Những ngày cận Tết, hầu hết mọi người đều đã có sẵn danh sách các khoản tiền cần phải chi. Một trong số đó là mua sắm. Đối với một số người, việc mua sắm đã diễn ra cả tháng trước Tết. Lương thưởng càng cao, mua sắm Tết càng nhiều.
Với Hạnh Chu (1998, Chuyên viên tư vấn, Hà Nội) cho biết, vì chưa được nhận lương thưởng, nên cô nàng quẹt thẻ tín dụng để mua sắm sớm. Chuẩn bị trước cả tháng, vì Hạnh nghĩ đến gần Tết mới mua thì không kịp.
Để chi trả cho việc sắm sửa trước Tết, Minh Phương (1996, Hải Phòng) tạm thời dùng tiền tiết kiệm để chi trả. Phương chia sẻ: "Bước sang tháng 12 này, rất nhiều nhãn hàng bắt dấu khuyến mãi cuối năm. Vậy nên mình tranh thủ mua trước 1 vài món đồ cần thiết với mức giá ưu đãi. Trước sau gì cũng mua, vậy nên mình quyết định mua sớm để tránh tình trạng hết hàng. Vì chưa có lương thưởng, nên mình đã trích 1 khoản tiền tiết kiệm để tiêu trước. Khi có lương thưởng cuối năm, mình chắc chắn sẽ bù lại."
Rất nhiều người lựa chọn sắm Tết từ bây giờ!
Lương càng cao, sắm Tết càng nhiều
Dịp cuối năm, khi áp lực càng tăng cao thì nhu cầu mua sắm càng nhiều. Đây là cách nạp năng lượng của Chu Hạnh (1998): "Cuối năm, công việc tăng gấp đôi bình thường. Số khách hàng tăng cao khiến mình phải tăng ca, dễ mất năng lượng. Để giảm bớt mệt mỏi, mình chọn mua sắm. Đây cũng là dịp để mình sắm sửa cho bản thân, gia đình những món quà trước Tết. Tiêu tiền giúp mình cải thiện tâm trạng rất tốt.
Tuy vậy, mình không mua sắm lung tung, hay thích gì mua đấy. Trước đó, mình đã chuẩn bị xong 1 danh sách những món đồ cần mua cho dịp Tết. Sau mỗi lần ký hợp đồng với khách hàng, mình sẽ xuống tiền để mua 1 món đồ theo thứ tự quan trọng nhất. Điều này khiến mình có cảm giác thành công khi tiêu số tiền mình kiếm được.
Mình không dùng đến số tiền tích lũy của bản thân. Mà tiêu vào tiền lương tháng tới. Bởi với mình, tiền tiết kiệm là khoản chỉ dùng vào việc khẩn cấp. Mà mua sắm thì không thuộc trường hợp này. Mình có đến 3 cái thẻ tín dụng, và chưa bao giờ rơi vào tình trạng nợ thẻ, hay là phải thanh toán phí thường niên. Mà khi sử dụng thẻ tín dụng, mình còn giúp bản thân tiết kiệm được 1 số tiền nho nhỏ. Mình tự tin với kinh nghiệm dùng thẻ tín dụng. Thế nên, mình đã mua sắm khá nhiều trước Tết dù chưa nhận được lương."
Chu Hạnh (1998) - Ảnh NVCC
Không dùng thẻ tín dụng, nhưng Minh Phương (1996) cũng mua sắm trong tình trạng "mua trước trả sau" theo hình thức đặc biệt. Đối với con gái, trước Tết quả là khoảng thời gian đau đầu, vì phải tiêu quá nhiều tiền. Minh Phương cho biết, để tiết kiệm được chút tiền mua sắm, cô nàng chọn cách săn hàng giảm giá từ bây giờ: "Để liệt kê danh sách những món đồ cần mua cho dịp Tết có khi phải viết cả một sớ dài. Không chỉ mua sắm cho bản thân, mà còn đủ thứ cần mua cho gia đình. Có những món đồ, mua càng sớm thì càng rẻ, như quần áo, trang sức, mỹ phẩm... Nhưng cũng có những món đồ phải gần Tết mới có thể mua như cây cảnh, thực phẩm, quà Tết,... Nên nếu dồn hết vào mấy ngày cuối năm thì vất vả cả tài chính lẫn công sức. Vì thế, mình mua trước những món đồ đang được giảm giá vào dịp cuối năm, nhằm giảm bớt gánh nặng.
Minh Phương cũng chia sẻ thêm rằng nên mua sắm trước Tết 1 khoảng thời gian. Vì nếu bạn để gần Tết mới bắt đầu mua sắm, sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng "vô thức tiêu tiền". Nguyên nhân do những dịp đặc biệt như Tết, chúng ta thường tiêu nhiều tiền hơn mà không nghĩ đến ảnh hưởng lâu dài.
