Năm 2023 là một năm đầy thử thách đối với ngành dệt may Việt Nam. Những tháng đầu năm, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu giảm sút đơn hàng từ 50 - 70%.
Đồng thời, ngày càng nhiều thị trường nhập khẩu dệt may lớn đưa ra những quy định mới mang tính bắt buộc liên quan tới thẩm định quyền con người và môi trường trong chuỗi cung ứng, quy định thiết kế sinh thái, sản phẩm tái chế, xử lý chất thải dệt may...
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023 của CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành công (Mã: TCM), doanh thu thuần của doanh nghiệp đạt 815 tỷ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Biên lãi gộp được cải thiện lên 15,8%, cùng kỳ năm 2022 đạt 16,2%.
Trừ đi các chi phí, TCM lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ (lợi nhuận ròng) 22 tỷ đồng, giảm 64% so với quý IV/2022.
Luỹ kế cả năm, TCM ghi nhận 3.325 tỷ đồng doanh thu thuần, 132 tỷ lãi ròng; giảm lần lượt 23% và 53% so với năm 2022.
Trong cơ cấu doanh thu, doanh thu từ thị trường xuất khẩu giảm 41% còn 2.219 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp từ thị trường xuất khẩu giảm 49% còn 313 tỷ.
Bù đắp cho sự suy yếu của thị trường xuất khẩu là sự gia tăng doanh thu của thị trường trong nước với 1.106 tỷ, tăng 93% so với năm 2022. Qua đó cũng giúp lợi nhuận gộp tăng 95% lên 185 tỷ đồng.
Trong năm 2023, xuất khẩu của công ty sang thị trường châu Á chiếm 68,9%, trong đó thị trường Hàn Quốc chiếm 24,39%, thị trường Nhật chiếm 19,5%, Trung Quốc chiếm 8,31%, Việt Nam chiếm 6,28%.
Tiếp đến thị trường châu Mỹ chiếm 31,7%, trong đó thị trường Mỹ chiếm 26,73%, Canada chiếm 4,73%. Còn thị trường châu Âu chiếm 3,7%, trong đó Anh chiếm 3,02%.
Do ảnh hưởng mạnh bởi suy thoái kinh tế, lạm phát cao tại Mỹ và EU trong thời gian qua đã khiến người tiêu dùng Mỹ và EU thắt chặt chi tiêu và giảm tiêu dùng cho những mặt hàng không phải là hàng thiết yếu, trong đó có hàng dệt may.
Điều này làm cho tình hình xuất khẩu của TCM sang các thị trường này giảm sút so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nhờ vào chiến lược đa dạng hóa thị trường xuất khấu trong đó có thị trường châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và chú trọng phát triển thị trường nội địa đối với mảng vải - sợi để giảm thiều rủi ro và gia tăng tỷ trọng xuất khẩu, phần nào duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Kết quả kinh doanh năm 2023 chưa đạt kế hoạch và sụt giảm so với năm 2022 là do nhu cầu tiêu dùng hàng dệt may thời trang giảm mạnh trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn, tình trạng lạm phát kéo dài tại các thị trường xuất khẩu trong đó ảnh hưởng mạnh nhất là thị trường Mỹ và EU.
Xung đột giữa các quốc gia, tình hình kinh tế sau dịch bệnh bị suy giảm... là những nguyên nhân làm cho nhu cầu tiêu dùng bị sụt giảm mạnh trong năm 2023 vừa qua trong khi dệt may thời trang không phải mặt hàng tiêu dùng thiết yếu. Đồng thời chi phí đầu vào nguyên vật liệu, logistic cũng tăng cao làm ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của công ty.
Tính tới cuối năm 2023, quy mô tài sản của TCM là 3.279 tỷ. Trong đó, khoản tiền, tiền gửi ngân hàng ghi nhận 748 tỷ đồng. Dư nợ vay cuối kỳ là 680 tỷ đồng, giảm 29% sau một năm và giảm gần 16% sau một quý.