1. Tăng hệ số trượt giá BHXH năm 2023
Chính sách BHXH đầu tiên được đề cập tại Thông tư 01/2023/TT-BLĐTBXH quy định mức điều chỉnh tiền lương và thu nhập tháng đã đóng BHXH.
Cụ thể từ ngày 01/01/2023, tiền lương tháng đã đóng BHXH đối với NLĐ đóng BHXH bắt buộc quy định tại Khoản 1 Điều 1 Thông tư 01/2023/TT-BLĐTBXH được điều chỉnh theo công thức:
Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội sau điều chỉnh của từng năm tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của từng năm x Mức điều chỉnh tiền lương đã đóng bảo hiểm xã hội của năm tương ứng
Trong đó, mức điều chỉnh tiền lương đã đóng bảo hiểm xã hội của năm tương ứng (hệ số trượt giá BHXH năm 2023) như sau:
Việc tăng hệ số trượt giá BHXH này sẽ góp phần bù đắp sự mất giá của đồng tiền cho những người đóng BHXH ở những năm trước.
2. Đơn giản điều kiện nhận BHXH một lần với một số trường hợp
Chính sách BHXH tiếp theo được cập nhật tại Thông tư 18/2022/TT-BYT đã sửa hướng dẫn về các trường hợp mắc bệnh được hưởng BHXH một lần so với quy định tại Thông tư 56/2017/TT-BYT (có hiệu lực từ ngày 15/02/2023).
Cụ thể, trường hợp đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS quy định tại điểm c khoản 1 Điều 60 Luật bảo hiểm xã hội thì được hưởng BHXH 1 lần.
(Trước đây, người lao động thuộc trường hợp này phải bệnh tới mức không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện nhu cầu sinh hoạt cá nhân hằng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc hoàn toàn thì mới được nhận BHXH một lần)
Như vậy, quy định mới đã đơn giản điều kiện nhận BHXH một lần với trường hợp nêu trên.
3. Thêm 01 bệnh nghề nghiệp được hưởng BHXH
Chính sách BHXH thứ ba được quy định tại Thông tư 02/2023/TT-BYT sửa đổi Thông tư 15/2016/TT-BYT quy định về nghề nghiệp được hưởng BHXH (có hiệu lực từ ngày 01/4/2023).
Cụ thể, bổ sung "bệnh COVID-19 nghề nghiệp" vào danh mục bệnh nghề nghiệp được hưởng BHXH.
Trong đó, người lao động làm nghề, công việc thường gặp và nguồn tiếp xúc với vi rút SARS-CoV-2 bao gồm:
+ Người làm nghề, công việc tại cơ sở y tế.
+ Người làm nghề, công việc trong phòng thí nghiệm, lấy mẫu, vận chuyển mẫu, xử lý, bảo quản và tiêu hủy mẫu có chứa vi rút SARS-CoV-2.
+ Người làm nghề, công việc phòng chống dịch, phục vụ, cứu trợ người nhiễm vi rút SARS-CoV-2. Cụ thể, các công việc trực tiếp trong khu cách ly tập trung, cách ly y tế tại nhà, cách ly y tế vùng có dịch, hỗ trợ chăm sóc người bệnh COVID-19 tại nhà.
+ Người vận chuyển, phục vụ người bệnh COVID-19; vận chuyển, khâm liệm, bảo quản, hỏa táng, mai táng thi hài người bệnh COVID-19; người giám sát, điều tra, xác minh dịch COVID-19; nhân viên hải quan, ngoại giao, nhân viên làm công tác xuất nhập cảnh.
+ Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân, công chức quốc phòng, công nhân quốc phòng và viên chức quốc phòng; chiến sĩ, sĩ quan thuộc lực lượng công an và người làm nghề, công việc khác được cử tham gia phòng chống dịch COVID-19.
4. Tăng phụ cấp ưu đãi nghề với nhiều nhân viên y tế
Ngày 15/02/2023, Chính phủ ban hành Nghị định 05/2023/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 56/2011/NĐ-CP quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập.
Theo đó, mức phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức y tế dự phòng, y tế cơ sở áp dụng từ ngày 1/1/2022 đến hết ngày 31/12/2023 như sau:
Mức phụ cấp 100% áp dụng đối với viên chức thường xuyên, trực tiếp làm chuyên môn y tế dự phòng (bao gồm cả kiểm dịch y tế biên giới); làm chuyên môn y tế tại trạm y tế xã, phường, thị trấn, phòng khám đa khoa khu vực, nhà hộ sinh, trung tâm y tế huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương và bệnh viện tuyến huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương.
Trong thời gian áp dụng mức phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức y tế dự phòng, y tế cơ sở quy định nêu trên thì không áp dụng quy định tại điểm c khoản 2 và quy định đối với viên chức thường xuyên, trực tiếp làm chuyên môn y tế dự phòng tại khoản 4 Điều 3 Nghị định 56/2011/NĐ-CP .
5. Lương viên chức chuyên ngành kiểm định kỹ thuật an toàn lao động
Chính sách tiền lương này đề cập tại Thông tư 30/2022/TT-BLĐTBXH quy định mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành kiểm định kỹ thuật an toàn lao động do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành, có hiệu lực từ ngày 13/02/2023.
Theo đó, các chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành kiểm định kỹ thuật an toàn lao động được áp dụng bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước (Bảng 3) ban hành kèm theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP , như sau:
- Chức danh nghề nghiệp Kiểm định viên chính kỹ thuật an toàn lao động được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2 nhóm 1 (từ hệ số lương 4,40 đến hệ số lương 6,78);
- Chức danh nghề nghiệp Kiểm định viên kỹ thuật an toàn lao động được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1 (từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98);
- Chức danh nghề nghiệp Kỹ thuật viên kiểm định kỹ thuật an toàn lao động được áp dụng hệ số lương của viên chức loại B (từ hệ số lương 1,86 đến hệ số lương 4,06).
**Xếp lương khi hết thời gian tập sự và được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp:
- Trường hợp có trình độ tiến sĩ thì được xếp bậc 3, hệ số lương 3,00 của chức danh nghề nghiệp Kiểm định viên kỹ thuật an toàn lao động, mã số: V.09.03.02;
- Trường hợp có trình độ thạc sĩ thì được xếp bậc 2, hệ số lương 2,67 của chức danh nghề nghiệp Kiểm định viên kỹ thuật an toàn lao động, mã số: V.09.03.02;
- Trường hợp có trình độ cao đẳng thì được xếp bậc 2, hệ số lương 2,06 của chức danh nghề nghiệp Kỹ thuật viên kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, mã số: V.09.03.03.
Việc chuyển xếp lương đối với viên chức từ chức danh nghề nghiệp hiện giữ sang chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành kiểm định kỹ thuật an toàn lao động quy định tại Thông tư này theo hướng dẫn tại khoản 2, Mục II, Thông tư 02/2007/TT-BNV .
6. Mức bồi dưỡng bằng hiện vật với lao động làm việc trong điều kiện nguy hiểm
Chính sách lao động này cập nhật tại Thông tư 24/2022/TT-BLĐTBXH quy định việc bồi dưỡng bằng hiện vật đối với người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành (có hiệu lực từ ngày 01/3/2023).
Cụ thể, mức bồi dưỡng bằng hiện vật được tính theo định suất hàng ngày và có giá trị bằng tiền như sau:
- Mức 1: 13.000 đồng (tăng 3.000 đồng);
- Mức 2: 20.000 đồng (tăng 5.000 đồng);
- Mức 3: 26.000 đồng (tăng 6.000 đồng);
- Mức 4: 32.000 đồng (tăng 7.000 đồng).
Đối với NLĐ đủ điều kiện hưởng bồi dưỡng thì mức bồi dưỡng cụ thể theo từng nghề, công việc được quy định tại Phụ lục I Thông tư 24/2022/TT-BLĐTBXH và được áp dụng theo thời gian làm việc tương ứng như sau:
- Nếu làm việc từ 50% thời giờ làm việc bình thường trở lên của ngày làm việc thì được hưởng cả định suất bồi dưỡng;
- Nếu làm dưới 50% thời giờ làm việc bình thường của ngày làm việc thì được hưởng nửa định suất bồi dưỡng;
- Trong trường hợp NLĐ làm thêm giờ, định suất bồi dưỡng bằng hiện vật được tăng lên tương ứng với số giờ làm thêm theo nguyên tắc trên.
7. Thời hạn giám định tư pháp theo vụ việc lĩnh vực BHXH, bảo hiểm thất nghiệp
Thông tư 23/2022/TT-BLĐTBXH quy định về giám định tư pháp theo vụ việc trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành, có hiệu lực từ ngày 03/01/2023.
Theo đó thời hạn giám định tư pháp theo vụ việc lĩnh vực BHXH, bảo hiểm thất nghiệp như sau:
(1) Thời hạn giám định tư pháp theo vụ việc được tính từ ngày cơ quan, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc nhận được quyết định trưng cầu giám định và đầy đủ hồ sơ, đối tượng giám định, thông tin, tài liệu, đồ vật nêu tại quyết định trưng cầu giám định.
(2) Thời hạn giám định tư pháp theo vụ việc lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp thực hiện theo thời hạn được ghi trong quyết định trưng cầu của người trưng cầu giám định.
(3) Thời hạn giám định tư pháp tối đa đối với các trường hợp không thuộc quy định tại khoản (2) với từng loại việc giám định như sau:
- Giám định các nội dung liên quan đến thu bảo hiểm xã hội, thu bảo hiểm thất nghiệp, thời hạn giám định tối đa là 01 tháng.
- Giám định các nội dung liên quan đến giải quyết hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội thời hạn giám định tối đa là 02 tháng;
- Giám định các nội dung liên quan đến chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, thời hạn giám định tối đa là 01 tháng;
- Giám định các nội dung khác liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp thuộc thẩm quyền giải quyết của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, thời hạn giám định tối đa là 03 tháng;
- Đối với trường hợp giám định theo vụ việc có từ 02 nội dung giám định khác nhau trở lên thuộc lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp quy định tại Điều 3 Thông tư 23/2022/TT-BLĐTBXH hoặc có tính chất phức tạp liên quan đến nhiều tổ chức, cá nhân, thời hạn giám định tối đa là 04 tháng.
Trong trường hợp cần thiết, cá nhân người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc có văn bản đề nghị cơ quan trưng cầu giám định gia hạn theo thẩm quyền.