Doanh nghiệp phân phối quy mô vừa vẫn thua lỗ
Dị biệt là từ khóa các chuyên gia nói về thị trường xăng dầu Việt Nam năm 2022. Trước một năm bất ổn của thị trường, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp xăng dầu cũng mang màu sắc ảm đạm, trong 5 doanh nghiệp xăng dầu niêm yết thì có 4 doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận giảm, một doanh nghiệp thua lỗ.
Có thể kể đến CTCP Thương mại đầu tư dầu khí Nam Sông Hậu (Mã: PSH), doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu thuần trong quý IV/2022 tăng trưởng 29% so với cùng kỳ, lên 2.212 tỷ đồng, song lợi nhuận sau thuế lại giảm 40% xuống còn hơn 40 tỷ đồng.
Lũy kế năm 2022, doanh thu thuần của Dầu khí Nam Sông Hậu đạt 7.355 tỷ đồng, tăng 28% so với năm 2021. Tuy nhiên công ty ghi nhận lỗ sau thuế 200 tỷ đồng, trong khi năm 2021 lãi 320 tỷ.
Khoản lỗ này chủ yếu cộng dồn từ khoản lỗ 264 tỷ đồng trong quý II/2022 do giá xăng dầu thế giới và trong nước cao hơn cùng kỳ, làm ảnh hưởng đến giá nguyên vật liệu đầu vào. Bên cạnh đó, chi phí lãi vay và quản lý doanh nghiệp cũng tăng ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của công ty.
Với kết quả này, công ty mới thực hiện được 49% kế hoạch doanh thu và không về đích mục tiêu 348 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế năm 2022.
Một doanh nghiệp khác cũng ghi nhận kết quả kinh doanh đi xuống là CTCP Vật tư Xăng Dầu (Comeco – Mã: COM). Theo đó, doanh thu thuần quý IV của Comeco đạt 1.129 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, công ty ghi nhận lỗ sau thuế khoảng 2,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 18,5 tỷ.
Tính chung năm 2022, Comeco ghi nhận doanh thu thuần đạt 4.816 tỷ đồng, tăng 81% so với năm 2021, tuy nhiên lợi nhuận sau thuế lại giảm 97%, còn 1,2 tỷ. Với kết quả này, Comeco đã vượt gần 38% kế hoạch doanh thu song mới hoàn thành 4% mục tiêu lợi nhuận.
Ông Phạm Văn Khoa, Phó Tổng Giám đốc Comeco nhận định 2022 là năm “dị biệt” của thị trường xăng dầu, chi phí kinh doanh xăng dầu tăng vọt nhưng chính sách điều hành thị trường xăng dầu không được điều chỉnh kịp thời vào giá cơ sở dẫn đến nguồn hàng khan hiếm và chiết khấu bán hàng thấp.
Ông Khoa cho rằng tình hình kinh tế thế giới và trong nước năm nay sẽ tiếp tục khó khăn, do vậy chiến lược của công ty là tập trung nguồn lực phát triển mảng kinh doanh xăng dầu, tìm kiếm mặt bằng để hợp tác kinh doanh, mua/thuê đất hoặc cửa hàng có sẵn để mở chi nhánh xăng dầu mới.
Biên lợi nhuận quý IV/2022 của hai ông lớn Petrolimex và PV OIL khởi sắc
Trong khi các doanh nghiệp quy mô vừa ghi nhận lợi nhuận giảm sâu, hai ông lớn Petrolimex và PV OIL đã có lãi trở lại trong quý IV/2022, cú “lội ngược dòng” được coi là những tia sáng nhỏ trong tổng thể bức tranh ảm đạm của ngành xăng dầu.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2022 của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex - Mã: PLX) ghi nhận 78.383 tỷ đồng doanh thu thuần, lãi sau thuế 1.414 tỷ đồng, tăng lần lượt 59% và 102% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong báo cáo giải trình, Petrolimex cho biết trong quý IV/2022, Liên Bộ Công thương – Tài chính điều chỉnh giá cơ sở phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới và chi phí khâu tạo nguồn, khâu lưu thông thực tế, điều này giúp lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh xăng dầu của doanh nghiệp này phát sinh lãi trong khi cùng kỳ lỗ.
