Khu vực doanh nghiệp Nhà nước luôn được coi là động lực cho sự phát triển của nền kinh tế, tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng, những đóng góp của khối doanh nghiệp này chưa thực sự tương xứng với quy mô.
Năm 2022, giá trị thực hiện đầu tư, tỷ lệ giải ngân đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước đều không đạt kế hoạch, thực tế này sẽ ảnh hưởng tới không chỉ hiệu quả của doanh nghiệp và tốc độ phát triển của cả nền kinh tế.
Bình luận về vấn đề này tại Talk Show: "Đối thoại đầu tuần" của Báo Đầu tư, TS. Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, công bằng mà nói doanh nghiệp Nhà nước gặp khá nhiều khó khăn, trở ngại trong việc sử dụng vốn mà phần lớn xuất phát từ cơ chế chính sách.
Ông cho biết, sau một thời gian dài đầu tư dàn trải dẫn đến thua lỗ như Vinashin, Vinalines, Chính phủ đã ban hành Nghị định 69/2014/NĐ-CP của Chính phủ về tập đoàn kinh tế nhà nước và tổng công ty nhà nước nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn việc đầu tư vào sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Nhà nước.
Đầu tư từ TPCP năm 2022 chỉ bằng 1/4 năm 2020
Các biện pháp của Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ nhằm đảm bảo doanh nghiệp sử dụng vốn đúng mục đích và phù hợp với lợi ích của người dân, do đó cơ chế chính sách sẽ phức tạp hơn nhiều doanh nghiệp tư nhân.
Năm 2022, đầu tư vốn tự có của các doanh nghiệp Nhà nước tăng 13,1%, cao hơn mức tăng chung của cả nước chỉ 11,2% và cũng cao hơn mức 8,9% của khu vực kinh tế tư nhân. Năm 2021, khu vực kinh tế nhà nước cũng đầu tư vốn tự có tăng trưởng 5% so với mức 3% của cả nước, nhưng thấp hơn khu vực tư nhân là 7,9%.
Trên thực tế, các doanh nghiệp Nhà nước không thể chỉ trông chờ vào vốn tự có mà muốn mở rộng thì phải sử dụng vốn tín dụng hoặc tăng vốn điều lệ, đặc biệt doanh nghiệp nhà nước thường còn một khoản đầu tư mà nếu sử dụng được tốt sẽ đem lại hiệu quả rất lớn là đầu tư nhà nước thông qua trái phiếu Chính phủ (TPCP).
Trong hai năm qua, khoản đầu tư từ TPCP rất chậm, giá trị đầu tư từ TPCP năm 2022 chỉ bằng 41,1% so với năm 2021, năm 2021 chỉ bằng 55,4% của năm 2020. Như vậy, năm 2022 khoản đầu tư từ TPCP chỉ bằng khoảng 22% của năm 2020. Nguồn vốn rất lớn này nếu khơi thông và khai thác tốt thì đúng là các doanh nghiệp Nhà nước có thể tập trung để xử lý các dự án lớn, tạo lợi ích cho nền kinh tế.
Ngoài vốn đầu tư từ Chính phủ, doanh nghiệp Nhà nước cũng phải sử dụng đòn bẩy tài chính như các doanh nghiệp tư nhân, song khả năng này rất hạn chế, xuất phát từ hai nguyên nhân, TS. Tú Anh chỉ ra.
"Bản thân các doanh nghiệp Nhà nước cũng có những quy định chặt chẽ về trách nhiệm, phòng ngừa rủi ro,… Họ sẽ rất ngại sử dụng đòn bẩy tài chính nhiều vì sẽ đi kèm với rủi ro và trách nhiệm. Có trường hợp các doanh nghiệp Nhà nước còn phải tăng vốn điều lệ lên để đáp ứng các điều kiện sử dụng đòn bẩy tài chính", ông Tú Anh cho biết.
Thứ hai là các Ngân hàng khá ngần ngại cho vay các doanh nghiệp Nhà nước do khả năng xử lý các tài sản đảm bảo của khối doanh nghiệp này khá phức tạp. Điều này làm giảm khả năng sử dụng vốn tín dụng của các doanh nghiệp Nhà nước.
Ông lấy ví dụ về việc có ngân hàng vốn nhà nước hoạt động rất tốt, lợi nhuận cao nhưng họ không thể tăng được quy mô tín dụng vì vướng mắc về vốn điều lệ.
Điều này làm cản trở sự phát triển của ngân hàng, trong khi nếu doanh nghiệp được tăng vốn điều lệ, hoạt động tốt, Nhà nước cũng được lợi, doanh nghiệp cũng được lợi vì ngân hàng cung ứng vốn tín dụng, ngân hàng cũng được lợi. Nhưng để thực hiện điều này phải mất khoảng 2-3 năm mới thực hiện được.
Chủ doanh nghiệp sợ rủi ro và trách nhiệm
Một yếu tố thứ hai khiến đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước ngày càng kém là do tính sợ rủi ro và sợ trách nhiệm khiến chủ doanh nghiệp thận trọng hơn nhiều so với doanh nghiệp tư nhân.
Về bản chất, việc ra quyết định của doanh nghiệp Nhà nước luôn luôn chậm hơn doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên, trong giai đoạn vừa qua, cũng có những vấn đề từ cả doanh nghiệp và cơ chế chính sách trong đó chủ yếu là do cơ chế chính sách mà ra.
Với bộ máy của doanh nghiệp Nhà nước luôn cồng kềnh hơn doanh nghiệp tư nhân, đó là cần nhiều bộ phận hơn để giám sát trong nội bộ doanh nghiệp.
"Thứ hai là do cơ chế hiện nay khiến doanh nghiệp Nhà nước khó có thể tuyển dụng những người năng lực tốt vào bộ máy của mình. Với cơ chế như thế, chất lượng của bộ máy quản lý của doanh nghiệp khó có thể tối ưu, phản ứng tốt với thị trường", ông Tú Anh cho biết.
Một trói buộc khác của doanh nghiệp Nhà nước là thủ tục phức tạp do cơ chế chính sách tạo nên, điểm này hiện đã được nhận diện và đang sửa đổi.
TS. Tú Anh cũng cho biết, theo số liệu thống kê từ Tổng công ty quản lý vốn nhà nước, năm 2022, tổng doanh thu của 30 doanh nghiệp Nhà nước đạt 2,4 triệu tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 248 nghìn tỷ đồng, cao hơn gấp đôi khối doanh nghiệp FDI khoảng 108 nghìn tỷ đồng. Điều này cho thấy, không phải cứ doanh nghiệp Nhà nước là làm ăn thua lỗ, kém hiệu quả.
"Một số doanh nghiệp Nhà nước làm ăn thua lỗ như: EVN, Vietnam Airlines,.. tuy có nguyên nhân chủ quan nhưng phần lớn vẫn là nguyên nhân khách quan từ dịch COVID-19 hay việc thiếu khoản đầu tư,...", Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương nói.
Dù vậy, TS. Nguyễn Tú Anh cũng đánh giá, các quy định, chính sách trong Nghị định 69 là “chiếc áo” quá chật so với các doanh nghiệp Nhà nước ở thời điểm hiện tại và cần phải thay đổi.
Hiện tại, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định 69 sửa đổi để có thể sớm ban hành văn bản này. Nếu được thông qua, Nghị định 69 sửa đổi sẽ giúp nới rộng chiếc áo đối với doanh nghiệp Nhà nước, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển và tạo sân chơi bình đẳng hơn, TS. Nguyễn Tú Anh nhìn nhận.