Phiên hôm nay (27-6), VN-Index đóng cửa giảm 2,15 điểm với thanh khoản chỉ còn hơn 15.173 tỉ đồng, mức thấp nhất kể từ đầu tháng 5.
Khối ngoại lại có phiên bán ròng gần 1.200 tỉ đồng trên cả ba sàn. Như vậy, khối này đã có tổng 16 phiên liên tiếp rút ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Vì sao nhà đầu tư chú ý giá USD tự do?
Nói với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Thành Trung - giám đốc tư vấn đầu tư Chứng khoán Thành Công - nhận định tỉ giá là vấn đề không mới nhưng vẫn được quan tâm với cả nhà đầu tư nội lẫn ngoại.
Hôm nay Ngân hàng Nhà nước công bố tỉ giá trung tâm 24.264 đồng, tiếp tục tăng 6 đồng. Giá USD tại các ngân hàng thương mại điều chỉnh theo hướng tăng lên.
Mức tăng còn ghi nhận rất mạnh trên thị trường tự do khi giá bán ra mỗi USD lần đầu tiên trong lịch sử vượt 26.000 đồng.
"Trong bối cảnh thị trường thiếu vắng thông tin, lại vừa có phiên rơi tới 28 điểm, nhà đầu tư khó tránh xuất hiện tâm lý thận trọng, thanh khoản sụt giảm", ông Trung nhận định.
Theo ông Trung, có nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thu về USD nhưng không bán ra, mà giữ lại trong bối cảnh tỉ giá vẫn còn "căng". Trong khi nhu cầu ngoại tệ để nhập khẩu lớn.
Bà Trần Khánh Hiền - giám đốc khối phân tích Chứng khoán MB (MBS) - cho biết câu chuyện tỉ giá bắt đầu nóng lên từ đầu năm 2024 và vẫn chưa có dấu hiệu lắng xuống khi liên tục tăng lên các cột mốc mới.
Kể từ đầu năm đến nay, đồng Việt Nam đã mất giá khoảng 5% so với đồng USD. Diễn biến bất lợi của tỉ giá một phần do chỉ số đồng USD (DXY) liên tục tăng mạnh trong những tháng đầu năm. Gần đây lại tăng và tiến lại mốc 106.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trì hoãn việc giảm lãi suất, khiến các nhà đầu tư quốc tế tiếp tục tin vào sự mạnh mẽ của đồng USD.
Tỉ giá sẽ dần bớt căng về cuối năm?
Khác với năm ngoái, áp lực tỉ giá năm nay theo bà Hiền, phần lớn xuất phát từ yếu tố nội tại trong nước. Trong đó lãi suất xuống thấp kỷ lục, nới rộng khoảng chênh lệch với lãi suất USD, điều này đã thúc đẩy các hoạt động giao dịch chênh lệch lãi suất tiền tệ (carry-trade), đẩy nhu cầu USD trong nước lên cao.
Thứ hai, các doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu để chuẩn bị cho một chu kỳ sản xuất mới…
Bà Hiền cho biết sự suy yếu của đồng Việt Nam sẽ ảnh hưởng đến dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là vốn đầu tư gián tiếp (FII) trên thị trường chứng khoán.
Tuy nhiên, với nhiều yếu tố hỗ trợ, áp lực lên tỉ giá sẽ sớm hạ nhiệt trong nửa cuối năm 2024.
Thị trường quốc tế dự báo Fed sẽ có 1 lần cắt giảm lãi suất trong năm 2024, với khả năng diễn ra vào tháng 9 năm nay. Từ đó, chỉ số DXY giảm nhẹ trong nửa cuối năm 2024 và giảm áp lực lên tỉ giá trong nước.
Ở trong nước, nhiều biện pháp nhằm bình ổn tỉ giá được đưa ra như hút ròng đồng Việt Nam trên thị trường liên ngân hàng nhằm giảm chênh lệch lãi suất trên thị trường này, bán ngoại tệ theo hình thức giao ngay cho các tổ chức tín dụng nhằm cân bằng trạng thái ngoại tệ, tổ chức bán vàng qua ngân hàng…
Bên cạnh đó, môi trường vĩ mô ổn định khi thặng dư thương mại, dòng vốn FDI giải ngân vẫn tăng trưởng so với cùng kỳ, khách du lịch quốc tế tăng… sẽ là cơ sở hỗ trợ cho tỉ giá trong những tháng cuối năm.
Ngoài tỉ giá, còn yếu tố nào gây áp lực thị trường chứng khoán?
Ông Nguyễn Thành Trung cho biết việc cổ phiếu Nvidia và các cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn khác giảm giá gần đây cũng có tác động tới nhóm cổ phiếu ngành này trong nước.
Trong khi đó, khối ngoại bán ròng 16 phiên liên tiếp tạo áp lực tâm lý thị trường. Chưa kể sau phiên giảm điểm mạnh (hôm 24-6 giảm 28 điểm) thì cả bên bán lẫn bên mua đều chần chừ, thanh khoản khó tránh sụt giảm.