"Ví dụ như, nếu bạn lên danh sách mua khoảng 3 bộ quần áo để ăn Tết. Vậy thì bạn sẽ từ từ chọn lựa, cân nhắc mức giá ổn nhất rồi mới quyết định xuống tiền. Tức là bạn có thời gian để suy xét xem món đồ đó có thực sự nên mua hay không. Nhưng nếu để đến khoảng 10 ngày trước Tết, bạn sẽ cuống lên vì chỗ này báo hết hàng, chỗ kia báo giá cao. Nhưng vì không có thời gian để suy nghĩ, khiến bạn tạm quên đi nỗi lo về tài chính trước mắt. Thì khả năng cao là bạn sẽ mua hàng với mức giá bất chấp, thậm chí là cao hơn hẳn ngày thường. Vậy nên, mình thường chuẩn bị sắm Tết trước cả tháng dù chưa có lương.
Mình lựa chọn chi trả bằng tiền tiết kiệm. Mình có suy nghĩ rằng, tiền lương cuối năm kiểu gì chẳng nhận được trước Tết. Vậy nên mình đã rút 1 khoản từ tiết kiệm, mua sắm trước. Sau đó khi nhận lương, mình sẽ trả lại. Cũng là hình thức mua trước trả sau, nhưng là nợ chính mình cũng thấy yên tâm hẳn."
“Mua trước trả sau” làm sao để không nợ
Với kinh nghiệm dùng thẻ tín dụng được 2 năm, và chưa bị trả nợ chậm lần nào, Chu Hạnh cho rằng, chỉ khi biết kiểm soát bản thân hãy lựa chọn quẹt tín dụng để mua sắm. "Trong quá trình sử dụng thẻ, mình thấy quan trọng nhất không phải là bạn tiêu bao nhiêu? Mà là bạn có thể kiểm soát bản thân hay không?
Lợi ích mình nhận được từ khi dùng thẻ tín dụng đó là dòng tiền. Nếu sử dụng thông minh, đây sẽ là nguồn tiền giúp bạn xoay xở được trong rất nhiều tình huống cấp bách. Giống như việc mình sử dụng thẻ để mua sắm trước Tết, dù chưa được nhận lương. Nhưng bạn phải hết sức thông minh, kỷ luật và tiêu tiền có kế hoạch.
Mình có một mức lương ổn định và hoa hồng từ các hợp đồng hàng tháng. Và mình tính toán được tổng thu nhập 1 tháng khoảng bao nhiêu. Mình chia nhỏ thu nhập thành tỷ lệ cụ thể. Trong đó, khoản tiền chi tiêu được chia nhỏ nhất là: Tiền sinh hoạt - Tiền mua sắm. Khoản này chiếm khoảng 40% thu nhập (đây là con số mình theo dõi qua hàng tháng).
Sau khi trừ đi các chi phí sinh hoạt, số còn dư mình sẽ sử dụng để mua sắm cho bản thân. Mình còn để dôi 10% thu nhập, phòng cho các dịp đặc biệt như đám đình, cưới hỏi,... Nếu tháng nào không có những dịp này, mình sẽ gộp luôn vào tiền để chi tiêu - mua sắm. Và chỉ tiêu trong đúng hạn mức đặt ra.
Sau đó, mình lập bảng sao kê hàng tháng, số tiền đã tiêu, số tiền cần trả và tính lãi tối đa 15 ngày trong trường hợp cấp bách. Khi tiêu thẻ tín dụng, bạn phải nắm chắc được dư nợ và lịch thanh toán. Mình thường đặt lịch thanh toán trước 1 tuần. Thêm nữa, với những khoản chi tiêu lớn, mình chia nhỏ để trả theo hàng tháng. Đây là hình thức trả góp không có lãi, rất tiện với những người hay mua sắm như mình."
Minh Phương (1996) - Ảnh NVCC
Cũng sử dụng hình thức mua trước trả sau, dù dùng tiền của mình nhưng Minh Phương cũng nhấn mạnh rằng phải chi tiêu hợp lý. Nếu không, số tiền tiết kiệm được sẽ bốc hơi rất nhanh.
"Chỉ vào dịp đặc biệt như Tết mình mới sử dụng tiền như vậy. Bởi nếu tháng nào cũng tiêu vào tiền tiết kiệm, thì bản chất của khoản tiền này đã khác.
Vào dịp Tết, sau khi có được danh sách các món đồ cần mua, mình cũng áng chừng được mức chi tiêu của năm nay ra sao. Nằm trong khoảng bao nhiêu phần trăm thu nhập là đủ. Thường thì thu nhập hàng tháng mình đều phân bổ cho 2 khoản cụ thể là "Chi phí sinh hoạt" và "Tiết kiệm". Với tiêu chí tiết kiệm càng nhiều càng tốt chứ không có mức cụ thể. Còn riêng dịp Tết, mình cho phép bản thân được tiêu phần lương thưởng nhiều hơn là tiết kiệm. Và số tiền được tiêu chỉ gói gọn trong phần lương thưởng cuối năm. Chỉ cần sắm Tết trong hạn mức đó, thì tiền tiết kiệm của mình vẫn sẽ được giữ nguyên. Và hành trình tích lũy sẽ được bắt đầu lại vào đầu năm mới. Đi làm cả năm rồi, Tết mình hưởng thụ một chút thì có sao!"