Ung thư phổi giai đoạn cuối vẫn có thể chữa khỏi
Ung thư phổi là một trong những bệnh lý ác tính có tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong cao. Theo số liệu thống kê, ung thư phổi đứng thứ 2 về tỷ lệ mắc mới và là nguyên nhân gây tử vong nhiều nhất trong số các bệnh ung thư trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, tỉ lệ mắc ung thư phổi cũng chiếm tỷ lệ cao.
Khi được chẩn đoán mắc ung thư phổi, rất nhiều người nghĩ bản thân chỉ sống không qua nổi 6 tháng. Thậm chí, có người khi biết bản thân mắc ung thư phổi đã không chấp nhận chữa bệnh vì nghĩ không còn cơ hội sống.
PGS.TS Lê Thượng Vũ, Trưởng khoa hô hấp, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho hay:"Nhiều người vẫn cho rằng ung thư là 'án tử', tuy nhiên câu nói này chỉ đúng với trước kia, khi chúng ta chưa có nhiều phương pháp, thuốc hỗ trợ điều trị. Hiện nay, với phương pháp miễn dịch, bệnh nhân mắc ung thư phổi ở giai đoạn 4 vẫn có thể chữa khỏi bệnh".
Điển hình đó là trường hợp bệnh nhân nam phát hiện ung thư vào năm 2018. Bệnh nhân khi tới khám được chẩn đoán mắc ung thư ở giai đoạn muộn (giai đoạn 4) không thể phẫu thuật triệt căn khối u.
Sau đó, bệnh nhân này đã được các bác sĩ tư vấn dùng thuốc miễn dịch. Sau 2 năm dùng thuốc miễn dịch, sức khỏe của bệnh nhân ổn định, khi thăm khám cơ thể đã không còn tế bào ung thư.
Phó giáo sư Vũ cho biết, đến nay đã là năm thứ 6 kể từ khi bệnh nhân phát hiện mắc ung thư. Bệnh nhân có sức khỏe ổn định và vẫn thăm khám định kỳ tại khoa. Có được kết quả này là do bệnh nhân luôn tuân thủ điều trị theo chỉ định của bác sĩ.
"Trường hợp của bệnh nhân trên là minh chứng rõ ràng cho thấy dù ung thư phổi được phát hiện ở giai đoạn muộn, người bệnh vẫn có cơ hội điều trị khỏi ung thư. Hiện nay chúng ta có nhiều cơ hội để điều trị khỏi ung thư phổi nên khi phát hiện mắc bệnh, mọi người không nên quá hoang mang", PGS Vũ nói.
Ung thư phổi được chia làm 2 loại: ung thư phổi tế bào nhỏ và ung thư phổi không tế bào nhỏ. Đa phần các trường hợp đều mắc ung thư phổi không tế bào nhỏ. Việc phân loại ung thư giúp quá trình điều trị diễn ra hiệu quả hơn, tăng chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.
Hiện nay, điều trị ung thư mang tính chất cá thể hóa, đa mô thức, có trường hợp được điều trị bằng phương pháp phẫu thuật, có trường hợp sử dụng thuốc miễn dịch, có bệnh nhân dùng thuốc đích…
Tiên lượng của ung thư phổi sẽ phụ thuộc vào giai đoạn tiến triển của bệnh. Nếu bệnh được phát hiện ở giai đoạn sớm tỷ lệ điều trị khỏi bệnh sẽ cao. Ví dụ, với những người mắc ung thư phổi ở giai đoạn 1 - 2, khối u khu trú tại phổi thì bệnh nhân sẽ được phẫu thuật cắt bỏ khối u và cân nhắc điều trị bằng hóa trị. Với trường hợp phát hiện ung thư ở giai đoạn muộn, khối u đã di căn nhiều cơ quan thì tiên lượng điều trị bệnh sẽ thấp hơn.
Một số quan điểm sai lầm của bệnh nhân về ung thư phổi
Trong quá trình tiếp nhận khám cho bệnh nhân, bác sĩ Vũ đã gặp trường hợp khi bác sĩ nghi ngờ ung thư và chỉ định sinh thiết nhưng bệnh nhân nhất định không nghe vì nghĩ "đụng dao kéo khối u sẽ nhảy (phát triển nhanh hơn)". Bệnh nhân đó cũng không chấp nhận điều trị dù được bác sĩ tư vấn kỹ lưỡng.
Hoặc như một số trường hợp bệnh nhân đã chấp nhận mắc ung thư nhưng lại kiêng ăn, áp dụng các phương pháp điều trị không khoa học khiến khối u lặng lẽ phát triển. Bệnh nhân cũng đánh mất cơ hội điều trị khỏi ung thư.
Dấu hiệu cảnh báo ung thư phổi
Theo các chuyên gia, ung thư phổi diễn biến chậm, các triệu chứng mờ nhạt. Do đó, cách phát hiện ung thư sớm là tầm soát thường xuyên với đối tượng có nguy cơ cao.
Theo bác sĩ Vũ, nhóm đối tượng thường xuyên hút thuốc lá (đối tượng có nguy cơ cao mắc ung thư phổi) cần phải chủ động tầm soát định kỳ.
Ung thư phổi thường gây ra các triệu chứng khi bệnh đã ở giai đoạn tiến triển. Một số dấu hiệu có thể cảnh báo ung thư phổi là:
- Ho kéo dài lâu ngày, ho ra máu: Đây là một trong những dấu hiệu cảnh báo ung thư phổi. Khi cơ thể xuất hiện dấu hiệu này, mọi người cần đi khám, chụp X-quang kết hợp với làm xét nghiệm để xác định nguyên nhân chính xác.
- Đau tức ngực: Khi khối u ở phổi xâm lấn rộng hoặc di căn hạch, chúng có thể gây chèn ép các dây thần kinh khiến người bệnh bị đau vùng ngực, đau lưng hoặc vai, đặc biệt là khi người bệnh hít thở sâu, ho, cười.
- Khàn tiếng trên 2 tuần không khỏi: Khi ung thư phổi phát triển, chúng có thể chèn vào dây thần kinh thanh quản, làm biến đổi giọng nói, khiến người bệnh bị khàn tiếng.
- Thường xuyên khó thở: Khi khối u xuất hiện và phát triển ở phổi, chúng có thể làm giảm thể tích thông khí, dẫn đến tình trạng khó thở.
- Đau mỏi cơ thể: Tình trạng này sẽ xuất hiện khi khối u ở phổi tăng kích thước, chèn vào những dây thần kinh ở vị trí lưng, ngực,... Điều này có thể khiến người bệnh bị mệt mỏi, giới hạn vận động.