Ngoài ra, lợi nhuận từ hoạt động lĩnh vực khác quý IV/2022 tăng so với cùng kỳ, trong đó một số công ty con kinh doanh trong lĩnh vực vận tải, nhiên liệu bay... đã trở lại hoạt động ổn định sau giai đoạn hậu COVID-19.
Lợi nhuận từ hoạt động tài chính quý IV/2022 cũng tăng so với cùng kỳ nhờ tỷ giá có xu hướng giảm dần từ cuối tháng 11, do vậy doanh nghiệp lãi tỷ giá khoảng 300 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ phát sinh lỗ 18 tỷ.
Tính chung cả năm 2022, doanh thu thuần của Petrolimex đạt 304.080 tỷ đồng, tăng 80% nhưng lợi nhuận sau thuế giảm 39% còn 1.912 tỷ đồng.
Trong tháng 12/2022, Petrolimex đã được thông qua việc điều chỉnh kế hoạch doanh thu tăng 29% từ 186.000 tỷ lên 240.000 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế giảm 90% từ 3.060 tỷ đồng xuống 300 tỷ đồng so với kế hoạch. Với 2.260 tỷ lợi nhuận trước thuế năm 2022, Petrolimex đã vượt 7,5 lần chỉ tiêu lợi nhuận và vượt 27% kế hoạch doanh thu.
Tương tự như Petrolimex, kết quả kinh doanh của quý IV/2022 của Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV OIL - Mã: OIL) cũng cải thiện so với quý trước. Cụ thể, doanh thu thuần trong quý IV/2022 đạt 24.662 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp nàygiảm gần 11% so với cùng kỳ xuống 285 tỷ đồng. Trong văn bản giải trình, công ty cho biết sản lượng tiêu thụ tăng nhưng giá cả hàng hóa, dịch vụ cũng đi lên đã đẩy các chi phí hoạt động tăng. Một số chi phí tăng do năm trước ảnh hưởng của dịch bệnh nên ít hoặc chưa phát sinh.
Dù vậy, chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp quý IV/2022 thấp nên lợi nhuận sau thuế của PV OIL vẫn tăng 16%, lên 295 tỷ đồng.
Tính chung năm 2022, doanh thu thuần của PV OIL đạt 104.279 tỷ đồng, tăng 80% so với năm 2021, đây cũng là mức doanh thu cao nhất của doanh nghiệp này từ khi thành lập. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế cả năm 2022 của PV OIL lại ghi nhận giảm 6% xuống còn 726 tỷ đồng. Như vậy, PV OIL đã vượt 130% kế hoạch doanh thu và vượt 182% chỉ tiêu lợi nhuận năm 2022.
Điểm chung của hai ông lớn xăng dầu là biên lãi gộp quý IV/2022 khởi sắc hơn so với quý trước. Theo đó, biên lãi gộp của Petrolimex quý IV/2022 là 5,5%, tăng 1,7 điểm % so với quý III/2022. Còn biên lợi nhuận gộp trong quý này của PV OIL cũng tăng mạnh lên 5,1% so với mức 1,2% của quý III/2022.
Những bất đồng về chiết khấu trong kinh doanh xăng dầu
Đằng sau 5 doanh nghiệp xăng dầu niêm yết thống kê trong bảng, vẫn còn hàng chục doanh nghiệp đầu mối, hơn 330 thương nhân phân phối và 17.000 cửa hàng bán lẻ phải chịu cảnh thua lỗ trong năm 2022.
Câu chuyện về chiết khấu giữa doanh nghiệp đầu mối và doanh nghiệp bán lẻ trở nên căng thẳng trong thời gian qua, nhất là giai đoạn giá xăng dầu biến động mạnh.
