Xã hội

Luật ban hành 11 năm, chính sách miễn học phí vẫn "trên giấy"

Tóm tắt:
  • Luật Giáo dục nghề nghiệp từ năm 2014 chưa thể triển khai miễn học phí do thiếu danh mục ngành nghề.
  • Quốc hội và Chính phủ đều tiếp thu kiến nghị của cử tri nhưng vẫn còn nhiều hạn chế.
  • Bộ LĐ-TB-XH đã tạm dừng ban hành danh mục ngành nghề vì bất đồng thẩm quyền với Bộ Tư pháp.
  • Người có công đang hưởng trợ cấp thương binh còn vướng mắc lúng túng trong quy định chính sách dẫn đến thiếu công bằng.
  • Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Bộ Nội vụ hoàn thiện quy định để đảm bảo quyền lợi cho người hưởng trợ cấp đầy đủ.

Sáng 5.5, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV sẽ nghe báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 8.

Theo báo cáo, nhìn chung, trong khoảng thời gian giữa 2 kỳ họp, Quốc hội, Chính phủ cùng các bộ, ngành đã tích cực nghiên cứu, tiếp thu các kiến nghị cử tri trong hoạt động xây dựng pháp luật, giám sát và quản lý điều hành.

Song một số hạn chế vẫn còn tồn tại. Điển hình trong số này là việc chậm ban hành văn bản hướng dẫn hoặc hướng dẫn chưa đầy đủ, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân cũng như việc thực thi chính sách pháp luật.

Luật ban hành đã 11 năm, chính sách miễn học phí vẫn 'nằm trên giấy' - Ảnh 1.

Vì chưa có danh mục nên quy định miễn học phí đối với một số ngành, nghề chuyên môn đặc thù theo luật Giáo dục nghề nghiệp chưa thể triển khai (ảnh minh họa)

ẢNH: TN

Luật chưa thể triển khai vì… chờ danh mục

Báo cáo dẫn chứng việc cử tri tỉnh Hà Tĩnh đề nghị ban hành danh mục các ngành, nghề chuyên môn đặc thù đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh.

Trả lời nội dung này, Bộ LĐ-TB-XH cho biết đã xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng quy định danh mục các ngành, nghề nêu trên nhưng đã phải tạm dừng vì Bộ Tư pháp chưa thống nhất ý kiến.

Bộ Tư pháp cho rằng luật Giáo dục nghề nghiệp giao Chính phủ quy định về các ngành, nghề này, nên việc xây dựng Quyết định của Thủ tướng là không đúng thẩm quyền.

Qua giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, luật Giáo dục nghề nghiệp quy định "miễn học phí đối với người học các ngành, nghề chuyên môn đặc thù đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh theo quy định của Chính phủ".

Đây là chính sách ưu đãi quan trọng nhằm thu hút người học theo đuổi những lĩnh vực có tính chất chuyên sâu, khó tuyển sinh, đòi hỏi trình độ cao và phục vụ trực tiếp các mục tiêu chiến lược quốc gia.

Tuy nhiên, luật ban hành năm 2014, đến nay đã có hiệu lực 10 năm, nhưng chính sách miễn học phí nêu trên vẫn chưa được triển khai do thiếu danh mục ngành, nghề chuyên môn đặc thù.

Thực tiễn này gây ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả thi hành luật, làm giảm khả năng thu hút đối với các chương trình đào tạo thuộc lĩnh vực nêu trên và dẫn đến thiệt thòi không nhỏ cho những học viên đã và đang theo học nhưng chưa được thụ hưởng chính sách mà lẽ ra họ xứng đáng được nhận.

Hiện nay, thẩm quyền quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp đã được chuyển từ Bộ LĐ-TB-XH sang Bộ GD-ĐT. Theo giải trình của Bộ GD-ĐT, cơ quan này đang triển khai xây dựng, sửa đổi luật Giáo dục nghề nghiệp, việc ban hành danh mục các ngành, nghề chuyên môn đặc thù sẽ được nghiên cứu và điều chỉnh phù hợp với bối cảnh.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ GD-ĐT khẩn trương tham mưu xây dựng và trình ban hành danh mục, sớm đưa chính sách ưu đãi vào cuộc sống, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của cử tri và yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.

Luật ban hành đã 11 năm, chính sách miễn học phí vẫn 'nằm trên giấy' - Ảnh 2.

