Hơn 4 tháng trước, M.N đã cùng một người bạn đi du lịch tại Đà Lạt. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh và chính sách giãn cách xã hội, M.N và bạn rơi vào tình cảnh mắc kẹt lại, không thể trở về địa phương. Hơn 2 tháng thuê trọ tại một căn nhà ở Đà Lạt, N. đã "phải lòng" cuộc sống thanh bình, mộng mơ nơi đây.
"Không khí tại Đà Lạt thực sự rất trong lành. Cô chú cho tôi thuê trọ cũng tốt bụng. Mỗi sáng thức dậy, nhìn mọi người khoan thai đi làm vườn rồi về ăn cơm. Cuộc sống trôi qua cứ bình yên như vậy khiến tôi cũng thích có một farmstay nhỏ ở Đà Lạt.
Mỗi lần lên mạng, vào các nhóm bỏ phố về rừng, nhìn thấy mọi người chia sẻ cuộc sống làm vườn khiến tôi lại càng quyết tâm phải mua một mảnh đất nho nhỏ, trồng cây, xây căn nhà gỗ, thi thoảng chụp những bức ảnh ảo diệu. Nghĩ là làm, tôi quyết định tìm hiểu thông tin mua đất ở Đà Lạt trong tích tắc", N. nói.
N. chia sẻ cô mơ 1 căn nhà gỗ, một khu vườn đầy hoa để chụp những bức ảnh ảo diệu. (Ảnh minh hoạ)
Theo N chia sẻ, chỉ trong 3 ngày, cô gái này đã cọc 50 triệu đồng cho lô đất hơn 200m2 tại Đà Lạt thông qua lời giới thiệu của một môi giới mà không cần suy nghĩ quá nhiều hay dành thời gian kiểm tra thông tin lại đất.
"Thấy môi giới tư vấn lô đất này khá đẹp, lại nằm gần nơi tôi đang ở trọ. Cô chú nhà tôi trọ cũng khen mảnh này địa hình đẹp nên tôi suy nghĩ nhiều, cọc tiền luôn", N nói.
Tuy nhiên, vấn đề bắt đầu nảy sinh sau khi N. đặt cọc. Cô gái này cho biết: "Tôi liên hệ với môi giới hỏi thêm thông tin về lô đất này như quy hoạch, loại đất. Nhưng điều lạ là lúc tư vấn, họ rất nhiệt tình, chăm chỉ chia sẻ, thường xuyên gọi điện, nhắn tin. Đến sau khi tôi cọc tiền, tôi hỏi cả về thủ tục công chứng, chuyển nhượng, họ lại thờ ơ. Đó là lý do khiến tôi thấy lạ.
Sau đó, tôi có đi hỏi thông tin về mảnh đất này từ môi giới và người dân xung quanh mới biết, đa phần ở khu vực xung quanh không có sổ đỏ. Tôi còn biết thêm khu vực đất nằm ở trong vùng đang quy hoạch. Mà hơn nữa, tôi còn không biết chủ đất là ai, chỉ làm việc với môi giới, cọc tiền qua môi giới. Thảo nào, môi giới giục chốt nhanh".
Sau khi phát hiện mảnh đất dự kiến mua không có sổ đỏ và nằm trong khu quy hoạch, N. liên lạc lại với môi giới để đàm phán lấy lại tiền cọc. Tuy nhiên, môi giới đưa ra 2 phương án: Một là N phải chấp nhận mất cọc hoặc sau dịch sẽ tiếp tục ký tiến hành thủ tục chuyển nhượng đất như đã thoả thuận.
"Hết dịch, tôi chấp nhận mất 50 triệu. Đúng là một lần đi chơi Đà Lạt, vì bị mắc kẹt vì dịch, vừa phải trả khoản tiền lớn cho bài học đắt gía", N. ngậm ngùi kể lại.
Theo những nhà đầu tư giàu kinh nghiệm, thực tế, trường hợp như N. có rất nhiều. Họ thuộc nhóm khách hàng mua đất dựa vào cảm xúc, nhất thời mà không căn cứ trên thông tin của đất. Họ thấy người người, nhà nhà mua nên họ cũng nghĩ rằng, mình có thể làm được như vậy. Trường hợp này thường xảy ra trong cơn sốt đất vì người mua thấy ai ai cũng đầu tư thắng lợi. Nên họ sẵn sàng xuống tiền theo lời môi giới, nghe viễn cảnh tươi đẹp mà mạnh dạn xuống tiền.
Kết quả, nhiều người mua xong rồi mới nhận ra mua hớ, mua phải đất dính quy hoạch, đất có sổ đỏ hay đất lỗi phong thuỷ. Tất nhiên, việc đàm phán để lấy lại tiền cọc là không hề đơn giản.
"Đó là chi phí của bài học mua đất dựa trên cảm xúc. Đó còn là đặc điểm chung của các nhà đầu tư F0, thích mua theo phong trào, mang tâm lý đám đông.
Đối với tài sản có giá trị như đất, việc mua để ở hay đầu tư đều phải thuộc 2 nguyên tắc cơ bản nhất là đất phải có pháp lý rõ ràng và không nằm trong khu vực quy hoạch. Đây là nguyên tắc để đảm bảo tài sản không bị biến thành tài sản vô giá trị. Với nhà đầu tư F0, trước khi mua đất nên dành thời gian dài để nghiên cứu, tìm hiểu và tham khảo ý kiến của nhiều người thân có kinh nghiệm mua – bán đất", ông Nguyễn Minh, một nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm chia sẻ.