Câu chuyện về ông Lý, một doanh nhân thành đạt 56 tuổi, là lời cảnh tỉnh cho chúng ta về sự cần thiết của viết nhận biết sớm các dấu hiệu của ung thư.
Vài tháng trước, ông Lý bắt đầu có dấu hiệu bất thường là đi ngoài thường xuyên hơn. Ban đầu, ông Lý chủ quan cho rằng đó chỉ là rối loạn tiêu hóa thông thường. Tuy nhiên, tình trạng ngày càng trở nên nghiêm trọng, kèm theo đau âm ỉ vùng bụng và sụt cân.
Khi đến bệnh viện kiểm tra, ông bàng hoàng phát hiện mình mắc ung thư tuyến tụy giai đoạn cuối. Dù đã được điều trị tích cực nhưng ông Lý vẫn không qua khỏi sau 2 tháng.
Vậy đâu là nguyên nhân khiến ung thư tuyến tụy trở thành "sát thủ thầm lặng", cướp đi mạng sống của nhiều người chỉ sau một thời gian ngắn phát hiện bệnh? Theo thống kê, năm 2020, Trung Quốc ghi nhận 124.000 ca mắc mới ung thư tuyến tụy và 122.000 ca tử vong. Theo Sohu, tỷ lệ sống sót sau 5 năm của bệnh nhân ung thư tuyến tụy rất thấp, chỉ khoảng 5%. Ngay cả khi được phẫu thuật cắt bỏ khối u, tỷ lệ này cũng chỉ dao động từ 15% đến 25%.
Nguyên nhân chính khiến ung thư tuyến tụy khó phát hiện sớm là do vị trí nằm sâu trong ổ bụng, được bao quanh bởi nhiều cơ quan khác. Do đó, bệnh thường không có triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn đầu. Các triệu chứng ban đầu của bệnh như đau bụng, đau lưng, sụt cân... rất dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý đường tiêu hóa khác.
Bên cạnh đó, tốc độ phát triển của ung thư tuyến tụy rất nhanh, thường đã di căn sang các bộ phận khác khi được phát hiện. Việc chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, chụp CT cũng gặp nhiều hạn chế trong việc phát hiện tổn thương ở giai đoạn sớm. Mặc dù một số trường hợp ung thư tuyến tụy có liên quan đến yếu tố di truyền, nhưng phần lớn nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa được xác định rõ ràng.
Dấu hiệu ung thư tuyến tụy
Bệnh có thể được phát hiện sớm qua 4 dấu hiệu cảnh báo sau đây:
Dấu hiệu 1: Sụt cân không rõ nguyên nhân
Bệnh nhân ung thư tuyến tụy thường sụt cân nhanh chóng do rối loạn tiêu hóa, kém hấp thu dinh dưỡng. Đây là một trong những triệu chứng điển hình của bệnh, đặc biệt là ở giai đoạn đầu.
Dấu hiệu 2: Tiêu chảy thường xuyên
Ung thư tuyến tụy có thể ảnh hưởng đến chức năng của tuyến tụy, khiến cơ thể giảm tiết men tiêu hóa. Khối u cũng có thể chèn ép đường mật, gây tắc nghẽn dịch mật. Những yếu tố này đều có thể dẫn đến tiêu chảy, đặc biệt là sau khi ăn thức ăn giàu chất béo và protein. Tình trạng này thường không thuyên giảm khi điều trị bằng thuốc.
Dấu hiệu 3: Buồn nôn và nôn
Khi khối u ung thư tuyến tụy chèn ép đường mật, thức ăn khó có thể di chuyển qua đường tiêu hóa, gây buồn nôn và nôn. Các triệu chứng này thường xuất hiện sau bữa ăn và có thể kèm theo đau.
Dấu hiệu 4: Chán ăn
Ung thư tuyến tụy ảnh hưởng đến chức năng của tuyến tụy, khiến cơ thể giảm tiết men tiêu hóa, dẫn đến chán ăn. Tắc nghẽn đường mật cũng có thể gây rối loạn tiêu hóa, khiến người bệnh chán ăn, ăn không ngon miệng.
Phòng ngừa ung thư tuyến tụy
Bên cạnh việc nhận biết sớm các dấu hiệu cảnh báo, việc thay đổi lối sống cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa ung thư tuyến tụy. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ mật thiết giữa béo phì và ung thư tuyến tụy. Béo phì thường đi kèm với tình trạng viêm mãn tính, tạo điều kiện thuận lợi cho các tế bào ung thư phát triển. Ngoài ra, béo phì cũng có thể làm thay đổi nồng độ hormone trong cơ thể, chẳng hạn như estrogen và insulin, từ đó kích thích sự phát triển của tế bào ung thư.
Chính vì vậy, việc duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, tăng cường bổ sung rau xanh và trái cây tươi như dưa chuột, cà chua, bưởi... là rất cần thiết. Những loại thực phẩm này giàu vitamin C, E và các chất chống oxy hóa, giúp ngăn ngừa ung thư tuyến tụy hiệu quả.
"Hãy nhớ rằng, phát hiện sớm là chìa khóa vàng để chiến thắng ung thư tuyến tụy", đại diện Bệnh viện Ung bướu Phúc Đán (Trung Quốc) chia sẻ.
(Theo Sohu)