Tại hội thảo góp ý Dự thảo Nghị định 95/2021 và Nghị định 83/2014 sáng 14/2, ông Hà Thanh Tùng, lãnh đạo một công ty xăng dầu tỉnh Hà Giang, đại diện cho nhóm 9.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu cho biết nhóm này chiếm 53% tổng số cửa hàng bán lẻ trên cả nước (17.000).
Chi phí vận hành một cửa hàng xăng dầu trong một tháng khoảng 100 triệu đồng. Trong thời gian qua, mức chiết khấu thấp, doanh nghiệp không có nguồn thu, có thời điểm nhóm doanh nghiệp này thua lỗ tới 900 tỷ đồng/tháng.
Ông Hà Thanh Tùng mong muốn cơ quan nhà nước công nhận sự tồn tại của doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu với quyền và nghĩa vụ bình đẳng với thương nhân phân phối, đầu mối thông qua việc tính lợi nhuận định mức, chi phí kinh doanh cho cả khâu bán lẻ.
Cụ thể, ông Tùng kiến nghị chi phí kinh doanh định mức cho doanh nghiệp bán lẻ được 3-3,5% theo giá xăng dầu, lợi nhuận định mức khoảng 2-2,5%. Đồng thời cho phép doanh nghiệp bán lẻ được lấy hàng từ ba nguồn để đảm bảo thị trường ổn định, không ai có thể chiếm lĩnh, độc quyền ở thị trường.
Cùng góp ý về vấn đề chiết khấu cho doanh nghiệp bán lẻ, ông Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc (Trà Vinh) cho rằng mức chiết khấu tối thiểu là công cụ để doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu hoạt động trong mọi tình huống biến động của giá dầu thế giới. Vị này đề xuất mức chiết khấu tối thiểu không dưới 5-6%/giá bán lẻ.
Trong khi đó, ở phía các doanh nghiệp đầu mối cũng cho rằng họ đang chịu lỗ nên không thể nâng mức chiết khấu.
Ông Nguyễn Hồng Nam, Trưởng ban chính sách kinh doanh của Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết bản thân các doanh nghiệp đầu mối cũng đang khó khăn.
Theo quy định hiện nay thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu phải dự trữ tồn kho 20 ngày. Tuy nhiên, trong công thức tính giá lấy giá biên độ quá mạnh. Do đó, nếu giá xuống thì doanh nghiệp chịu lỗ rất lớn vì hàng tồn kho giá cao. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng không đủ nguồn lực để chia sẻ chiếu khấu cho doanh nghiệp bán lẻ.
Theo ông, việc thay đổi giá 7 ngày hay 15 ngày không quan trọng bằng việc công thức tính giá có khả năng bao quát được tồn kho cho doanh nghiệp.
“Doanh nghiệp bán lẻ đòi chiết khấu nhưng nếu chúng tôi có lãi thì mới chia được. Trong khi đó, thời gian qua chúng tôi cũng lỗ nặng. Gia đoạn vừa rồi chúng tôi cũng phải chịu áp lực”, ông nói.
Đại diện củaCông ty TNHH MTV Dầu khí TPHCM (Saigon Petro) cho biết vừa qua công ty cũng phải chịu lỗ trong 6 tháng cuối năm.
Ông Phạm Văn Thoại, Chủ tịch HĐQT Saigon Petro cho biết:“Các doanh nghiệp bán lẻ ý kiến việc chiết khấu thấp hoặc không có chiết khấu thì cũng nên hiểu cho chúng tôi. Chúng tôi cũng phải chịu lỗ trong 6 tháng cuối năm 2022 và phải có trách nhiệm nhập khẩu với cái giá trên trời, rất khó để nhập. Ngoài ra, nhập khẩu về bằng tiền USD trong khi đồng tiền này thời gian qua liên tục tăng”.