Quốc hội khóa XV tại Kỳ họp thứ 7 đã thông qua dự án “1 Luật sửa 4 Luật”, cho phép 3 luật liên quan tới thị trường bất động sản gồm: Luật Đất đai, Nhà ở và Kinh doanh bất động sản có hiệu lực từ 1/8/2024, tức sớm hơn 5 tháng so với thời điểm đã được quyết định trước đó là 1/1/2025. Đồng thời, hai khoản của Điều 200 và Điều 210 của Luật Các tổ chức tín dụng cũng được đề nghị có hiệu lực sớm từ 1/8/2024 để đảm bảo đồng bộ, chặt chẽ khi nhận tài sản đảm bảo của tổ chức tín dụng.
Sẽ tác động ngay đến thị trường bất động sản
Đến nay, chỉ còn khoảng 2 tuần, các Luật sẽ chính thức có hiệu lực, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, quyết sách trên rất quan trọng. Việc đưa 4 Luật này vào thực thi sớm hơn được kỳ vọng tác động đến những lĩnh vực liên quan đến đất đai, đến quyền sở hữu, sử dụng đất và các quyền sở hữu tài sản liên quan đến đất sẽ được làm rõ, được công khai, minh bạch hơn. Từ đó, tạo thuận lợi cho các hoạt động mua bán, chuyển nhượng, đầu tư về đất đai, nhà ở, bất động sản…
“Cùng với kỳ vọng này, chúng ta cũng mong muốn tính công khai minh bạch của thị trường bất động sản nói riêng, cũng như tính linh hoạt, chủ động nền kinh tế sẽ được đề cao. Và trên cơ sở đó, hoạt động của nền kinh tế trong 6 tháng cuối năm sẽ có nhiều cơ hội cất cánh”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói.
Nêu nhận định cụ thể về lĩnh vực bất động sản, ông Thịnh cho rằng, thời gian qua, thị trường bất động sản có sự trầm lắng và từ đó tác động đến khoảng 40 ngành nghề trong nền kinh tế quốc dân, gây ra sự chậm trễ trong hoạt động và tạo ra nhiều khó khăn trong quá trình tăng trưởng và phát triển. Rõ ràng, 4 luật này được thực thi sẽ tác động trực tiếp và ngay lập tức đến thị trường bất sản.
“Với Luật Đất đai lần này, chúng ta thấy rằng, các vấn đề liên quan đến quyền sử dụng đất, đến việc chuyển nhượng, mua bán hay khởi công xây dựng các dự án… sẽ được làm rõ hơn, được chuẩn hóa và có cơ sở pháp lý để thị trường bất động sản công khai, minh bạch hơn trong hoạt động đầu tư và phát triển”, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nói.
Cũng theo ông Thịnh, từ đầu năm 2024, đã có nhiều ý kiến của các chuyên gia cũng như các tổ chức mong muốn thực hiện sớm 4 luật này và các cơ quan Nhà nước đã có những chuẩn bị nhất định cho việc ban hành các nghị định, thông tư, văn bản hướng dẫn dưới luật. Từ đó, đảm bảo khi các luật được đưa vào cuộc sống sẽ có đầy đủ cơ sở có thể thực thi một cách tốt nhất.
Quy định tiến bộ cần sớm vào cuộc sống
Trong các phiên thảo luận trước Quốc hội về dự án luật, nhiều ý kiến ĐBQH cũng cho rằng, khi bất động sản được khơi thông khó khăn thì sẽ tác động tốt tới nền kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng GDP 6 tháng cuối năm 2024.
Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Đoàn Bình Phước) cho rằng, thị trường bất động sản đang kỳ vọng được “phá băng” khi Luật Đất đai sớm có hiệu lực: “Luật Đất đai có rất nhiều nội dung mới về quyền và nghĩa vụ người sử dụng đất, về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, về giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển nhượng mục đích sử dụng đất, về tài chính, đất đai, giá đất đã góp phần tháo gỡ vướng mắc về pháp lý cho các dự án có liên quan đến sử dụng đất đai trong doanh nghiệp. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp chờ đợi luật có hiệu lực để có thể chuyển sang thuê đất trả tiền thuê hằng năm, giảm bớt gánh nặng tài chính trong thời gian đầu triển khai dự án. Từ đó, giá bán đất, bất động sản cũng có cơ hội được điều chỉnh về mức hợp lý hơn”.
Bên cạnh đó, các ĐBQH cũng đánh giá, Luật Nhà ở có hiệu lực sớm 5 tháng sẽ khắc phục những vấn đề trong đầu tư xây dựng các loại hình nhà ở nhiều tầng, nhiều hộ ở hay còn gọi là chung cư mini, với mục tiêu để bán, cho thuê... Theo Luật, cần phải lập dự án xây dựng nhà ở hoặc phải đầu tư xây dựng đáp ứng yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy.
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng khẳng định, việc thông qua dự án “1 Luật sửa 4 Luật” là chủ trương đúng đắn để sớm đưa các chính sách và luật pháp vào cuộc sống.
Ông Hiếu khẳng định, Chính phủ đã thể hiện nỗ lực, quyết tâm trong việc sớm đưa các luật, các chính sách vào cuộc sống. Trong quá trình thảo luận, dự luật này chỉ vấp phải một băn khoăn từ một số ĐBQH về việc nếu đẩy sớm hiệu lực của các Luật thì có đảm bảo tính khả thi, tức là có đảm bảo việc ban hành đầy đủ văn bản hướng dẫn thi hành, để đảm bảo luật có hiệu lực đúng vào thời điểm có hiệu lực sớm.
“Điều này chúng ta đã thảo luận rất nhiều. Chính phủ cũng đã có báo cáo chi tiết về mặt tiến độ và thể hiện những cam kết, cũng như quyết tâm bằng những giải pháp. Thậm chí không thể gọi là cam kết vì Chính phủ đã và đang hành động rất quyết liệt, đồng thời chỉ đạo các cơ quan có liên quan hoàn thiện các dự thảo Nghị định cấp trung ương và địa phương, để đảm bảo Luật được ban hành và có hiệu lực theo thời điểm mới từ 1/8/ 2024.
Về phía Quốc hội, để đảm bảo nhiệm vụ này được hoàn thành thì trong Nghị quyết của kỳ họp Quốc hội cũng đã nhấn mạnh đến việc Quốc hội cần phải đảm bảo ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết, để không xảy ra hiện tượng gọi là không có hoặc chậm ban hành văn bản, vốn dẫn đến tình trạng luật có hiệu lực nhưng không được thực thi trên thực tế”, ông Hiếu nói.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội lưu ý, vấn đề “1 Luật sửa 4 Luật” phải được hiểu rõ ràng rằng sửa luật không phải vì bất cập mà để các luật sớm vào cuộc sống.