"Hôm nay, tôi chia sẻ một số thay đổi khó khăn nhất công ty đã thực hiện trong lịch sử Meta", email có đoạn. "Tôi quyết định giảm quy mô 13% và phải để hơn 11.000 nhân viên tài năng ra đi. Công ty đang thực hiện một số bước bổ sung để trở nên gọn gàng và hiệu quả hơn bằng cách giảm chi tiêu và kéo dài thời gian đóng băng tuyển dụng".
Meta có hơn 87.000 nhân viên tính đến cuối tháng 9.
Việc sa thải diễn ra trong bối cảnh Meta đang đối mặt với hàng loạt khó khăn. Trong quý III/2022, doanh thu công ty đã giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 27,71 tỷ USD. Lợi nhuận thậm chí giảm 46% xuống 5,66 tỷ USD.
Meta lao dốc sau một năm đổi tên
"Đây là khoảnh khắc đáng buồn và không có cách nào tránh khỏi. Với những người sắp rời đi, tôi muốn cảm ơn vì tất cả những gì họ đã dành cho nơi này", Mark Zuckerberg nói. Những nhân viên bị ảnh hưởng sẽ nhận 16 tuần lương cộng với hai tuần bổ sung cho mỗi năm làm việc. Meta cũng sẽ trả bảo hiểm y tế cho họ trong 6 tháng.
Ông chủ Meta cho biết việc điều chỉnh nhân sự sẽ tác động đến hệ sinh thái ứng dụng gồm Facebook, Messenger, Instagram và WhatsApp, cũng như mảng thực tế ảo Reality Labs. Theo ông, không chỉ xu hướng thương mại điện tử đã quay về mốc trước đại dịch, mà kinh tế vĩ mô suy thoái, cạnh tranh gia tăng và quảng cáo mất tín hiệu tích cực cũng khiến cho doanh thu công ty thấp hơn nhiều so với dự đoán của ông.
"Tôi đã sai, và tôi xin chịu trách nhiệm về điều đó", ông nói.
Meta đang đầu tư mạnh vào metaverse và ván cược này đã tiêu tốn 9,4 tỷ USD trong năm nay. Công ty dự đoán khoản lỗ "sẽ còn tăng đáng kể qua từng năm". Hiện Meta không còn nằm trong danh sách 20 công ty có vốn hóa lớn nhất. Năm ngoái, họ từng là một trong năm công ty trị giá hơn 1.000 tỷ USD tại Mỹ cùng với Apple, Microsoft, Alphabet và Amazon. Trong khi đó, theo thống kê của Bloomberg, tài sản của Zuckerberg hiện là 37,2 tỷ USD, giảm sốc so với mức cao nhất 142 tỷ USD vào tháng 9/2021, và đứng thứ 28 trong bảng xếp hạng tỷ phú thế giới.
Làn sóng sa thải đang diễn ra tại nhiều công ty công nghệ lớn. Cuối tuần trước, Twitter cũng gây xôn xao khi xác nhận cho nghỉ việc một nửa trong số 7.500 nhân sự. Nhiều nhân viên nói họ bất ngờ vì cách đối xử của công ty khi bị đẩy ra khỏi nhóm chat, không truy cập được tài khoản hệ thống nội bộ trước cả khi nhận email thôi việc. Đầu tháng 11, ba nguồn tin tiết lộ với Business Insider rằng nhiều bộ phận tại Apple cũng nhận được thông báo không nhận nhân viên mới trong vài tháng tới.
Jo-Ellen Pozner, phó giáo sư tại Đại học Santa Clara, nhận định: "Với các công ty công nghệ lớn, đợt suy thoái như thủy triều dâng cuốn trôi con thuyền của họ. Họ phải cắt giảm và hợp lý hóa các dự án. Đây là điều chưa từng xảy ra hơn một thập kỷ qua".