4 giờ đồng hồ cứu hộ trong đêm
21h tối hằng ngày, anh Nguyễn Văn Sơn (24 tuổi, ở Hà Nội) lái chiếc xe máy Exciter màu đỏ cùng túi đồ nghề ra ngã tư Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến. Ngã tư này là “trụ sở” của đội Cứu trợ Hà Nội, nơi Sơn đã gắn bó 5 năm.
Gạt chân chống xe, tháo mũ bảo hiểm, Sơn ngồi xuống một quán trà đá ven đường rồi hồ hởi chuyện trò với mọi người trong đội. Hôm 1/5, đội có 3 người trực, mỗi người đều khoác lên mình chiếc áo phản quang đặc biệt, in logo và in dòng chữ đậm “Cứu hộ Hà Nội” kèm số hotline.
Khoảng nửa tiếng sau, hotline rung lên, một giọng nữ gấp gáp khẩn cầu nhờ hỗ trợ xe đạp điện bị thủng săm trên đường Dương Đình Nghệ. Sau khi hỏi rõ địa chỉ, Sơn và một thành viên nữa lập tức đứng dậy lên đường đi "giải cứu”.
Đường không quá xa, hai người mất khoảng 15 phút để đến địa chỉ này. Thấy một bạn nữ đang dắt xe đạp điện, Sơn chắc đó là người vừa gọi điện nên dừng lại hỏi han và kiểm tra tình trạng xe. Sau khi xác định xe bị thủng lốp sau, Sơn bắt đầu bỏ dụng cụ ra xử lý. Thành viên còn lại cũng phụ giúp soi đèn và đưa đồ nghề. Hai người phối kết hợp, xử lý một cách nhanh thoăn thoắt.
Anh Sơn "giải cứu" cô gái bị thủng săm xe đạp điện.
“Chúng tôi đã quá quen việc này vì mỗi ngày hỗ trợ ít nhất 5 trường hợp. Ban đêm có rất ít quán sửa xe mở nên những người gặp sự cố thường phải dắt bộ về nhà. Tôi tranh thủ thời gian rảnh để đi hỗ trợ họ”, Sơn vừa làm, vừa nói.
Sau 30 phút, chiếc xe đã được xử lý xong, Sơn thu dọn đồ nghề rồi chuẩn bị lên đường tiếp tục đi cứu hộ. Bỗng cô gái gọi lại để gửi tiền công sửa chữa, Sơn từ chối rồi nói đùa: “Phí cao lắm, em không trả được đâu. Thôi về đi không muộn.”
Sơn và đồng đội sau đó mang theo lời cảm ơn của cô gái, di chuyển đến địa điểm khác để giúp người. “Mỗi người gặp sự cố khác nhau, nhưng phổ biến nhất là thủng săm, đâm vào đinh, hết xăng, chết máy... Nếu sự cố nhẹ, tôi xử lý được luôn. Nặng hơn, tôi giúp họ đẩy xe về nhà”, Sơn cho biết.
Dù mưa lạnh hay nóng bức, Sơn đều dành 4 tiếng buổi đêm (từ 21h - 1h sáng) để đi giúp mọi người. Nhiều hôm có người trực thay, Sơn ở nhà để làm nốt công việc chính của mình. Định bụng sẽ ở nhà một hôm nhưng thấy một bài đăng cần trợ giúp gấp trên group, Sơn lại dắt xe đi.
Ngoài Sơn, các thành viên khác cũng sẵn sàng lên đường bất cứ lúc nào trong khung giờ đó.
"Giúp người mà lấy phí thì không còn là thiện nguyện"
23h đêm 5/5, khi đang ngồi trước máy tính, Sơn thấy một tài khoản đăng bài vào nhóm công khai của đội: “Xe máy của em bị thủng xăm ở đường Lê Trọng Tấn, Hà Đông. Em tìm mãi không có nhà sửa xe nào. Mong đội cứu hộ giúp em với.”
Người đăng là Trần Anh Quân, 22 tuổi, ở Nam Từ Liêm, Hà Nội. Quân và bạn đang trên đường đi công việc ở khu vực Hà Đông thì xe bị rơi xuống hố, thủng lốp.
“Khi ấy là 22h tối. Tôi dắt xe một đoạn đường dài mà không thấy quán sửa xe nào mở, gọi điện khắp nơi cũng không ai hỗ trợ được. Bất lực quá, tôi và bạn lên Facebook tìm kiếm sự giúp đỡ, tình cờ thấy nhóm Cứu trợ Hà Nội. Tôi đăng bài trong nhóm rồi được nhận hỗ trợ ngay. Khoảng gần 24h có hai anh đến giúp tôi thay săm, trong đó có anh Sơn và một người trưởng nhóm”, Quân kể.
Được giúp đỡ lúc gặp sự cố, Quân không khỏi xúc động. Anh biết trên đời này có rất nhiều người tốt, nhưng đây là lần đầu tiên Quân được cảm nhận rõ rệt sự nhiệt tình, ấm áp và lòng tốt của đội cứu hộ.
“Lúc biết 2 anh từ đường Giải Phóng phi sang (khoảng 15km), tôi còn rơm rớm nước mắt. Nhưng tôi còn bất ngờ hơn khi các anh không nhận tiền. Tôi không nghĩ mình lại may mắn được giúp đỡ nhiệt tình đến vậy. Đây có lẽ là kỷ niệm không bao giờ quên, khiến mình phải suy nghĩ và học tập để thực hiện nhiều hơn những hành động đẹp”, Anh Quân nói và cho biết đã về nhà an toàn ngay sau đó.
