Chứng khoán

Lún sâu thua lỗ vì chiến lược "đu đỉnh" cổ phiếu "khỏe"

 Nhà đầu tư có thể lún sâu hơn vào thua lỗ khi chạy theo sóng cổ phiếu tăng giá ngắn hạn. Đồ họa: Alex Chu.

Đi qua ba tháng sóng gió của thị trường, nhà đầu tư chứng khoán hỏi han nhau "khi nào vào bờ", "ngoài đảo cách đất liền bao xa" như một cách nói giảm, né tránh sự mất mát trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Thực tế qua thời mua là thắng, nhà đầu tư "đỏ mắt" tìm cơ hội để gỡ gạc khoản lỗ.

Nửa cuối tháng 5 và đầu tháng 6, thị trường bắt đầu hồi phục trong giai đoạn lao dốc. Nhiều nhóm cổ phiếu có sức bật mạnh hơn đà đi lên của thị trường chung, đơn cử như nhóm điện, thủy sản, phân bón và dầu khí. Trong cộng đồng nhà đầu tư, những nhóm cổ phiếu này được quan tâm lớn bởi sắc xanh, sắc tím trong khi thị trường chìm trong sắc đỏ.

Để có thêm niềm tin mua vào sau giai đoạn khủng hoảng niềm tin, từng nhóm cổ phiếu đều có lý do riêng để lựa chọn. Đơn cử, với nhóm cổ phiếu điện, đây được coi là nhóm cổ phiếu phòng thủ trên thị trường. Trong hai năm thị trường đi lên, những mã nhóm này không được chú ý nhiều, thường là những "con sóng" nhỏ ăn theo xu hướng chung của VN-Index.

Còn ở thời điểm này, một suy luận đơn giản là nhu cầu điện năng gia tăng trong mùa hè hay câu chuyện thủy năng tốt nhờ lượng mưa lớn là lý do để những nhà đầu tư có thể FOMO nhóm cổ phiếu điện, đặc biệt là nhóm thủy điện.

Và rồi sóng cổ phiếu điện đã đến. Sau ít phiên nhóm này tăng giá mạnh 30 – 50%, thậm chí có mã gần 60%. Nhiều mã vượt vùng đỉnh giá lịch sử hay vùng giá thiết lập khi VN-Index vượt ngưỡng 1.500 điểm.

Cổ phiếu đầu ngành REE liên tiếp có những phiên tăng mạnh, không ít phiên tăng trần đẩy thị vượt đỉnh lịch sử. Trong một vài phiên, có lúc REE gia nhập nhóm ba chữ số, một mức giá mà nhà đầu tư chỉ có thể nhìn thấy trong cơn sốt cổ phiếu 2007 – 2008. Lúc đó giới đầu tư từng phải ngã giá gần 300.000 đồng để sở hữu mỗi cổ phần của REE.

Bên cạnh REE, một số mã chứng khoán khác nhóm điện cũng là tâm điểm giao dịch của dòng tiền giai đoạn vừa qua như VSH, GEG, POW, NT2.

Nhiều cổ phiếu tăng giá đột biến chỉ trong một thời gian ngắn và sau đó đảo chiều giảm sâu. Ảnh: TradingView.

Cùng với nhóm điện, cổ phiếu nhóm hàng hóa như phân bón, hóa chất, hay dầu khí cũng hưởng lợi khi giá cả một số mặt hàng của các công ty tăng mạnh. Giá dầu thế giới neo ở mức cao trên ngưỡng 100 USD/thùng, còn trong nước giá xăng liên tiếp lập kỷ lục khiến nhà đầu tư liên tưởng ngay nhóm cổ phiếu dầu khí.

Điều đáng nói rằng, ngoài BSR, một số doanh nghiệp nhóm ngành này có kết quả kinh doanh kém sắc, thậm chí là thua lỗ triền miên. Trong những năm qua, đây vốn dĩ là nhóm cổ phiếu đầu cơ, thường tạo sóng ngắn theo đà tăng giá dầu thô.

Con sóng cổ phiếu dầu khí lần này còn có sự góp mặt từ dòng tiền khối ngoại, bộ phận tự doanh các công ty chứng khoán. Mã BSR tăng lên vùng giá trên 30.000 đồng/cp, ngưỡng giá khi bắt đầu giao dịch tại UPCoM sau khi IPO đầu năm 2018.

