lần. Giá chào bán không thấp hơn giá trị sổ sách theo báo cáo tài chính năm hợp nhất đã kiểm toán năm gần nhất. Uỷ quyền cho HĐQT quyết định giá chào bán cụ thể.
Số lượng chào bán không quá 99 nhà đầu tư chiến lược và/hoặc nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Cổ phiếu chào bán riêng lẻ sẽ bị hạn chế chuyển nhượng ba năm đối với nhà đầu tư chiến lược và một năm đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Còn với phương án chào bán cổ phần ưu đãi cổ tức theo hình thức riêng lẻ, giá chào bán, số lượng nhà đầu tư và việc chuyển nhượng tương tự phương án chào bán cổ phần phổ thông. Cổ phần ưu đãi không có quyền biểu quyết.
Tỷ lệ chuyển đổi là 1:1. Mỗi cổ phần ưu đãi sẽ được chuyển đổi thành một cổ phần phổ thông tại bất kỳ thời điểm nào sau ngày phát hành trên cơ sở yêu cầu của cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi và theo nghị quyết của HĐQT.
Mức cổ tức cố định của cổ phần ưu đãi là 0% trong vòng 6 năm đầu tiên. Kể từ năm thứ 7 trở đi, mức cổ tức cố định của mỗi cổ phần ưu đãi lên tới 10%. Uỷ quyền cho HĐQT quyết định mức cổ tức cụ thể và thời điểm thanh toán.
Ngoài cổ tức cố định, mỗi cổ phần ưu đãi sẽ nhận được cổ tức bằng với cổ tức chia cho mỗi cổ phần phổ thông (nếu có).
Cổ tức cố định của mỗi cổ phần ưu đãi sẽ bị huỷ bỏ sau khi cổ phần ưu đãi đó được chuyển đổi thành cổ phần phổ thông.
Công ty có quyền mua lại một phần hoặc toàn bộ cổ phần ưu đãi tại bất kỳ thời điểm nào sau thời điểm tròn một năm kể từ ngày phát hành với giá mua lại không thấp hơn giá phát hành trên một cổ phần ưu đãi và không cao hơn 300.000 đồng/cp ưu đãi.
Giá mua lại sẽ được điều chỉnh cho các khoản chi trả cổ tức bằng cổ phiếu và các khoản phân phối bằng cổ phiếu mà công ty đã trả cũng như các sự kiện gộp hay chia tách cổ phiếu, chi trả cổ tức bằng tiền và các sự kiện tương tự.
Uỷ quyền cho HĐQT quyết định việc mua lại, mức giá mua lại cụ thể, thời điểm mua lại và các vấn đề khác.
Thời gian chào bán của hai phương án trên đều là trong 2024 hoặc trước ĐHĐCĐ thường niên 2025 sau khi được UBCKNN chấp thuận.
Ngoài ra, Masan còn dự kiến phát hành ESOP với số lượng tối đa 0,5% số cổ phần lưu hành, tức khoảng hơn 7 triệu cổ phiếu. Giá phát hành là 10.000 đồng/cp, bằng 1/7 giá cổ phiếu MSN chốt phiên 5/4 (71.900 đồng/cp). Thời gian phát hành trong năm 2024 hoặc 4 tháng đầu năm 2025.