Kỳ họp thứ 9 được đánh giá là kỳ họp lịch sử, triển khai các quyết sách mang tính lịch sử, cách mạng của đất nước

ẢNH: GIA HÂN

Mỗi lần trả lời lại có quan điểm xử lý khác nhau

Một nội dung khác được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề cập, đó là việc quyền lợi hợp pháp của người dân bị ảnh hưởng do quy định trong văn bản hướng dẫn thi hành chưa đầy đủ.

Từ kỳ họp thứ 3 đến nay, cử tri nhiều địa phương liên tục đề nghị xem xét giải quyết cho những người đang hưởng trợ cấp thương binh nhưng đồng thời đủ điều kiện hưởng chế độ mất sức lao động được nhận cùng lúc 2 chế độ trợ cấp.

Tuy nhiên, trong các văn bản trả lời kiến nghị, quan điểm xử lý của Bộ LĐ-TB-XH lại chưa thống nhất.

Tại văn bản trả lời kiến nghị gửi đến kỳ họp thứ 4, bộ cho biết sẽ tiếp thu ý kiến cử tri để nghiên cứu, đề xuất trong quá trình sửa đổi, bổ sung Nghị định số 131/2021.

Thế nhưng, ở lần trả lời kiến nghị gửi tới kỳ họp thứ 8, bộ lại nêu sẽ tiếp thu kiến nghị cử tri khi xây dựng hệ thống văn bản hướng dẫn chế độ, chính sách về bảo hiểm xã hội.

"Như vậy, chưa có sự rõ ràng về việc cần điều chỉnh quy định của pháp luật trong lĩnh vực nào, đồng thời cũng không đưa ra lộ trình cụ thể để giải quyết vướng mắc", Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá.

Qua giám sát cho thấy, cả Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng và Nghị định số 131/2021 đều quy định người vừa là thương binh vừa mất sức lao động đủ điều kiện để hưởng đồng thời 2 chế độ trợ cấp hằng tháng.

Vấn đề vướng mắc nằm ở Nghị định số 131, khi chỉ quy định hồ sơ, thủ tục giải quyết trợ cấp thương binh đối với người đang hưởng chế độ mất sức lao động, mà chưa đề cập đến quy trình giải quyết đối với trường hợp đã được công nhận là thương binh, trước đây chọn thôi hưởng trợ cấp mất sức lao động để chuyển sang nhận trợ cấp thương binh, nay có nguyện vọng được khôi phục quyền lợi về chế độ mất sức.

Chính điều này đã gây ra lúng túng trong tổ chức thực hiện tại nhiều địa phương, khiến không ít trường hợp đủ điều kiện nhưng vẫn chưa được giải quyết chế độ đầy đủ.

Thực tế cho thấy, có người vừa là thương binh, vừa mất sức lao động đã được hưởng đồng thời cả 2 chế độ, trong khi có những trường hợp tương tự lại chỉ nhận được một khoản trợ cấp thương binh duy nhất. Điều này đã tạo ra sự thiếu công bằng trong thực thi chính sách và không phù hợp với các quy định pháp luật.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho hay, người có công là đối tượng rất đặc thù, có nhiều hy sinh, đóng góp to lớn cho đất nước, do đó cần được quan tâm một cách đặc biệt, thấu đáo và nhất quán trong quá trình ban hành cũng như thực thi chính sách.

Qua giám sát, đã yêu cầu Bộ Nội vụ - cơ quan hiện nay được giao trách nhiệm quản lý nhà nước đối với người có công - khẩn trương nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện quy định pháp luật để đảm bảo người đang hưởng trợ cấp thương binh đồng thời là người mất sức lao động được giải quyết quyền lợi một cách đầy đủ, thống nhất và công bằng.

Tiếp thu ý kiến, Bộ Nội vụ đã đưa nội dung này vào dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 131 để trình Chính phủ xem xét, ban hành.

Các tin khác

4 cách phòng ngừa viêm gan B

Tiêm vaccine, kiểm tra và sàng lọc định kỳ, tăng cường hệ miễn dịch góp phần giúp gan hoạt động khỏe mạnh, ngăn ngừa viêm gan B.

Thời tiết chuyển mùa người dân cần lưu ý gì?

Hiện tại Nam bộ và Tây nguyên đang trong thời kỳ thời tiết chuyển mùa, các hiện tượng thời tiết cực đoan như giông, lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh có thể xảy ra, đặc biệt vào chiều tối.

29 công trình phục vụ tổ chức Hội nghị APEC 2027

Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Phạm Mạnh Cường cho biết, sau khi rà soát danh mục dự án đề xuất đầu tư phục vụ Hội nghị APEC 2027 và một số chính sách đặc thù, Kiên Giang đề xuất danh mục gồm 29 dự án cần thiết phục vụ hội nghị với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 220.088 tỉ đồng.