Doanh nghiệp

Lợi nhuận Nhựa Bình Minh phục hồi

Báo cáo tài chính quý II cho thấy, Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh (BMP) có doanh thu hơn 1.153 tỷ đồng, giảm gần 14% so với cùng kỳ 2023. Nhờ giá vốn giảm mạnh hơn, BMP có hơn 505 tỷ lãi gộp.

Biên lợi nhuận gộp nhích từ 42,9% lên 43,8% - mức cao nhất từ khi Nhựa Bình Minh thành công ty con của Nawaplastic Industries, thành viên của Tập đoàn SCG (Thái Lan), vào đầu năm 2018. Tròn một năm, công ty giữ biên lãi gộp trên con số 40%.

Doanh thu hoạt động tài chính sụt gần một nửa về khoảng 17 tỷ đồng, chủ yếu do lãi tiền gửi xuống thấp. Công ty đang có hơn 1.750 tỷ đồng gửi ngân hàng.

Trong kỳ, BMP tiết giảm các chi phí cố định, nhất là các khoản chi phí hệ thống phân phối. Tổng lại, công ty này có lãi khoảng 280,3 tỷ đồng sau thuế. Con số này giảm gần 5% so với cùng kỳ, khi đó họ lãi gần 295 tỷ đồng - mức đỉnh trong lịch sử hoạt động. Lợi nhuận của quý II đã phục hồi lên cao hơn ba quý trước đó.

Lũy kế nửa đầu năm, Nhựa Bình Minh ghi nhận khoảng 2.156 tỷ đồng doanh thu và hơn 470 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt giảm 22% và 18% so với cùng kỳ năm trước. Công ty hoàn thành 39% chỉ tiêu doanh thu và hơn 45% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Kinh doanh thuận lợi tạo điều kiện cho BMP chia cổ tức. Công ty dự kiến năm nay dành ít nhất 50% lợi nhuận sau thuế để chia cổ tức.

Năm ngoái, Nhựa Bình Minh dùng đến 99% lợi nhuận (khoảng 1.031 tỷ đồng) để chia cổ tức bằng tiền mặt. Theo đó, mỗi cổ đông sở hữu một cổ phiếu nhận được 12.600 đồng - mức cao nhất doanh nghiệp này thực hiện từ khi niêm yết vào năm 2006. Cổ đông người Thái nhận nhiều nhất, trên 567 tỷ đồng. Nhóm này đang nắm 55% vốn tại BMP.

Ước tính số cổ tức bằng tiền mà nhóm cổ đông "xứ chùa vàng" nhận được sau 12 năm rót vốn vào Nhựa Bình Minh khoảng 1.991 tỷ đồng. Trước đó, Tập đoàn SCG chi hơn 2.800 tỷ đồng cho 4 lần mua gom cổ phiếu BMP. Như vậy, tính riêng cổ tức bằng tiền, nhóm người Thái đã thu hồi 71%.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm