Tại hội thảo "Phát triển Đà Nẵng xứng danh thành phố đáng đến và đáng sống" diễn ra ngày 27/6, các chuyên gia kinh tế, bất động sản và đại diện doanh nghiệp đã "hiến" nhiều giải pháp đưa Đà Nẵng phát triển theo kịp xu hướng của các đô thị đáng sống trong khu vực và thế giới
Định vị hình mẫu "thành phố đáng sống"
Theo Tiến sĩ Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh, xu thế đô thị hóa là một trong những khía cạnh đo lường chuẩn mực "đáng sống". Các tiêu chí cần đảm bảo là yếu tố xanh, bền vững, thông minh và an toàn. Ngoài ra mọi dịch vụ cung cấp phải là hệ sinh thái tốt gồm y tế, giáo dục, dịch vụ công (gồm cả dịch vụ tiện ích được tư nhân cung cấp). Từ đó, đô thị hóa mới tạo dựng được vốn xã hội, thúc đẩy đầu tư, kinh doanh hàng hóa tiêu dùng, sản xuất hàng hóa dịch vụ tốt nhất.
Những tiêu chí mà chuyên gia đề cập đã sớm xuất hiện như thước đo tiêu chuẩn thành phố đáng sống trên thế giới. Ví dụ như bảng xếp hạng 10 thành phố đáng sống nhất thế giới năm 2022 vừa được tạp chí Economist công bố mới đây đã gọi tên các thành phố như Vienna (Áo), Copenhagen (Đan Mạch), Zurich (Thụy Sĩ), Melbourne (Australia), Osaka (Nhật Bản)... Những điểm đến này đã được cả thế giới công nhận về chất lượng cuộc sống.
"Thật khó để đặt Đà Nẵng lên bàn cân, so sánh với các thành phố danh tiếng nói trên, nhưng nhìn vào những tiêu chí đánh giá của tạp chí Economist như chăm sóc sức khỏe, cơ sở hạ tầng và khả năng tiếp cận không gian xanh..., thành phố cần có những trăn trở và định hướng chiến lược bài bản để hướng tới mục tiêu thành phố đáng sống", ông Hồ Kỳ Minh, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng chia sẻ.
Theo ông Minh, với địa hình vừa có núi, có sông, có biển, Đà Nẵng không chỉ sở hữu tiềm năng to lớn về du lịch mà còn hội tụ nhiều lợi thế để phát triển các khu đô thị đẳng cấp, tiện ích cảnh quan đặc sắc. Đây cũng là yếu tố để tạo sức bật mới cho hạ tầng đô thị, phát huy lợi thế thành phố bên sông.
"Đà Nẵng hoàn toàn có thể trở thành thành phố đáng sống của khu vực và thế giới. Điều này phụ thuộc trước hết vào việc xây dựng chiến lược phát triển hạ tầng du lịch và hạ tầng đô thị xứng tầm. Có thể nói đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức", lãnh đạo TP Đà Nẵng nhận định.
Ngoài ra, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành bổ sung thêm một khía cạnh hình thành khu đô thị "đáng sống" là chạm tới nhu cầu của tầng lớp trí thức, người giàu, người thành đạt.
"Trở thành nơi thu hút những người đẳng cấp, nhân sự chất lượng cao, thậm chí giới siêu giàu đến sống, làm việc vì họ là những người tiên phong, bám theo xu thế, có những đòi hỏi cao", ông Thành cho biết.
Lực đẩy mới cho bất động sản Đà Nẵng
Tại tọa đàm, các chuyên gia đều cho rằng việc xây dựng "thành phố đáng sống" để thu hút nhân sự chất lượng cao nên bắt đầu từ những khu đô thị đáng sống. Bởi thành phố đáng sống phải phát triển không gian sống hạnh phúc, đầy đủ tiện ích thu hút cư dân đến an cư, cống hiến và hưởng thụ.
Ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam nhận định thành phố đáng sống phải đạt yêu cầu về chất lượng cuộc sống cho tất cả mọi người từ trẻ con đến người lớn tuổi. Một tham chiếu cơ bản là các thành phố đáng sống trên thế giới có rất nhiều công viên, thậm chí bến du thuyền...
"Gần như TP Đà Nẵng chưa có công viên đúng nghĩa bởi những địa điểm hiện nay là chỗ vui chơi cho trẻ con và thiếu nhiều mảng xanh. Một ví dụ như New York, một thành phố rất đặc biệt của Mỹ, đất ở đó là đất vàng, vậy mà người ta dành cả một khu đất hàng trăm ha để làm công viên", ông Chính cho biết.
Các chuyên gia nhận định lực đẩy này thôi thúc thị trường địa ốc Đà Nẵng phát triển thêm sản phẩm mới là các đô thị hoàn chỉnh, đầy đủ tiện ích, có hệ thống công viên đa dạng. Bà Đặng Phương Hằng, Tổng giám đốc CBRE Việt Nam nhận định trong 10 năm qua thị trường Đà Nẵng chủ yếu đầu tư bất động sản du lịch nghỉ dưỡng. Giờ đây thành phố cần có cả đô thị mới cho cả người nhiều tiền và ít tiền.
"Để đạt mục tiêu trên cần các chính sách rõ ràng và tạo điều kiện cho giới đầu tư. Khi bất động sản phát triển tốt, hình thành những khu đô thị văn minh, thì người dân từ nhiều khu vực khác kể cả Hà Nội và TP HCM sẽ đến Đà Nẵng sinh sống nhiều hơn", bà Hằng cho hay.
Theo các diễn giả, địa thế tốt nhất để xây dựng các khu đô thị mới chính là nương theo các dòng sông, phát huy thế mạnh hệ thống sông ngòi chảy bao quanh thành phố Đà Nẵng. Bà Nguyễn Ngọc Thúy Linh, Tổng giám đốc Sun Property cho biết, đơn vị này đang chung tay cùng Đà Nẵng xây dựng các khu đô thị ven sông đầy đủ tiện ích.
Theo bà Linh, chất lượng sống tại khu đô thị ven sông cần đảm bảo bao quát hết các tiêu chí: an toàn, cá nhân hóa, đầy đủ tiện ích, cây xanh, hạ tầng giao thông và hình thành một cộng đồng cư dân văn minh, đẳng cấp.
"Sun Property sẽ xây dựng những khu đô thị ven sông, kỳ vọng tạo sức bật mới cho khu vực Đông Nam thành phố. Theo xu hướng phát triển, sẽ có những "thành phố mới", trung tâm mới hình thành ngay trong thành phố lớn hiện hữu", đại diện Sun Property cho hay.
Đơn vị này cũng đang đẩy mạnh đầu tư những khu đô thị quy mô, đầy đủ tiện ích như khu thương mại, dịch vụ, nhà hàng, bể bơi vô cực, bến du thuyền, đặc biệt là công viên Hyde Park rộng 50 ha ven sông Cổ Cò dự kiến là công viên lớn nhất miền Trung... với kỳ vọng tạo nên điểm nhấn mới, góp phần thúc đẩy hành trình phát triển, hội nhập, vươn tới vị thế thành phố đáng sống tầm cỡ quốc tế của Đà Nẵng.
"Những chuẩn mực, giá trị định hình chân dung "Đà Nẵng đáng sống" đang dần được hoàn chỉnh bởi những nhà đầu tư đẳng cấp, sao cho đủ sức hấp dẫn những người tài, người giàu, hai lực lượng đặc biệt nhất trong xã hội", PGS. TS Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam khẳng định tại hội thảo. Đó cũng chính là động lực để Đà Nẵng khẳng định vị thế tiên phong "đầu tàu kinh tế Miền Trung", theo chuyên gia.