Trái ngược với đà tăng mạnh của thị trường chứng khoán, vàng và một số phân khúc BĐS từ đầu năm 2024, kênh gửi tiết kiệm ngân hàng lại liên tục được các nhà băng điều chỉnh theo xu hướng giảm.
Từ ngày 5/4, ngân hàng TMCP Đông Á (Dong A Bank) đã giảm 0,5 điểm phần trăm các kỳ hạn tiền gửi từ 1-2 tháng, và giảm 0,3 điểm phần trăm lãi suất tiền gửi các kỳ hạn từ 3-36 tháng. Theo đó, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1-2 tháng còn 2,8%/năm, 3-5 tháng là 3%/năm. Lãi suất ngân hàng kỳ hạn 6-8 tháng hiện còn 4%/năm, 9-11 tháng còn 4,2%/năm, 12 tháng còn 4,5%/năm. Lãi suất huy động cao nhất tại Dong A Bank hiện là 4,8%/năm, áp dụng cho tiền gửi kỳ hạn 13 tháng. Các kỳ hạn còn lại từ 18-36 tháng đang có lãi suất 4,7%/năm.
Với lần điều chỉnh này, Dong A Bank đã đưa lãi suất ngân hàng về dưới 5% ở mọi kỳ hạn tiền gửi với số tiền đưới 200 tỷ đồng. Tuy nhiên ngân hàng này vẫn giữ nguyên mức “lãi suất đặc biệt” 7,5%/năm, áp dụng cho khách hàng gửi tiền từ kỳ hạn 13 tháng trở lên với khoản tiền gửi từ 200 tỷ đồng.
Trước đó vào ngày 4/4, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) giảm lãi suất huy động đối với hai kỳ hạn 1 và 2 tháng với mức giảm 0,1 điểm phần trăm, xuống còn 2,9%/năm. Lãi suất ngân hàng các kỳ hạn còn lại được ABBank giữ nguyên kể từ sau lần điều chỉnh gần nhất vào 25/3.
ABBank cũng duy trì chính sách “lãi suất đặc biệt”, mới được ngân hàng công bố vào tháng trước, với lãi suất huy động lên đến 9,65%/năm. Điều kiện để được hưởng mức lãi suất này là khách hàng gửi tiền kỳ hạn 13 tháng với mức tiền gửi từ 1.500 tỷ đồng. Đây được coi là mức lãi suất tiết kiệm cao nhất thị trường hiện nay, trong khi lãi suất thường gửi tại quầy cùng kỳ hạn được ABBank niêm yết chỉ 3,9%/năm.
Loạt ngân hàng tiếp tục điều chỉnh giảm lãi tiết kiệm ngay những ngày đầu tháng 4
Một “ông lớn” trong nhóm ngân hàng thương mại cổ phần cũng vừa giảm lãi suất huy động là Techcombank. Theo biểu lãi suất huy động trực tuyến mới áp dụng cho tài khoản tiết kiệm dưới 1 tỷ đồng, lãi suất huy động các kỳ hạn 6-11 tháng đồng loạt giảm về 3,55%/năm. Lãi suất huy động kỳ hạn 6-8 tháng giảm 0,1 điểm phần trăm, kỳ hạn 9-11 tháng giảm 0,15 điểm phần trăm. Lãi suất tiền gửi các kỳ hạn từ 12-36 tháng cũng được Techcombank điều chỉnh giảm 0,1 điểm phần trăm, đồng loạt xuống 4,45%/năm.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) cũng đã giảm lãi suất huy động các kỳ hạn tiền gửi từ 6-36 tháng với mức giảm là 0,1 điểm phần trăm. Theo đó, lãi suất huy động các kỳ hạn từ 6-11 tháng tại SCB là 2,95%/năm. Mức lãi suất này gần như thấp nhất thị trường và hiện chỉ cao hơn 0,05 điểm phần trăm so với lãi suất huy động cùng kỳ tại Agribank. Lãi suất huy động kỳ hạn từ 12-36 tháng được SCB đưa về mức 3,95%/năm. Đây là mức lãi suất huy động thấp nhất thị trường, thấp hơn cả nhóm big4 ngân hàng (đang niêm yết 4,6-4,7%/năm).
Trước đó, ngay ở ngày đầu tiên của tháng 4/2024, Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển (PGBank) trở thành ngân hàng đầu tiên giảm lãi suất huy động. Tuy nhiên, PGBank chỉ giảm lãi suất huy động tại các kỳ hạn 6-9 tháng với mức giảm 0,2 điểm phần trăm, xuống còn 3,8%/năm. Các kỳ hạn tiền gửi còn lại vẫn được giữ nguyên lãi suất. Lãi suất huy động cao nhất tại PGBank hiện là 5,2%/năm, áp dụng cho tiền gửi các kỳ hạn 24-36 tháng.