So với vùng đáy 17.000 – 18.000 đồng/cp, mã BSR tăng khoảng 80% với thanh khoản cao, vượt 1.000 tỷ giá trị giao dịch. Đà tăng yếu hơn, PVS, PVD, PVC, PVB dù ghi nhận mức tăng lên đến 50% song vẫn chưa thể trở lại vùng đỉnh cũ vào tháng 3.

 Giá xăng dầu tăng mạnh là lý do để nhà đầu tư FOMO nhóm cổ phiếu dầu khí. Ảnh: Hoàng Linh.

Tương tự với nhóm phân bón, mã DPM và DCM hút tiền và sớm bật tăng mạnh. Cổ phiếu DCM hồi phục một mạch từ vùng đáy quanh 24.000 đồng/cp lên trên 40.000 đồng/cp (mức giá sau khi điều chỉnh cổ tức tiền mặt 1.800 đồng/cp). Mã DPM cũng có nhịp hồi 50%. Những nhà đầu tư “nhạy sóng” có thể kiếm khoản lợi không hề nhỏ.

Như đã đề cập phần đầu, cổ phiếu thủy sản cũng được nhà đầu tư chú ý với thông tin sản lượng và giá bán của những đơn hàng xuất khẩu tăng mạnh. Một số công ty trong ngành cũng công bố kết quả kinh doanh khởi sắc.

Sau những phiên tăng nóng, các cổ phiếu như VHC, ANV, ACL đều có đỉnh giá mới. Phiên 3/6, cổ phiếu VHC của Vĩnh Hoàn đóng cửa ở mức đỉnh lịch sử 114.500 đông/cp. Số khác tạo mô hình 2 đỉnh với đỉnh cũ rơi vào thời điểm tháng 3 khi VN-Index ở ngưỡng 1.500 điểm. 

Nhiều nhóm cổ phiếu bất ngờ lao dốc mạnh. Nguồn: Lợi Hoàng tổng hợp.

Dòng tiền đầu cơ ngắn hạn đổ dồn vào những nhóm cổ phiếu trên chỉ trong thời gian ngắn và sau đó mạnh tay chốt lời khiến những mã chao đảo. Tưởng chừng mạnh hơn thị trường chung, nhưng các cổ phiếu lại “yếu không tưởng” khi thị trường điều chỉnh. Nhiều cổ phiếu liên tiếp giảm sàn như những mã penny, đến nỗi nhà đầu tư ngỡ ngàng không nghĩ rằng đó là nhóm cơ bản, phòng thủ hay đánh giá doanh nghiệp có nền tảng tốt.

Cảnh tượng cổ phiếu của nhóm ngành trên đồng loạt giảm sàn một lần nữa xuất hiện trong phiên giao dịch ngày 5/7. So với vùng đỉnh ngắn hạn, đa phần các mã đều mất giá trên 20% như NT2 (20%), VHC (29%), ANV (29,91%), DPM (31,33%), DCM (30,39%), PVS (21,57%) hay BSR (20,49%).

Nếu như lựa chọn sai thời điểm mua vào những cổ phiếu trên, nhà đầu tư chịu mức lỗ không hề nhỏ. Kịch bản thị trường như hiện nay khi nhà đầu tư liên tưởng đến những gì đang xảy ra trong năm 2018 khi một số nhóm ngược dòng thị trường như sau đó lao dốc mạnh đi cùng xu hướng thị trường. Không ít nhà đầu tư chịu cảnh thua lỗ bởi chiến lược đảo nhóm ngành vô tình đưa mình vào tình huống “nhảy từ đỉnh này sang đỉnh khác”, tạo ra mức lỗ kép.

Từ đây để thấy rằng lựa chọn thời điểm để mua vào là rất quan trọng trong hoạt động đầu tư. Ngay cả những cổ phiếu cơ bản, doanh nghiệp triển vọng kinh doanh, vùng giá mua cũng cần được xem xét thận trọng. Đặc biệt khi thị trường ngày một trở nên khó khăn hơn, cơ hội ngày một bó hẹp hơn.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm