Trong quý II, Công ty cổ phần Sông Ba (SBA) là một trong những doanh nghiệp có lãi sau thuế tăng mạnh nhất ngành điện, gấp gần 5 lần so với cùng kỳ. Những năm trước, giai đoạn này thường là mùa lợi nhuận thấp của SBA.
Các doanh nghiệp cùng mảng thủy điện cũng có lợi nhuận tăng trưởng mạnh. Công ty cổ phần Thủy điện Miền Nam (SHP) và Công ty cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (VSH) đều có lãi sau thuế tăng hơn 90%. Các nhà máy thủy điện Cần Đơn, Thác Mơ, Thác Bà... cũng báo lợi nhuận tăng hơn một nửa so với quý II/2021.
Mưa lớn ngay đầu mùa hạ "tưới mát" lên hầu hết doanh nghiệp nhóm này. La Nina (nhiệt độ biển hạ thấp, gây nhiều mưa bão) kéo dài suốt thời gian qua khiến các đợt nắng nóng không quá gay gắt, lượng mưa đổ về cũng nhiều hơn trước. Nhờ thế, sản lượng của các nhà máy thủy điện tăng lên.
Thủy điện Thác Mơ cho biết lưu lượng nước bình quân về hồ tăng trên 80% so với cùng kỳ. Hồ tại các công ty con như thủy điện Đăkrơsa, Đại Nga trung bình tăng khoảng 43%.
Tương tự, lợi nhuận Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh cũng tăng theo sản lượng và giá bán điện bình quân khi tham gia thị trường. Trong đó, sản lượng điện của doanh nghiệp này tăng gần 40%. Con số trên với Thủy điện Thác Bà là khoảng 60%.
Số liệu do Chứng khoán Vietcombank (VCBS) tổng hợp cho thấy, sản lượng thủy điện riêng tháng 5 - đầu mùa mưa, đạt gần tương đương tháng cao nhất của mùa mưa 2 năm trước, tức tháng 10/2020. Lưu lượng nước về hồ lên gần 5000-8.000 m trên giây khiến nhà máy Hòa Bình và Sơn La phải mở cửa xả đáy từ giữa tháng 6.
Trong khi thủy điện đón cơn mưa lợi nhuận, nhiều doanh nghiệp nhiệt điện bắt đầu lộ rõ đà hụt hơi. Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power - POW) ghi nhận lãi sau thuế giảm gần 33% về hơn 580 tỷ đồng. Mức giảm tương tự cũng được Công ty cổ phần Nhiệt điện Phả Lại báo cáo trong quý này. Lợi nhuận Tổng công ty Phát điện 3 (PGV) giảm gần 45% về gần 420 tỷ đồng.
Sở hữu nhiều nhà máy nhiệt điện, PV Power cho biết bất lợi kép từ suy giảm sản lượng và giá nhiên liệu than, khí đốt lên cao trở thành nguyên nhân chính ảnh hưởng lợi nhuận. Trong đó, sản lượng nhà máy nhiệt điện Cà Mau 1-2 giảm hơn 36%, nhiệt điện Vũng Áng 1 giảm đến 2,4 lần so với cùng kỳ. Cùng bối cảnh trên, Nhiệt điện Phả Lại giảm lãi do sản lượng lùi hơn 10% và giá bán điện thấp.
Theo VnDirect, giá than quốc tế đã tăng gấp 2-3 lần và cao hơn nhiều so với giá than trong nước là 58 USD một tấn. Giá khí cũng tiếp tục neo ở mức cao. Trong đó, giá khí LNG châu Á có thể đạt 32 USD một triệu BTU và giá khí tự nhiên của Mỹ Henry Hub sẽ đạt 5,5 USD một triệu BTU trong năm nay.
Tuy có sự phân hóa, nhìn chung ngành điện được dự báo có diễn biến tích cực. Trong 6 tháng đầu năm, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, sản lượng điện toàn hệ thống đạt hơn 133 tỷ kWh, tăng gần 4% so với cùng kỳ. Công suất và sản lượng điện toàn quốc cùng lập kỷ lục lần lượt hơn 45.500 MW và 900 triệu kWh vào ngày 21/6.
Chứng khoán Agribank (Agriseco) kỳ vọng ngành điện quay trở lại đà tăng trưởng 2 chữ số khi Chính phủ đề mục tiêu tăng trưởng kinh tế GDP 6-6,5% trong năm nay. VnDirect tin rằng mức tăng trưởng của ngành điện nói chung sẽ cao hơn trong nửa cuối năm 2022 nhờ mùa nóng và nhu cầu phụ tải tăng mạnh trở lại.