Trong một video TikTok thu hút sự chú ý, nữ y tá Jordan Bruss đã chia sẻ những tác hại của việc đặt nhiều báo thức. Cô khẳng định rằng thói quen này có thể làm rối loạn chu kỳ giấc ngủ REM, dẫn đến cảm giác uể oải và mệt mỏi trong suốt cả ngày.
"Nếu bạn là người thường xuyên đặt nhiều báo thức, tôi có tin không vui cho bạn," y tá Jordan Bruss bắt đầu video của mình. Theo Bruss, việc tỉnh dậy với nhiều tiếng chuông báo thức không chỉ gây ra tình trạng ngủ gật (sleep inertia) mà còn làm gia tăng mức cortisol trong cơ thể.
Nữ y tá giải thích: "Mỗi lần chuông báo thức kêu, bạn đang ở trong trạng thái phản ứng chiến đấu hoặc bỏ chạy. Tỉnh dậy như vậy nhiều lần trong buổi sáng là rất căng thẳng". Bruss khuyến nghị rằng khi chuông báo thức vang lên lần đầu tiên, bạn nên đứng dậy ngay lập tức.
Ở bên dưới video, rất nhiều người đưa ra các bình luận có quan điểm khác nhau. Nhiều người cho rằng họ cần đặt nhiều báo thức để có thể thức dậy đúng giờ.
Một người viết: "Tôi đặt nhiều báo thức nhưng rồi tôi lại lỡ ngủ quên, bỏ lỡ phòng tập, và đến muộn làm". Trong khi đó, một người khác lại đùa rằng: "Vấn đề là báo thức kêu nhiều lần mà tôi vẫn ngủ, đó là lý do tại sao tôi cần nhiều báo thức".
Bruss cũng đã làm rõ trong một cuộc phỏng vấn với BuzzFeed rằng chuông báo thức đầu tiên có thể làm gián đoạn chu kỳ REM, dẫn đến giấc ngủ bị gián đoạn. Nếu bạn đã có đủ từ 7 đến 9 tiếng ngủ, khi chuông báo thức vang lên, bạn sẽ sẵn sàng tỉnh dậy mà không gây ra quá nhiều gián đoạn. Ngược lại, nếu chuông báo thức kêu khi bạn đang trong giấc ngủ sâu, nó có thể kích hoạt phản ứng chiến đấu hoặc bỏ chạy, làm tăng thêm mức độ căng thẳng.
Việc liên tục vào ra khỏi chu kỳ REM có thể dẫn đến cảm giác mệt mỏi, suy nghĩ chậm chạp và tình trạng mất phương hướng. Bruss nhấn mạnh rằng để tối ưu hóa thói quen giấc ngủ, mọi người nên điều chỉnh nhịp sinh học của cơ thể. Nhịp sinh học là đồng hồ tự nhiên của cơ thể, điều chỉnh chu kỳ ngủ và thức dậy. Cô cũng khuyên rằng việc có một thời gian đi ngủ đều đặn và duy trì lối sống năng động sẽ giúp cải thiện nhịp sinh học.
Theo Independent