Chiều 24/3, Công an TP HCM đã khởi tố vụ án hình sự "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân", quy định tại Điều 331 Bộ luật Hình sự; đồng thời khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam và Lệnh khám xét đối với bà Nguyễn Phương Hằng (sinh năm 1971, CEO CTCP Đại Nam) về những hành vi kể trên. Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp đã phê chuẩn quyết định này.
Trao đổi với chúng tôi về sự vụ của bà Nguyễn Phương Hằng, luật sư Trần Minh Hùng (Trưởng Văn phòng Luât sư Gia Đình, Đoàn Luật sư TP HCM) cho hay, theo khoản 1 Điều 331, BLHS 2015 sửa đổi 2017, người phạm tội sẽ bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm khi lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Theo khoản 2 điều này, trường hợp phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội sẽ bị phạt tù từ 2 - 7 năm.
"Căn cứ theo quy định trên thì tùy tính chất, mức độ, hành vi, hậu quả mà có thể áp dụng khung hình phạt khác nhau, hình phạt cao nhất có thể đến 7 năm tù", luật sư Hùng cho biết.
CTCP Đại Nam hoạt động ra sao trước khi CEO Nguyễn Phương Hằng bị bắt?Đọc ngay
Song, luật sư Lê Trung Phát (Giám đốc Hãng luật Lê Trung Phát, Đoàn Luật sư TP HCM) đánh giá khả năng cao CEO Đại Nam phải đối mặt với khung hình phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. "Bởi, rất khó để có thể khởi tố bà Hằng với khoản 2 của điều luật này", luật sư Phát nêu quan điểm.
Theo luật sư Phát, việc bắt tạm giam bà Hằng lúc này là cần thiết, nhằm phục vụ cho công tác điều tra ban đầu, cũng như hạn chế việc bà này tiếp tục livestream có thể gây thêm tiêu cực cho xã hội.
"Nói như vậy không có nghĩa là Cơ quan cảnh sát điều tra sẽ tạm giam bà Hằng liên tục trong quá trình điều tra. Bởi theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, biện pháp tạm giam chỉ là một trong những biện pháp ngăn chặn.
Vì thế, trong quá trình điều tra, nếu xét thấy phù hợp khi có đơn yêu cầu từ người nhà của bà Hằng, Công an TP HCM vẫn có thể thay đổi biện pháp "tạm giam" thành biện pháp khác như "bảo lãnh" theo Điều 121 hoặc "đặt tiền để bảo đảm" theo Điều 122 hoặc "cấm đi khỏi nơi cư trú" theo Điều 123", luật sư Phát phân tích.
Luật sư cũng nói thêm, việc thay đổi biện pháp theo Điều 123 không mâu thuẫn với biện pháp tạm hoãn xuất cảnh mà trước đó Công an đã áp dụng đối với bà Hằng. Bởi, thời điểm đó CEO Đại Nam còn di chuyển giữa chỗ ở là TP HCM và chỗ làm là Bình Dương.
Công an Bình Dương cũng đang tiến hành thụ lý đơn tố giác bà này. Song hiện nay, bà Hằng đã bị khởi tố, tức Công an TP HCM vẫn được quyền áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú, cụ thể là không được đi khỏi TP HCM để phục vụ công tác điều tra.
Việc có thể thay đổi các biện pháp ngăn chặn trong quá trình điều tra là điều có thể xảy ra, bởi bà Hằng có chỗ ở ổn định, có công việc rõ ràng, có nhân thân tốt và có tiền để đảm bảo thực thiện một trong các biện pháp ngăn chặn nêu trên", luật sư Phát nhấn mạnh.
Trong khi đó, phân tích khả năng "thoát tội" của bà Hằng, luật sư Trần Minh Hùng đánh giá khó có thể xảy ra. Bởi, hành vi phạm tội của bà này đã rõ ràng và lặp lại nhiều lần, đã được lập vi bằng.
"Theo quy định, một người được coi là chưa có tội khi chưa có bản án có hiệu lực của toà án. Song, việc thực hiện hành vi nhiều lần, lặp lại, tần suất liên tục thì theo tôi khó để cho rằng hành vi không cấu thành tội phạm", luật sư Hùng nêu quan điểm.