Khối lượng hồ sơ "khủng" của vụ án - Ảnh: A.X.
Vụ án lừa đảo, rửa tiền xảy ra tại Công ty Alibaba là vụ án kỷ lục trong lịch sử tố tụng bởi số lượng bị hại lên đến 4.361 người, 1 triệu bút lục... Theo dự kiến, Tòa án nhân dân TP.HCM sẽ mở phiên tòa xét xử vụ án lừa đảo, rửa tiền xảy ra tại Công ty Alibaba từ ngày 12-8 và sẽ kéo dài 2 tháng.
Vậy điều gì đã dẫn đến vụ án điển hình về nạn phân lô bán nền đất nông nghiệp này? Tuổi Trẻ trao đổi với luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo (Đoàn luật sư TP.HCM) - người theo dõi từ đầu các hoạt động, diễn biến liên quan vụ án của Công ty Alibaba - để cùng có một số nhận định xung quanh.
Hoa mắt vì lãi cao
* Thưa luật sư, bà lý giải thế nào về việc hàng nghìn khách hàng đầu tư, mua đất nền của Công ty Alibaba dù đã có cảnh báo để rồi trở thành nạn nhân?
- Alibaba đã đưa ra thủ đoạn cam kết mua lại với giá cao hơn từ 30% sau 12 tháng hoặc cao hơn từ 38% sau 15 tháng kể từ ngày nộp tiền, hoặc thuê lại với giá 2%/tháng kể từ ngày ký và thanh toán 95% giá trị hợp đồng.
Với phương thức này, hầu hết khách hàng khi đến hạn cam kết không được nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dưới dạng đất thổ cư thì được Công ty Alibaba chuyển sang hình thức trả lãi hoặc mua trở lại.
Từ đây, Alibaba đã lấy từ nguồn tiền nhà đầu tư sau (chưa đến hạn giao đất, mua, trả lãi) để trả lợi nhuận cho các nhà đầu tư trước.
Vòng quay của đồng tiền cứ thế, tạo ra hiệu ứng "hòn tuyết lăn" nên số lượng khách hàng của Alibaba tăng lên nhanh chóng khi thấy "người đi trước" có thu lời. Về bản chất, đây chính là hành vi kinh doanh đa cấp.
* Bà có thể phân tích thêm yếu tố "đa cấp" ở đây?
- Alibaba đã xây dựng một quy trình tuyển dụng, đào tạo nhân viên nhìn qua rất bài bản và chuyên nghiệp. Những "bí kíp" do chính chủ tịch Alibaba Nguyễn Thái Luyện chia sẻ đã thôi thúc những nhân viên (đa số là những nhân viên trẻ tuổi, thiếu kiến thức thực tế và kỹ năng sống) khát khao làm giàu mạnh mẽ.
Bởi thế, những nhân viên này bị Alibaba ràng buộc bằng cách bỏ một ít tiền mua một lô đất đầu tư. Khi các nhân viên này biết họ đã bị lừa và có khả năng mất trắng số tiền đã đầu tư vào Alibaba (phần lớn là đi vay, mượn từ người thân, quen) thì Alibaba yêu cầu họ tìm khách bán để gỡ gạc.
Từ đó những nhân viên này biến thành mắt xích trong hệ thống đa cấp, họ là những nạn nhân đầu tiên và cũng là những người giúp sức tích cực cho Luyện và đồng bọn trong việc lừa đảo khách hàng khác.
Đó cũng là một trong số những lý do để giải thích cho việc có nhiều video clip ở thời điểm Alibaba còn hoạt động, trong đó cho thấy hàng nghìn người hô vang các khẩu hiệu bày tỏ lòng tin, quyết tâm đi theo Công ty Alibaba, thậm chí sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng địa phương kiểm tra khu đất (vụ Công an thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khởi tố nhóm nhân viên Alibaba tội chống người thi hành công vụ).
Sở dĩ có con số bị hại lên đến 4.361 là xuất phát từ thủ đoạn tinh vi của Nguyễn Thái Luyện và đồng bọn khi đánh đúng vào tâm lý mong tìm kiếm lợi nhuận nhiều và nhanh, trong đó đa số là những nhà đầu tư còn non kinh nghiệm trên thị trường bất động sản.
Luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo
Hậu quả rất lớn và đa dạng
* Với 4.361 bị hại, số tiền chiếm đoạt hơn 2.264 tỉ đồng cùng với 58 dự án với diện tích đất nông nghiệp "khủng" ở các tỉnh thành, luật sư đánh giá hậu quả do Công ty Alibaba gây ra như thế nào?
- Việc Alibaba đã sử dụng những quỹ đất nông nghiệp có diện tích rất lớn, tự ý vẽ ra các dự án ma để phân lô bán nền đã gây ra sự lãng phí nguồn tài nguyên đất đai, trực tiếp phá hoại quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, tác động vô cùng lớn đến chính sách phát triển nông nghiệp tại các địa phương có các "dự án" của Alibaba.
Ngoài ra, Alibaba rất có thể đã gây ra hiệu ứng domino khiến nhiều cá nhân, tổ chức học theo cách làm này để vẽ ra các dự án ma tại các địa phương để lừa đảo khách hàng.
Điều này gây hoang mang cho nhà đầu tư, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các đơn vị kinh doanh bất động sản chân chính và tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật.
Riêng đối với các bị hại và gia đình các bị hại trong vụ án này, hệ lụy là vô cùng to lớn, không chỉ về tài sản mà còn nhiều mối quan hệ khác khi tiền đầu tư là tiền vay mượn bạn bè, gia đình, ngân hàng...
* Luật sư khuyến nghị gì để ngăn chặn những vụ tương tự như Alibaba?
- Công ty Alibaba cùng Nguyễn Thái Luyện và đồng bọn sử dụng thủ đoạn có bản chất đánh vào mong muốn làm giàu của nhà đầu tư khiến họ sập bẫy. Bởi thế, nhà đầu tư luôn phải bình tĩnh và sáng suốt, phải tìm hiểu thật kỹ thông tin, pháp lý về dự án mà mình đang có ý định đầu tư.
Việc kiểm tra các thông tin này hiện nay không khó, nhà đầu tư có thể tự mình kiểm tra hoặc cũng có thể nhờ đến sự hỗ trợ từ những luật sư có kinh nghiệm. Tuy nhiên, để có thể tỉnh táo và hành xử một cách khôn ngoan, nhà đầu tư phải kiềm chế, tránh rơi vào bẫy theo những cam kết "ma", khách hàng "chim mồi"…
Ngoài ra, về phía các cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan các hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản cũng cần phải kịp thời tiếp cận, điều tra và xác minh nếu có dấu hiệu lừa đảo thì ra cảnh báo ngay cho các nhà đầu tư khi có ý định tham gia đầu tư.
Cần có sự kiểm soát chặt chẽ hơn và ngăn chặn từ đầu các hoạt động có dấu hiệu bất thường về phân lô bán nền tại địa phương mà mình phụ trách.
- TS Thái Thị Tuyết Dung (Trường ĐH Kinh tế - luật, ĐH Quốc gia TP.HCM):
Giá như địa phương ngăn chặn từ đầu...
Về góc độ quản lý nhà nuớc, phía chính quyền địa phương nơi có các dự án phân lô bán nền bất hợp pháp, dự án "ma" đã không kịp thời cảnh báo, ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm của Công ty Alibaba. Nhờ vậy, công ty lừa đảo có đủ thời gian để làm đường, phân lô, dẫn dắt khách hàng đến xem đất, mua bán… với số lượng khách hàng quá lớn.
Nếu như chính quyền địa phương có biện pháp ngăn chặn hiệu quả và quyết liệt từ đầu, nếu người dân kiềm chế và đừng mờ mắt vì lợi nhuận cao thì Nhà nước không phải tốn nguồn lực công rất lớn để xử lý hậu quả, từ chi phí điều tra, bắt giam, tổ chức xét xử… với một vụ án có số bị hại lớn đến vậy. Và người dân cũng không bị mất tiền...
- Ông Lê Hoàng Châu (chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM):
Nghị quyết 18 sẽ chấn chỉnh lỗ hổng pháp luật
Từ năm 2016, hiệp hội đã nhận được các đơn phản ánh của người dân và khách hàng liên quan "dự án" của Alibaba ở Đức Hòa (Long An) và nhận thấy việc làm của Alibaba có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Hiệp hội đã phát các văn bản cảnh báo để Alibaba chấn chỉnh hoạt động nhằm tuân thủ pháp luật và tôn trọng quyền lợi của khách hàng.
Thậm chí, hiệp hội đã có văn bản cảnh báo chỉ ra 9 thủ đoạn mà các công ty môi giới mua bán đất nền có dấu hiệu lừa đảo như: hẹn khách hàng xem đất ở địa điểm này nhưng chở sang địa điểm khác, bố trí "chim mồi", tổ chức sự kiện hoành tráng dẫn dụ khách hàng, mời nhiều nhân vật có uy tín thuộc nhiều lĩnh vực tham gia sự kiện của công ty, thủ đoạn tự ý phân lô đất người khác...
Điển hình như năm 2017, hiệp hội có cảnh báo đến lãnh đạo TP.HCM cùng các cơ quan hữu quan về việc Alibaba tự vẽ dự án phân lô đất của khu đô thị tây bắc TP.HCM. Khi ấy, TP đã chỉ đạo xử lý rất quyết liệt, dựng panô, phát cảnh báo.
Alibaba không lừa được ở TP nữa mới chuyển qua các địa bàn khác như Long Thành, Nhơn Trạch, Bà Rịa - Vũng Tàu… Các địa phương cũng xem lại trách nhiệm khi Alibaba tự ý xẻ đường, mở sự kiện, dựng rạp, mang khách hàng đến thường xuyên mà chính quyền "không biết"?
Sắp tới khi thực hiện nghị quyết 18 của trung ương về đất đai, Luật đất đai cũng được sửa đổi cùng tổng thể các quy định liên quan từ Luật nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản, Luật quy hoạch đô thị, Luật đấu thầu, Luật dân sự, Luật đấu giá, Luật quản lý tài sản công và một số điều luật thuế, tín dụng, chứng khoán… sẽ bịt kín được các lỗ hổng, tạo hành lang pháp lý, định hướng phát triển cho thị trường bất động sản.
Trong đó, nghị quyết 18 đặt ra vấn đề rất lớn là minh bạch thông tin. Muốn vậy phải có big data của thị trường bất động sản, rộng hơn là big data của nền kinh tế. Rồi tiến tới yêu cầu thanh toán giao dịch bất động sản qua ngân hàng, qua sàn…