Theo báo cáo cập nhật Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank – Mã: TPB), SSI Research nhận định tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) của ngân hàng trong quý IV/2022 sẽ tăng nhẹ so với quý III nhưng sẽ giảm vào năm 2023.
Cụ thể, các chuyên gia cho biết lãi suất tiền gửi đã tăng khoảng 2 điểm % trong tháng 11/2022 (so với số liệu quý III/2022), trong khi lãi suất cho vay cũng có mức tăng tương tự. Ngoài ra, với hạn mức tín dụng mới được đưa ra vào tháng 12, SSI Research kỳ vọng NIM trong quý IV sẽ tăng nhẹ so với quý III, nâng tỷ lệ NIM năm 2022 lên 3,97%.
Ngoài ra, trong năm 2023, các chuyên gia cho rằng tác động của việc tăng lãi suất huy động sẽ được phản ánh rõ hơn. Mặc dù lãi suất cho vay cũng sẽ tăng tương ứng nhưng mức tăng này còn phụ thuộc vào khả năng trả nợ của khách hàng. Lãi suất cho vay mua nhà hiện tại (sau thời gian ưu đãi) của TPBank nằm trong khoảng 15,2-15,5%, do đó SSI Research dự báo NIM sẽ giảm 0,15 điểm % so với cùng kỳ xuống 3,82% vào năm 2023.
Năm 2022, chuyên gia dự báo lợi nhuận trước thuế của TPBank sẽ đạt 8.000 tỷ đồng, tăng 32.5% so với cùng kỳ nhờ tăng trưởng tín dụng 15% so với đầu năm với hạn mức tăng trưởng tín dụng được cập nhật mới nhất và tăng trưởng thu nhập phí đạt 37,8% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, trong môi trường lãi suất tăng và hạn mức tăng trưởng tín dụng được kiểm soát chặt chẽ, chuyên gia ước tính tăng trưởng huy động (tăng 16,2% so với đầu năm) sẽ vượt mức tăng trưởng tín dụng (tăng 15% so với đầu năm), khiến NIM giảm 0,39 điểm % so với cùng kỳ xuống 3,97% và tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) giảm 0,68 điểm % xuống 21,9 %.
Ngoài ra, việc Thông tư 14 hết hiệu lực và lãi suất cho vay tăng lên cũng sẽ ảnh hưởng đến tỷ lệ nợ xấu. SSI Research dự báo tỷ lệ nợ xấu là 1,1%.
Năm 2023, lợi nhuận trước thuế ngân hàng được kỳ vọng đạt 9.000 tỷ đồng, tăng 11,8% so với cùng kỳ. Mặt khác, lãi suất huy động đã tăng trở lại mức trước đại dịch COVID-19 (một số ngân hàng thậm chí còn cao hơn), khiến tiền gửi có kỳ hạn trở thành một kênh đầu tư hấp dẫn. Việc thắt chặt tín dụng để kiểm soát lạm phát có thể sẽ kéo dài ít nhất đến nửa đầu năm 2023 khiến các doanh nghiệp phải sử dụng vốn của mình để tài trợ cho hoạt động kinh doanh hàng ngày.
Do đó, các chuyên gia dự báo tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) sẽ ở mức 16,5% cùng với sự sụt giảm của cả CASA khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân trong năm 2023.
SSI cũng dự báo rằng doanh thu phí dịch thanh toán sẽ tăng 30% so với cùng kỳ, giúp thu nhập phí thuần tăng 28,8% vào năm 2023. Trong quý III/2022, kênh ngân hàng số của TPBank đã đóng góp tới 49% tổng số khách hàng mới (so với 44,7% trong quý II/2022).
Tuy nhiên về nợ xấu, SSI Research cho rằng nợ xấu ngoại bảng có khả năng tăng lên 1,2% vào năm 2023, với tỷ lệ hình thành nợ xấu là 1,58%. Nguyên nhana là do lãi suất cho vay cao hơn và yêu cầu về vốn của ngân hàng để cơ cấu lại các khoản vay.
Tỷ lệ nợ xấu cũng có thể thấp hơn nếu dự thảo sửa đổi nghị định 65 được thông qua. Cụ thể, các khoản thanh toán gốc trái phiếu có thể được hoãn lại tới hai năm, bất cứ khi nào 65% trái chủ đồng ý. Vì hiệu quả hoạt động của trái phiếu doanh nghiệp có mối tương quan cao với lĩnh vực bất động sản, các chuyên gia cho rằng việc sửa đổi này sẽ giảm bớt khó khăn thanh khoản cho các chủ đầu tư bất động sản và giảm nợ xấu tiềm ẩn cho các ngân hàng đặc biệt đối với các khoản trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn vào năm 2023.