Ngay sau PGBank, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng giảm lãi suất huy động, theo đó nhà băng này điều chỉnh giảm 0,1 điểm phần trăm lãi suất đối với tiền gửi các kỳ hạn trên 5 tháng. Lãi suất huy động kỳ hạn từ 6 đến 11 tháng tại Vietcombank chỉ còn 2,9%/năm. Lãi suất huy động kỳ hạn từ 12 tháng trở lên giảm còn 4,6%/năm - đây là mức lãi suất tiền gửi cao nhất hiện nay tại nhà băng này, nhưng vẫn thấp hơn cả lãi suất trần theo quy định của NHNN đối với tiền gửi có kỳ hạn dưới 6 tháng (4,75%/năm). Sau lần điều chỉnh này, lãi suất tất cả kỳ hạn tại Vietcombank đã thấp hơn so với 3 ngân hàng còn lại trong nhóm big4 ngân hàng (Agribank, BIDV, VietinBank).
Như vậy, tháng 4 này đã có 6 ngân hàng giảm lãi suất huy động là Vietcombank, PGBank, SCB, Techcombank, ABBank và Dong A Bank. Trong khi 2 ngân hàng tăng lãi suất là HDBank và MSB. Cụ thể, MSB đồng loạt tăng thêm 0,2 điểm phần trăm lãi suất kỳ hạn từ 6-11 tháng. Lãi suất huy động trực tuyến các kỳ hạn từ 12-36 tháng cũng tăng thêm 0,2 điểm phần trăm, lên 4,5%/năm. Đây cũng là mức lãi suất huy động cao nhất tại MSB theo cách gửi tiết kiệm trực tuyến thông thường.
Lãi tiết kiệm tại các ngân hàng đã giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2023
Ở chiều ngược lại, MSB lại giảm mạnh “lãi suất đặc biệt” từ 8,5% xuống còn 7%/năm từ hôm nay. Mức lãi suất này chỉ áp dụng cho kỳ hạn 12 và 13 tháng với tài khoản tiền gửi từ 500 tỷ đồng trở lên.
Về phần mình, HDBank điều chỉnh lãi suất theo hướng tăng 0,2 điểm phần trăm lãi suất huy động đối với các kỳ hạn từ 12-18 tháng. Cụ thể, lãi suất huy động trực tuyến kỳ hạn 12 tháng tăng lên 5%/năm, kỳ hạn 13 tháng tăng lên 5,2%/năm, kỳ hạn 15 tháng tăng lên 5,8%/năm, kỳ hạn 18 tháng áp sát mốc 6% khi đang được niêm yết mức 5,9%/năm. Mức 5,9%/năm của kỳ hạn 18 tháng cũng là mức lãi suất huy động cao nhất khi gửi tiền trực tuyến tại HDBank.
Cũng như nhiều nhà băng khác, ngân hàng này vẫn duy trì chính sách “lãi suất đặc biệt” từ 7,7-8,1%/năm áp dụng cho khách hàng gửi tiền kỳ hạn 12 và 13 tháng (lãi suất thường tại quầy là 4,9-5,1%/năm) với các khoản tiền gửi từ 500 tỷ đồng trở lên, tính lãi cuối kỳ. Bên cạnh HDBank và MSB, trước đó, đã có 4 ngân hàng tăng lãi suất trong tháng 3 là SHB, Saigonbank, Eximbank, và VPBank.
Theo khảo sát, lãi suất tiền gửi bình quân hơn 30 ngân hàng thương mại đối với kỳ hạn 12 tháng tại thời điểm tháng 2/2024 chỉ còn 4,8%, giảm mạnh so với mức 8,47% cùng kỳ năm 2023. Với kỳ hạn 6 tháng, lãi suất cũng giảm từ 7,98% thời điểm tháng 2/2023 xuống còn 4,1%/năm tại thời điểm tháng 2/2024.
Dù đã có những ngân hàng đầu tiên tăng lãi tiết kiệm ở một số kỳ hạn, tuy nhiên theo nhận định của các chuyên gia tài chính thì xu hướng lãi suất trong tháng 4 sẽ vẫn giảm. Lý do là tăng trưởng tín dụng vẫn rất thấp. Các ngân hàng đang phải ưu tiên cho vay thay vì huy động.