Quân là một trong số nhiều người được đội cứu hộ giúp đỡ.
Trên nhóm Facebook của đội cứu hội có hơn 11.000 thành viên. Admin là những người sẵn sàng chờ trực hotline để giúp đỡ, còn lại là người tham gia để tiện liên hệ khi gặp trường hợp xấu. Khi gặp sự cố ban đêm, họ sẽ đăng bài vào nhóm này để nhờ cứu hộ. Admin sau khi nhận trợ giúp sẽ điều phối thành viên của đội di chuyển đến địa chỉ đó để xử lý. Trong nhóm này, ngoài những bài đăng nhờ cứu hộ, còn có rất nhiều lời cảm ơn và lời chúc ấm lòng.
Đến giờ, các thành viên trong đội không thể nhớ mình đã giúp được bao nhiêu người, bao nhiêu sự cố. Thậm chí, còn chưa kể những sự cố ngoài khung giờ cố định.
Anh Nguyễn Thọ Quyền, 27 tuổi, trú tại Hà Đông, Hà Nội, là trưởng nhóm này. Anh cho biết đội được thành lập từ tháng 7/2016, mục đích giúp mọi người khắc phục sự cố về xe cộ trong đêm khuya. Nhóm hoạt động trên tiêu chí thiện nguyện với mong muốn giúp đỡ tất cả mọi người về nhà an toàn.
"Trước đây, đội có lấy phí, nhưng chỉ lấy giá gốc của phụ tùng, từ 10.000 đồng đến vài chục nghìn, không nhận tiền công. Nhưng đến nay, đội Cứu hộ Hà Nội hỗ trợ người dân hoàn toàn miễn phí, không thu tiền trong bất kỳ trường hợp nào. Nếu lấy tiền công thì không còn là thiện nguyện nữa.
Mặc dù không thu tiền nhưng chúng tôi nhận lại được tình cảm của mọi người. Sự trân trọng của những người gặp sự cố xe trong đêm chính là động lực để các thành viên của nhóm duy trì hoạt động thiện nguyện suốt 6 năm qua", anh Quyền cho biết.
Anh Quyền luôn tự hào vì đội đã cứu trợ được nhiều người.
Dù đã thành công giúp đỡ được mọi người nhưng anh Quyền cũng không khỏi lo lắng. "Hiện địa bàn cứu trợ quá rộng, trong khi lực lượng thành viên còn mỏng, khoảng 5 - 6 người. Nhiều hôm đang cứu trợ ở Hà Đông, lại có người ở Gia Lâm gọi điện, tôi phải từ chối vì việc đi lại sẽ mất nhiều thời gian trong khi còn nhiều người khác ở gần đang chờ đợi”, Quyền nói.
Hơn nữa, anh Quyền cũng thấy khó xử khi có nhiều người nhất định đòi trả công cho thành viên nhóm cứu hộ. Khi thành viên của nhóm từ chối thì họ lại xin được góp chút quà để hỗ trợ nhóm mua thêm đồ nghề và phụ tùng. Để đỡ khó xử, Quyền giao Sơn lập một tài khoản ngân hàng riêng để nhận và thống kê những khoản đóng góp của mọi người. Đây là quỹ để đội tiếp tục đi giúp đỡ những người gặp sự cố về xe trên đường.
“Sự hạn hẹp về thiết bị, phụ tùng cho các thành viên đi cứu trợ cũng là điều khiến tôi suy nghĩ. Nhưng tôi lo nhất là sự an toàn của đội khi hoạt động đêm khuya”, anh Quyền nói.
Lo lắng của anh Quyền là có cơ sở khi một vài thành viên trong đội đã gặp phải trường hợp nguy hiểm. Mặc dù làm việc thiện nguyện nhưng anh Nguyễn Văn Sơn cũng gặp phải tình huống khó xử.
“Có những lần tôi đến giúp người gặp sự số thì bị trấn áp bởi những người sửa xe chặt chém trong đêm. Họ nói tôi đến cướp địa bàn làm ăn và dọa đánh.
Một lần khác, tôi biết có bác chuyên vá săm ở đầu đường trên địa bàn quận Đống Đa nên bảo người gặp sự cố dắt xe cách xa một đoạn. Thế nhưng bác ấy vẫn ra hỏi xem tôi là ai mà dám ra tận đây cướp khách. Những lần như thế, tôi phải nhẹ nhàng giải thích cho họ hiểu hoặc đành nhận là người thân của bạn gặp sự cố để được an toàn”, anh Sơn chia sẻ.
Dù việc cứu hộ ban đêm vất vả lại “không lãi được gì ngoài tình cảm”, Sơn và những người trong đội không quản ngại khó khăn. Mỗi người họ đều có một công việc riêng song đều có chung một chí hướng rồi tụ họp lại thành “biệt đội bóng đêm” giải cứu xe máy 0 đồng.
Đội Cứu hộ Hà Nội hoạt động từ 21h đến 1h sáng. Nếu gặp phải sự cố về xe trong khung giờ trên, bạn đọc có thể liên hệ hotline: 0963 313 004 hoặc 0934 34 34 27.