Thị trường chứng khoán Việt Nam đang ghi nhận những rung lắc mạnh. Tính chung từ đầu tháng 5/2022 tới nay, trải qua 2 tuần giao dịch, chỉ số chính của thị trường chứng khoán Việt Nam VN-Index đã giảm tới 184,03 điểm, tương ứng vốn hóa HoSE bị thổi bay hơn 729.000 tỷ đồng (tương ứng hơn 31,7 nghìn tỷ USD).
Tuy nhiên, bất chấp thị trường có nhịp điều chỉnh sâu, vẫn có những cổ phiếu đã lội ngược dòng ấn tượng, ghi nhận đà tăng tương đối vững chắc.
Cụ thể, kết phiên 13/5, cổ phiếu PND của Công ty Cổ phần Xăng dầu Dầu khí Nam Định đứng tại tham chiếu 33.500 đồng/cổ phiếu. Trước đó, PND đã bất ngờ ghi nhận đà tăng mạnh, tăng liên tục 6 phiên từ 29/4 đến 10/5, nhiều phiên tăng gần hết biên độ. Với việc giao dịch trên sàn UPCoM - nơi có biên độ giao dịch cho phép lên tới 15% - PND đã nhanh chóng ghi nhận mức tăng gần 66% chỉ sau 2 tuần giao dịch.
Đáng chú ý, trong quá khứ, PND cũng từng gây nhiều nhà đầu tư quan tâm vào giai đoạn cuối năm 2020. Thị giá liên tục tăng kịch trần 16 phiên từ 18/11/2020 đến 21/12/2020, đan xen là một số phiên đứng tại tham chiếu. Kết quả, thị giá PND tăng gần 10 lần, từ mức 2.100 đồng/cp lên 20.000 đồng/cp. Song, sau đó, PND đã quay đầu giảm sàn 5 phiên liên tục.
Cổ phiếu PND tăng 66% sau nửa tháng
Do cơ cấu cổ đông cô đặc, thanh khoản PND cũng gần như "đóng băng" trong nhiều phiên giao dịch. Chỉ đến những phiên tăng mạnh vừa qua thì khối lượng giao dịch mới được cải thiện với vài nghìn đơn vị được khớp lệnh mỗi phiên.
Theo tìm hiểu, Xăng dầu Dầu khí Nam Định hoạt động trong lĩnh vực bán buôn nhiên liệu rắn, lỏng, khí và các sản phẩm liên quan trên địa bàn tỉnh Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình và một số tỉnh lân cận.
Vốn điều lệ công ty hiện đạt gần 67 tỷ đồng. Theo báo cáo thường niên năm 2021, cơ cấu cổ đông của PND ghi nhận cổ đông lớn nắm giữ lớn nắm 87,78% vốn. Theo bản cáo bạch lên sàn năm 2016 của Xăng dầu Dầu khí Nam Định, Tổng công ty Dầu Việt Nam nắm 56,75% vốn, Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Đại Dương giữ 8,25% vốn, Quản lý quỹ Thái Bình Dương giữ 9%, CTCP Thương mại Vận tải Trung Dũng giữ 7,5% vốn và Ngân hàng TMCP Đông Nam Á nắm 6,24% vốn.
Về tình hình kinh doanh, trong năm 2021 vừa qua, công ty đạt doanh thu thuần 1.367 tỷ đồng, tăng gần 50% so với năm trước. Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, đúc rút những kinh nghiệm của năm trước, PND đã bám sát thị trường, tạo nguồn hàng phù hợp để tăng sức cạnh tranh; cân đối nguồn hàng đầu vào hợp lý và chủ động bán hàng tại thời điểm chiết khấu hàng tồn kho tốt. Cộng thêm yếu tố giá dầu thô trên thế giới trong năm qua tăng đột biến, dẫn đến giá bán lẻ xăng dầu trong nước được điều chỉnh tăng, PND đã thành công chuyển lỗ sang lãi, khi lợi nhuận sau thuế đạt hơn 4,5 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm 2020 lỗ gần 46 tỷ đồng.
Lên kế hoạch cho năm 2022, doanh thu của PND kỳ vọng đạt 1.099 tỷ đồng, tương ứng giảm20% so với thực hiện trong năm trước; lợi nhuận trước thuế kỳ vọng thu về 4 tỷ đồng, giảm nhẹ so với thực hiện năm 2021. Sản lượng kinh doanh xăng dầu mục tiêu đạt 102.000 m3.
Tổng tài sản đến cuối 2021 của PND ở mức 157,9 tỷ đồng, tăng thêm 7 tỷ đồng so với đầu năm. Tài sản ngắn hạn chiếm 49%, chủ yếu là hàng tồn kho hơn 48 tỷ đồng và phải thu ngắn hạn hơn 23 tỷ đồng. Tài sản dài hạn chủ yếu tài sản cố định với hơn 50 tỷ đồng.
Công ty chỉ nợ tài chính gần 6 tỷ đồng, chia đều cho vay ngắn hạn và dài hạn; phải trả người bán ngắn hạn gần 81 tỷ đồng. Do kinh doanh thua lỗ trong năm 2020, PND còn lỗ lũy kế hơn 42 tỷ đồng, giảm 5 tỷ so với đầu năm và quỹ đầu tư phát triển còn gần 7 tỷ đồng.