"Mua sắm là nhu cầu của con người, cần thì mới mua. Người ta thường hiểu rằng việc mua ô tô là thỏa mãn cho mong muốn cá nhân và tích trữ tài sản cho tương lai. Điều đó không sai, nhưng cũng không hẳn là đúng." Đây là nhận định về việc mua chiếc ô tô đầu tiên của Thu Hà (cô gái 28 tuổi, Đắc Lắc), hiện đang là một nhân viên kinh doanh ô tô, sở hữu mức lương 20 triệu/ tháng - đáng mơ ước của nhiều dân sale trong ngành.
Cùng trò chuyện với Hà về quan điểm mua ô tô của cô nàng nhé!
Chào Hà, lý do gì khiến bạn quyết định mua ô tô?
Mình lựa chọn mua ô tô với mức chi tiêu cho phép, và định hạn thời gian mua là việc cực kỳ quan trọng. Mình tính toán khoản tiền sẵn sàng chi trả cho việc mua ô tô, và không làm ảnh hưởng đến bất cứ khoản đầu tư hay dự trữ nào. Với mình, khả năng ở hiện tại cho phép mình mua đứt chiếc xe Huyndai Kona - giá lăn bánh tại Việt Nam vào khoảng 700 triệu.
Ảnh minh hoạ
Việc lựa chọn chiếc xe 700 triệu không phải vì mình không có khả năng mua xe tiền tỷ. Mà bởi vì mình chỉ cần 1 chiếc xe để di chuyển, không nhất thiết phải mua xe sang.
Một số người ngại chi tiền cho những khoản sau mua xe, họ thường đặt ra những câu hỏi "Tại sao phải mua xe trong khi có thể đi taxi? Đi taxi gần như là đi xe riêng, đã thế lại còn có tài xế, chẳng phải đụng tay đụng chân gì cho mệt mỏi. Mà nhất là không cần đổ xăng, không cần bảo dưỡng, không cần đăng ký, cũng chẳng tốn tiền sửa chữa?"
Nhưng câu trả lời của mình ở đây, là bạn có thể đi taxi trong bao lâu? Những chuyến đi xa cả gia đình thì số tiền bỏ ra liệu có ít? Những ngày thời tiết khắc nghiệt không bắt được taxi, lấy cái gì che mưa chắn gió ngoài đường?
Mọi người thường hay khuyên còn trẻ thì cứ trải nghiệm, không có nhà thì thuê, không có xe thì mướn. Nhưng đến một độ tuổi nhất định, như mình là khi gần bước sang tuổi 30, mới nhận ra rằng, ổn định là điều quan trọng nhất. Việc mua xe đối với mình, là sự ổn định trong mọi hành trình di chuyển.
Theo bạn, việc sở hữu ô tô có mang lại nhiều lời khen, sự ngưỡng mộ từ bạn bè hay người thân không? Với bạn thì việc mua chiếc ô tô đầu tiên, có đánh dấu sự thay đổi gì trong cuộc sống của bạn hay không?
Thường thì định nghĩa thành công trong mắt ba mẹ mình sẽ là nhà lầu, xe hơi, có của ăn của để, có nhiều đất, nhiều thứ để người ta nhìn thấy mà hâm mộ. Nói chung, theo quan niệm của thế hệ trước là phải có tài sản tích trữ bằng hiện vật, có thể sờ nắm, quy đổi ra tiền.
Ảnh minh hoạ
Nhưng thế hệ Millenninals chúng mình không nghĩ thế. Mình không muốn mua nhà đắt tiền, lại càng ít muốn mua xe sang. Thực tế, thứ mình muốn sở hữu là những thứ tiền đẻ ra tiền, để tiền có thể quy đổi thành nhiều tiền hơn. Mình vẫn thuê nhà chung cư ở, nhưng quyết định mua 1 chiếc xe giá khoảng 700 triệu, mục đích chính là dùng phục vụ cho nhu cầu đi lại, không hơn không kém. Đối với mình, một chiếc xe 700 triệu giúp mình kiếm thêm cả tỷ bạc, chứ không phải là món đồ tiêu sản như mọi người thường định nghĩa. Với mình, ô tô chỉ là phương tiện di chuyển, phục vụ cho công việc. Hơn nữa, mình thấy cũng chưa giàu đến mức một cái ô tô thì thể hiện được điều gì. Mình thấy phù hợp thì mua thôi.
Đối với mức lương văn phòng hiện tại, Hà quản lý tài chính thế nào để có thể mua đứt chiếc xe đầu tiên?
Mình xuống tiền mua đứt chiếc xe đầu tiên này, vì chính nỗi sợ về những khoản nợ dai dẳng. Mình không muốn làm liều, khi phải bỏ ra một số tiền lãi lớn để trông ngóng việc lấy lại từng đồng.
Trước khi mua ô tô, mình đã suy nghĩ đến số tiền mình kiếm được, số tiền mình đang có, và số tiền mình sẵn sàng chi trả cho việc mua xe. Thêm nữa, là thời gian sử dụng xe bao lâu, có ý định bán lại hay là không. Những khoản tiền dùng để bảo dưỡng xe rơi vào khoảng nào.
Sau khi tính toán tất cả những phương án trên, mình đưa ra kế hoạch tiết kiệm trước, chi tiêu sau, tránh tiêu vặt quá nhiều.
Ảnh minh hoạ
Phương pháp mình thực hiện quản lý tài chính chủ yếu là tăng thu giảm chi. Việc quản lý tiền bạc lúc 2, 3 năm mới đi làm khác với sau gần 10 năm đi làm.
Trong công việc, mình luôn cố gắng hết mình để tốc độ tăng lương hàng năm ở mức ổn định khoảng 10%, đây là mức lương tăng cao hơn tốc độ lạm phát ở Việt Nam, khiến cho tốc độ tiết kiệm sẽ tăng dần theo thời gian.
Số tiền dự trữ còn lại, mình đầu tư thêm cả bất động sản, xây dựng một quỹ đầu tư dài hạn, một quỹ bảo hiểm cho cả gia đình. Với mình, sự ổn định là khi tiền nằm đó, nhưng tiền vẫn tiếp tục đẻ ra nhiều tiền .
Sau khi tính tổng nguồn thu rõ ràng, mình bắt đầu lập kế hoạch cho việc chi tiêu. Mình không lựa chọn việc tiết kiệm quá mức. Ngoài những khoản chi tối thiểu cho cuộc sống, mình vẫn lập 1 ngân sách "nice to have" - để trải nghiệm cuộc sống. Chúng ta sống cho giây phút hiện tại chứ không phải trì hoãn để sống cho tương lai.
Nhưng hãy luôn nhắc nhở bản thân về "lạm phát lối sống", đừng để bản thân rơi vào những cái bẫy ngọt ngào như thế.